Showing posts with label Sau Bức Tường Rêu 1 2 3 4 5.... Show all posts
Showing posts with label Sau Bức Tường Rêu 1 2 3 4 5.... Show all posts

Sunday, December 16, 2012

Giọt Rêu Xanh


SAU BỨC TƯỜNG RÊU…
 
Chút nắng chiều còn rơi rớt lại, xa xa phía cuối chân trời những giải mây hồng tiá lửng lơ trôi. Mặt biển thật bao la, bát ngát với từng con sóng lượn nhấp nhô đuổi nhau xô dạt vào bờ.
Trên bãi cát, hắn ngồi im lìm như một pho tượng, lặng lẽ ngắm hoàng hôn cuả biển và những kỷ niệm lãng đãng trở về trong ký ức…
Phải, làm sao có thể quên bóng dáng cô gái ấy, tà áo trắng như vẫn còn bay bay trong gió, nụ cười hồn nhiên vẫn còn như rộn rã bên tai, với đôi mắt to tròn, đen láy thật ngây thơ, ngơ ngác mà mọi người thường nói là đôi mắt cô ta cũng biết cười. Nghĩ tới đây, Kỳ Minh (tên của hắn) chợt mỉm cười vu vơ một mình, lấy tay hất nhẹ những mảnh vỏ sò, và dõi mắt nhìn chúng rơi rơi trên mặt nước, như để xua đuổi một cảm xúc nào đó đang trỗi dậy trong lòng mà Minh không muốn nhớ lại, vì mỗi khi cái cảm giác này lững thững trở về là lòng Minh vẫn còn cảm thấy một cái gì đó thật khó diễn tả, nhưng không dễ chịu chút nào hết !
Nhớ những buổi chiều năm xưa, vâng, những chiều kỷ niệm còn đong đầy hạnh phúc mà tháng năm dù không dừng lại  nhưng vẫn không thể làm phôi phai nét đẹp vĩnh hằng này, bởi vì điều ấy không còn nằm trong sự tàn phá của không gian và thời gian, bởi vì điều ấy vượt trên mọi khuôn khổ nào có thể có được trong xã hội loài người, đó là «sức rung cuả tâm hồn»…
Mỗi khi đi làm về, cho dù đã khá mệt mỏi, cho dù bụng đã cồn cào, nhưng chiếc xe đạp cứ tự nhiên lăn bánh theo một sức hút vô hình về hướng nhà Như Uyển (tên nàng), với cõi lòng nôn nao, rộn rã, pha lẫn chút hồi hộp cùng đôi chút âu lo… Nếu nàng có đó, vẫn luôn với dáng ngồi hơi cúi mặt xuống để đọc, hay đang viết, trong căn phòng khách dưới ánh đèn néon, qua cánh cửa sắt lớn, thường mở một bên, khép một bên (phiá ngoài là khung cưả rào bằng lưới thưa nên bên ngoài nhìn vào khá rõ, nhưng bên trong nhìn ra thì không để ý người qua lại làm gì) thì lòng Kỳ Minh sẽ vui ghê lắm, tuy nhiên nếu trong căn phòng, chiếc bàn làm việc vắng bóng người, thì…Trái tim Minh chợt hụt hẫng, một cảm giác bâng khuâng , buồn bã làm sao đâu.  Nếu khi tới, chiếc xe lăn bánh hân hoan bao nhiêu, thì lúc trở về, ôi ! sao mà thất thểu, rã rời bấy nhiêu.

Như thường lệ, xong công việc, Kỳ-Minh vội vã thu dọn đồ đạc để ra về, vì làm buổi tối nên trễ hơn mọi khi, liếc nhìn đồng hồ đã gần mười một giờ đêm.
Một mình đạp xe qua những con đường vắng, nhìn phố xá thưa thớt bóng người, trông thật quạnh hiu, khác hẳn với ban ngày, rộn rịp tiếng xe cộ, tiếng người qua, lại, hàng quán xôn xao…Thật đúng là nhịp sống quay cuồng !
Trong cái tỉnh lặng của bầu không khí ban đêm này, Minh cảm thấy dường như khoảng khoát, thoải mái hơn thì phải, chàng khẽ  hít vào một hơi thở thật sâu, mắt ngước nhìn lên nền trời đang lấp lánh muôn vạn vì sao, chợt thầm nghỉ đến nàng, và tự hỏi ở trên cao ấy có ngôi sao nào là của mình và ngôi sao nào là của người ta ! Cả hai có được đứng gần nhau không nhỉ. Nghĩ  như vậy rồi, lại tự cười thầm mình, bỗng dưng trở thành thi sĩ ! Rồi chợt nhớ tới anh Phước. Trước đây mỗi khi phải lòng một cô nào thì anh thường ôm cây đàn guitare, hát lảm nhảm : - Yêu ai anh biết làm thơ. Yêu em anh trở thành khờ muôn niên.
Nhớ tới anh, lòng Minh đau nhói ! Cái nỗi đau này phải nhiều gấp bội lần trong lòng Mẹ của Minh, đã gậm nhấm trái tim bà suốt bao năm.  Người trai trẻ hào hoa và dễ thương, hiền lành ấy, anh đã trở thành một miếng mồi ngon, đáng thương và tội nghiệp như bao người khác cùng thế hệ. Cái thế hệ bị hy sinh tức tưởi và tàn nhẫn  cho một chủ thuyết «không tưởng». Cái chủ thuyết đã được sáng tạo bởi một khối óc rất thông minh, nhưng được thúc đẩy từ lòng hận thù giai cấp, bởi sự nghèo đói, khổ đau ! Nhưng oái oăm thay chính cái chủ thuyết ấy khi áp dụng cho các nước cộng sản lại luôn luôn đem đến sự khổ đau, đói nghèo, bạo lực và bất công giai cấp hơn bất kỳ chế độ nào khác !
Minh vừa miên man suy tư, chân vẫn đạp đều qua các ngã đường dưới bầu trời đêm thật trong lành.
Dẫu biết là vào giờ này nàng đã đi ngủ rồi. Trong đầu thì nghỉ là quay về nhà , thế mà vì mãi nghỉ ngợi bâng quơ, lúc sực tỉnh thì đã thấy mình đang đạp xe vào con ngõ quen thuộc và dừng xe trứơc ngôi nhà ấy. Nhìn cánh cửa đóng im lìm, chỉ còn những cành hoa giấy đỏ phơ phất trong gió nhẹ, uốn mình bám leo trên hàng rào với vẻ lẻ loi và cô đơn… Sao bỗng nhiên trong lòng Minh lại thoáng dâng một nỗi buồn vu vơ với đôi chút dỗi hờn vô cớ, như là bị lỗi hẹn, như  bị bỏ quên ! Cho dù  mãi đến hôm nay, thật ra tình cảm của Minh đối với người con gái ấy chưa hề có một sự hứa hẹn nào cả.
Cách đây mấy tháng, khi được mời đi dự sinh nhật một người bạn. Minh đã gặp Như Uyển vì tình cờ ngồi cạnh nàng. Lúc đó Minh thấy nàng thật là trầm lặng và chững chạc. Mới gặp nàng lần đầu, Minh đã cảm thấy trong lòng mình dường như không còn bình lặng như xưa nữa, mặc dầu không giải thích được tại sao ! Rồi trong bửa tiệc, lúc mọi người đang ăn, nói vui vẻ, có lẽ Minh hơi lơ đãng sao đó, quên ăn, hay ăn uống lơ là, mà cũng vì bị một cảm xúc kỳ lạ xâm chiếm tâm hồn... Chợt bên tai nghe tiếng của một người con gái, giọng nhỏ nhẹ :
- Anh ăn đi chứ, sao ngồi thẫn thờ ra như vậy ; Kèm theo câu nói là một nụ cười mĩm, duyên dáng
Minh chưa kịp nói gì, thì nàng đã tiện tay gắp giùm thức ăn thêm vào chén của Minh, cử chỉ này thật tự nhiên, như một người chị quan tâm tới đứa em vậy, nhưng… sao Minh vẫn cảm nhận được sự chân thành, vô tư, pha lẫn đôi chút trìu mến nhỉ, hay tại chàng giàu tưởng tượng chăng, không rỏ.  Rồi cũng thật tự nhiên, nàng quay sang tiếp tục nói chuyện với người bạn gái bên cạnh mà cũng là chủ nhân của buổi tiệc hôm ấy là Châu. Căn phòng vẫn rộn rã tiếng nói, cười, tiếng « lanh canh » của bát, dĩa, ly chén chạm nhau tạo nên một thứ âm thanh huyên náo cùng với tiếng nhạc từ máy cassette… Rồi ai đó đã để một bản nhạc hòa tấu  quen thuộc của Schubert  mà Minh rất thích. Đắm hồn trong tiếng nhạc du dương, mặc tiếng lao xao, ồn ào chung quanh …Chàng từ từ nhắm mắt lại, để cảm nhận cái cảm giác mới lạ, đang theo tiếng nhạc  êm đềm, thật ngọt ngào, nhè  nhẹ len lõi vào tâm hồn…
Trong suốt buổi tiệc hôm ấy, thỉnh thoảng nàng quay sang hỏi han, chăm thức ăn cho Minh, thật cởi mở, tự nhiên. Có lẽ vì thấy cái vẻ lẻ loi, trầm mặc cố hữu của chàng. Riêng Minh chỉ trả lời theo câu nàng hỏi, một cách thụ động, vụng về…
Theo ngày tháng, cái tình cảm thầm lặng này đã từ từ nảy nở trong lòng Minh, vượt ngoài sự kiểm soát của lý trí. Khuấy động tâm tư người trai trẻ vốn rất cô đơn và bơ vơ,  như đa số tuổi trẻ của miền Nam sau khi quê hương bị cưỡng chiếm. Một thứ cảm giác mà nếu phải diễn tả bằng lời thi có lẽ là, nửa như rất thân thuộc, gần gũi, vừa tha thiết, êm đềm, vừa ray rức, xa xôi...
_________________________________________________________________________________________________________
SAU BỨC TƯỜNG RÊU
(2)
Hôm nay được nghỉ nên Minh ngủ dậy trễ, mà một phần cũng do đêm hôm qua vì không được nhìn thấy nàng trước khi về nhà, nên không thể nào ngủ đuợc, cứ ngồi hàng giờ liền, hý hoáy viết lung tung, rồi dập xóa ngập kín bao nhiêu là trang giấy ! Mỗi một nét chữ dường như  đều ấp ủ, chất chứa tâm sự câm nín của kẻ si tình. Cho mãi đến khuya lắm chàng mới ngã lưng xuống giường.
Mẹ của Minh thấy sao hôm nay con mình thức dậy muộn quá, nên bà cũng hơi lo, phải vào hỏi thăm :
- Bộ không khoẻ hả Minh
Nghe tiếng mẹ hỏi, anh vội ngồi dậy, uể oãi che miệng ngáp và trả lời :
- Dạ đâu có gì, tại được nghỉ nên con ngủ nướng thêm. Ủa hôm nay má không đi bán sao (vì mẹ Minh có một sạp vải nhỏ hùn với người bạn ngoài chợ A. Đ).
- Đi, đi liền bây giờ, má có để gói xôi cho con ngoài bàn đó, lo dậy mà ăn đi. Ừ được nghĩ thì ngủ nghê cho lại sức. Chỉ lo con không được khỏe thôi.

Khi bà đã ra khỏi nhà, anh cũng thức dậy luôn.  Đang rửa mặt thì có tiếng cuả Trí, em trai kế :
- Anh hai ơi có người kiếm kià
- Ai vậy em ? Không nghe tiếng trả lời, anh biết là Trí đã "dọt" đi chơi với bạn trong xóm rồi, hể ngày nghỉ là khó mà có mặt nó ở nhà.
Minh vừa quơ chiếc chemise trắng khoát vào người vừa đi ra. Ngoài hiên nhà, Thùy đã ngồi trên chiếc ghế gỗ dài. Cô là bạn từ hồi trung học và rất thân với Minh.  Thùy tính tình cởi mở, thẳng thắn, cả hai rất hợp nhau, và chơi với nhau như hai thằng bạn trai vậy. Có tâm sự gì thì cả hai đều có thể nói cho nhau nghe.
Thấy anh ra tới, Thùy cười hỏi :
- Sao, lúc này ái tình, sự nghiệp của bạn tới đâu rồi ?
- Cũng "dzậy dzậy", còn cô, ngọn gió nào tự nhiên thổi lạc tới đây vào giờ này, «chàng» nơi đâu để «nàng» một mình lang thang ; Minh và Thùy thường có lối nói chơi như vậy rất thoải mái.
- Còn hỏi nữa, thấy mình tới đây kiếm bạn tán dóc là biết rồi, và cô cười nho nhỏ...
Minh chọc :
- Ủa, té ra coi tui là «trái độn» sao ta. 
-Không là trái độn mà là « trái phá»
Minh cười lớn hỏi :
-Nghĩa là sao đây bạn ?
-Thì còn sao nữa. Thông minh nhất nam tử mà lị.
Minh tiếp lời :
-Yếu vi thiên hạ…Thùy ! ha ha ha…
Thùy cũng cười theo và họ ngồi bên nhau, chuyện ngắn, chuyện dài, tâm đắc.
Hồi trung học,  bạn bè thường ưa ghép Minh với Thùy, nhưng bạn là bạn, vì mỗi tình cảm có một vị trí rất riêng, và cảm xúc cho từng thứ tình cũng hoàn toàn khác biệt. Cho đến khi thi vào đại học thì Minh đi theo ngành y, còn Thùy vì thích văn chương nên chọn Văn khoa. Sau ngày ba mươi tháng tư, ngày miền Nam phủ mảnh khăn sô. Tất cả những sinh viên có «lý lịch xấu», nghĩa là con của những thương gia, quân nhân, công chức cao cấp của miền Nam VN lúc đó, đều bị kêu lên đe dọa, làm khó, làm cho sợ sệt, nản chí để bỏ học, và nếu muốn tiếp tục thì  đều phải đi lao động cưỡng bách một năm, sau đó mới tính. Và không nói thì ai cũng hiểu, như hoàn cảnh của Minh và đa số bạn bè, sau khi lao động tốt về thì với hoàn cảnh khó khăn, chật vật, cha, anh bị bắt bớ tù tội, đi học tập không biết bao giờ về. Mẹ một gánh nặng tảo tần trên vai, làm sao ai còn đủ tâm trí để  mà ngồi yên học hành gì nữa chứ. Huống chi chúng nó với chính sách đảng trị, «hồng hơn chuyên». Một chú bộ đội có nhiều năm tuổi đảng, bây giờ đương nhiên vào ngồi ghế đại học để  «học đại», để được đào tạo ra ngồi ở trên đầu, trên cổ dân, để trung thành với chỉ tiêu, đường lối của đảng.
Còn những em học sinh vừa mới  đậu tú tài toàn phần như em của bạn bè Minh thì nếu có gia đình thuộc những diện kể trên, đặc biệt là : « nhất Phi nhì Pháo», phi là không quân, pháo là pháo binh, thì kể như kết thúc sự học ! Vì tuyệt đối không được nhận vào bất cứ ngành nghề nào. Cô của Minh lúc đó đang làm việc trong bộ giáo dục, vì chưa thể thế hết người miền Nam lúc đó nên việt cộng còn phải lợi dụng nhân viên miền Nam. Cô kể cho biết là hồ sơ của các em bị liệt vào những thành phần kể trên thì đều bị khoanh đỏ và bỏ qua một bên ! Một chế độ «ngu dân» để dễ trị. Chính sách này áp dụng triệt để cho mãi tới năm 1979, mới được nới lỏng bớt, và con em người dân miền Nam khi thi vào đại học mới có hy vọng đậu  nếu điểm thi cao. Trước đây thì tuyệt đối «rớt» !
Trong mắt những kẻ cầm quyền độc tài chuyên chế này thì  con em miền Nam  trên mười ba tuổi đối với chúng là «hết xài» ! Đó là sự thâm độc và mỵ dân của chế độ cộng sản toàn cầu. «Siết cổ họng»  tạo sự nghèo đói, «diệt chất xám» để làm ngu dân. Để chúng độc quyền lảnh đạo muôn năm ! Dìu dắt đất nước và toàn dân đi vào ngõ cụt, xuống hố thẳm, vào vực sâu. Chỉ có bọn chúng, cái «quái đảng» ấy và bè phái, con cháu, dòng họ chúng nó là giàu sụ, uy quyền tột bực. Còn toàn dân sẽ biến thành «nô lệ», nô lệ cho «quái đảng», vì một đất nước mà người dân không được làm chủ vận mệnh của mình và không có tự do, nhân quyền thì đương nhiên là trở thành nô lệ ! Là cái thảm trạng mà người miền Bắc, «đã», miền Nam «đang» và cả nước «sẽ» được sự lảnh đạo «thần thánh trong u mê và gian dối» của cái « quái đảng» hiện tại đưa vào vòng hệ lụy, khổ đau, không phải một thế hệ mà còn nhiều thế hệ tiếp nối !
Ngoài sân bóng nắng dâng cao, đang loang nhanh vào thềm nhà, gió thổi mát hiu hiu,  lay cây lá xạc xào như cũng đang cùng tâm sự với họ ở chung quanh khu vườn, tạo thành một cảm giác êm đềm của buổi trưa hè nhiệt đới. Đôi bạn trẻ im lặng lắng nghe hơi thở của thiên nhiên, hưởng một đôi phút thanh thản, bình yên giữa bao giông tố đang vần vũ trên quê hương, và trong cuộc sống đang thoi thóp từng ngày của gia đình họ. Nhìn trước mặt chỉ thấy tương lai mịt mờ, tăm tối !
Minh thầm nghỉ, không biết giờ này Như Uyển đang làm gì, đang ở nhà hay đã đi đâu. Có cùng tâm trạng và hoàn cảnh như chàng và Thùy hay Khải. Có bao giờ nàng chợt nhớ tới người thanh niên của một lần gặp gỡ.
Không rõ Thùy tình cờ, hay cũng cảm nhận được điều mà Minh đang nghĩ trong đầu, chợt hỏi :
- Định ấp ủ mối tình si cho tới thiên cổ hở ?-- Vì có lần Minh đã tâm sự sơ sơ với Thùy về tình cảm một chiều của chàng.
Minh chép miệng :
- Nói gì nghe ớn vậy, cái gì mà thiên cổ, ngàn thu chứ, bộ cô định cho tui "ế" đến già chát sao đây.
Thùy cười :
- Chứ định chờ tới khi nào mới thổ lộ lòng anh đây, người đẹp dễ bị người ta «cuỗm» mất lắm đó, liệu hồn ông bạn tui ơi.
Câu nói chơi này của Thùy làm cho Minh hơi giật mình, và nghĩ,  cô ta nói không sai mấy đâu, tuy nhiên biết làm sao nhỉ.
- Nếu cô là tui thì cô sẽ làm cách nào để tiến tới ?
Thùy nghiêng đầu, vẽ hơi suy nghĩ :
- Cũng hơi khó, vì bạn thường «theo dõi» cô ta thì dễ tìm hiểu về cô ấy, chứ còn mình thì biết ất giáp gì đâu, xúi dại rủi hõng chuyện thì chắc tóc trên đầu cũng không giữ nổi í ạ.

Minh làm dáng, hơi trề môi :
- Vậy mà tưởng có người 20 năm kinh nghiệm về đường tình ái chỉ dạy giùm cơ chứ, nói nghe bù trất.  Im lặng một chút, rồi tiếp :
- Thú thật với bạn chứ có một điều này tui không hiểu mấy.
- Điều gì bí ẩn vậy ?
- Là khi nói chuyện với Thùy hay với bất cứ cô gái nào, mình rất tự nhiên, bình thường.
 Thùy tiếp lời, nghiêng đầu hóm hĩnh :
- Còn với cô ấy thì «bất bình thường» phải không ? «run rẫy»…
Minh hơi ấp úng :
- Vậy còn đỡ
- Vậy còn cái gì tệ hơn nữa sao ?
Minh hơi cúi đầu, thú thật :
- Đâu đã lại gần được mà nói năng gì, chỉ nghĩ tới thôi cũng cảm thấy…hồi hộp. Nhìn từ đằng xa cũng đã thấy bối rối rồi, bồ ơi !
Thùy quay nhìn Minh, hơi nheo nheo mắt dò xét.  Có lẽ để xem anh ta nói có thật trăm phần trăm không. Sau vài giây. Bỗng cô chắt lưỡi :
- Thôi chết bạn rồi
Minh hết hồn, hỏi :
- Chết gì mới được chứ ?
-Thì «chết vì tình», vậy là bạn bị "cú đờ phóc" rồi đấy ông bạn trẻ của tôi ơi.
Thở phào, Minh diễu lại :
- Cái "cú đờ phóc" này của cô có nghĩa là tôi bị chết vì «sét đánh» phải không. Vậy thì tôi phải cẩn thận, che dù khi đi dưới mưa nhỉ.
Cả hai cùng ôm bụng mà cười.
.........
- Mấy giờ rồi, Thùy hỏi. -- cô ngồi thẳng lưng, hơi vươn vai.
Minh quay nhìn chiếc đồng hồ treo trong nhà :
- Gần một giờ trưa. Bộ tới giờ hẹn với « kép» sao ta ?
Thùy hơi mĩm cười, làm ra vẽ bí mật.  Đứng dậy, đưa tay vuốt lại chiếc áo dài xanh lam. Cô vẫn thích mặc áo dài, dù sau 75 thì ít ai còn trang phục như vậy. Các thiếu nữ chỉ mặc áo ngắn, quần tây, và đặc biệt màu sậm, tối,  để dễ sinh hoạt, cũng để tránh sự dòm ngó của bọn «ba mươi», bọn công an, mật thám việt cộng rình rập khắp nơi. 
Bước xuống bậc thềm, Thùy hơi nghiêng đầu nói :
- Thùy phải về, hôm nay hàn huyên, tán ngẫu với Minh vui lắm, hẹn khi khác nhé. Hảy ráng lên, nếu có duyên thì sẽ có phận !
Minh bước theo ra mở cửa rào. Giả bộ thở dài, than :
- Thì vậy chứ biết sao, gặp «cố vấn» tình yêu như cô thì chắc đời tôi :
- Tình chỉ đẹp khi còn dang dở !
Thùy liếc mắt nhìn, hóm hĩnh, tiếp :
- Đời mất vui khi đã vẹn câu thề !
Cả hai cùng cười. Tiếng cười hồn nhiên của đôi bạn trẻ cùng hoà trong nắng, gió, vang vọng giữa thinh không. Đẹp như lứa tuổi đôi mươi của họ, đúng ra đang được sống trong niềm tin và mộng ước đong đầy…

 (còn tiếp)
_________________________________________________________________________________

SAU BỨC TƯỜNG RÊU  
(3)
Đang lững thững dắt xe đạp ra khỏi bãi đậu xe, nghe có tiếng Khải gọi ơi ới :
- Minh, đợi tớ với
Quay lại thì thấy Khải đạp xe đến gần rồi. Đôi bạn đi song song bên nhau. Họ cùng đang dỡ dang bậc đại học.. Bị bắt đi lao động cưỡng bức nhiều năm vì là con của sỹ quan VNCH. Khi họ bị bệnh nặng, không còn khả năng tạp dịch nữa thì  được nhập hộ khẩu và trả về với gia đình.  Riêng Minh sau hơn một năm bị đầy lên làm trên rừng Lâm Đồng, bị sốt rét nặng, thiếu ăn, thiếu thuốc men, gần kiệt quệ, mới được trả về nhà. Nhờ tình thương của gia đình, của mẹ, cố gắng vay tiền chạy chữa thuốc men cũng gần cả năm trời mới cứu lại cái mạng nhỏ của Minh. Bên giường bệnh, những lúc mê man, nhưng Minh còn nhớ văng vẳng tiếng khóc thút thít của mẹ, và giọng buồn bã, nức nỡ : « Ba con đang ở ngoài Bắc xa xôi, chưa biết sống chết ra sao, anh con thì bặt vô âm tính đâu rồi, tội quá…bây giờ tới phiên con…(sụt sùi), nếu con mà có bề gì thì mẹ làm sao sống nổi »…

Hai người bạn quen nhau vì tình cờ cùng thi đậu vào ngành máy chiếu đang thiếu người lúc đó. Công việc của họ có được nhờ ở tuổi trẻ và vì ít ai kham nỗi. Phải làm ca đêm, nhiều khi đến khuya khoắc mới được về và luôn luôn ở trong phòng máy tối tăm, thiếu dưỡng khí, thiếu ánh sáng, bởi vậy mặt họ luôn xanh xao, và người nào cũng chỉ vừa đủ da bọc xương, dù đang ở cái lứa tuổi tràn đầy sinh lực !
Minh và Khải thân nhau  vì cha của họ đều là sỹ quan của miền Nam, và đang bị giam cầm  tại «trại tẩy não» Hoàng Liên sơn, bắc Việt. Riêng anh của Minh thì thật tội, lúc đội ngũ tan rã, anh lội bộ từ Huế, băng đèo, lội suối, đi suốt ngày đêm, về được nhà ở Sài Gòn, vừa ở chưa được mấy ngày. Khi ra đầu hẻm chơi đánh bi da với bạn đã bị bọn «ba mươi», ganh ghét kiếm chuyện bắt nhốt, sau đó vào một đêm nọ bọn chúng dẫn bọn công an cs  ập vào, đánh đập, còng tay dẫn đi, từ đó không còn tin tức gì của anh nữa, lúc đó anh vừa tròn 21 tuổi. Mẹ đã lặn lội bán đồ đạt làm lộ phí để đi tìm anh khắp nơi vẫn không tìm được tung tích. Nghe nói anh bị giam chỗ nào đó. Bà nhờ người dẫn đường tìm đến thì bọn chúng, lũ bộ đội ác ôn nơi đó, nói là đã chuyển sang chỗ khác rồi. Nếu hỏi tiếp thì chúng nó nạt nộ, rồi với giọng lạnh lẽo, vô cảm khạc ra hai chữ : « không biết » ! 



Đã bao nhiêu năm. Một con người bằng xương, bằng thịt, đã mất dấu như cây cỏ bên đường mà không biết kêu cầu cùng ai ! Ngay trên chính quê hương mình, nay nằm trong tay của một «đảng cướp» có giấy tờ ! Được thế giới chúc mừng, và công nhận là một chính phủ hợp pháp, và đang dần dần thi nhau xin vào đầu tư kinh tế, tái lập bang giao.



Một đất nước mà mọi người công dân của miền Nam Việt Nam đều bị xem là thù địch, đều bị ngược đãi, ngay cả một đứa trẻ vô tội. Nhờ sự lãnh đạo cực kỳ nham hiểm, độc ác của bác và lũ con cháu cuồng tín theo đảng bác.. Được bác quỷ quyệt khai thác thần kỳ vào sự nghèo đói, và hận thù giai cấp, biến hóa thành lòng yêu nước chống xâm lăng ! Với khẩu quyết : «Sinh Bắc, tử Nam». Quyết tâm chiếm cho bằng được miền Nam trù phú, hiền hòa với dã tâm mà bác hằng  ôm ấp đã bao nhiêu năm với câu : «miền Nam trong trái tim tôi!». Đáng tiếc thay, khi ước mơ đã thành hiện thực thì bác đã quy tiên theo bác Mac, Lenin, Mao, Staline…Và nay thì lũ cháu con của đảng bác, đang  tiếp nối con đường hại dân, hại nước mà bác đã vạch ra, để bóp chết TỰ DO, NHÂN QUYỀN, và NHÂN PHẨM người Việt Nam, qua lớp hào quang cũ kĩ bằng cái bóng của bác, dù đã lỗi thời, nhưng còn tác dụng để bảo vệ cho danh vọng, và quyền lực của chúng. Trên sự tàn tạ của xã hội, trên nỗi khốn khổ, đói nghèo của đại đa số người dân của cả hai miền Nam, Bắc hôm nay.



Đôi bạn đạp xe qua những con đường quen thuộc từ đường Trần Hưng Đạo, qua Cao Thắng, về Lê Văn Duyệt, và họ sắp chia tay ở đây, thì chợt Khải lên tiếng :
- Mình nghe nói là việt-cộng đang phát động chiến dịch bài trừ văn hoá trước 1975, nên hôm nay ngoài lề đường Tự Do, Lê Lợi...Tất cả sách đều bị đổ đống ra vệ đường, để bán "mại dô" trước khi bị đem thiêu hủy ! Tớ định ra kiếm vài quyển về đọc.
Minh nhíu mày, vẻ ngao ngán :
- Đúng là "Tần thủy Hoàng" thời đại mới ! Có lẽ chỉ có những chế độ cộng sản là đủ "xuẩn động" để làm những chuyện này. Lúc nào cũng nhân danh "Bác" và "Đảng", để trù dập người dân, hủy hoại nền văn hoá của cả một dân tộc, để thay thế bằng cái thứ văn hoá "nhồi sọ, mất gốc", đi ngược với sự tiến hoá cuả loài người, biến con người thành những «người máy» để chỉ biết tuân lịnh và phục vụ cho bọn chúng !  


  Vừa đạp xe Khải vừa chắt lưỡi tán đồng :

- Bồ nói rất đúng, bọn chúng đã lưà bịp được người dân miền Bắc, bưng bít để lợi dụng lòng yêu nước của họ và khích động sự thù hận với chiêu bài "chống Mỹ cứu nước", để họ lao thân, liều chết cho mục đích chiếm đoạt miền Nam của họ Hồ và đảng cs. Bây giờ  đã đạt được mục đích rồi, vào đây tha hồ mà chém giết, cướp bóc. Coi mạng của người dân miền Nam còn thua con kiến nữa ! Cùng nòi giống, cùng màu da, ngôn ngữ  mà sao độc ác, nham hiểm, tàn bạo quá sức tưởng tượng.

Cả hai cùng im lặng, nhưng chắc chắn là đều mang chung nổi đau cho dân tộc, cho quê hương Việt-Nam hôm nay ! Mà chính tuổi trẻ của họ cũng đang bị hy sinh, đang gánh chịu những lằn roi hận thù, không thương xót trên lưng. Chủ trương, đường lối của đảng việc cộng là chỉ dùng trẻ em miền Nam dưới 13 tuổi, dĩ nhiên là sau khi đã huấn luyện lại, còn trên 13 tuổi họ gọi là "đồ bỏ đi" !  Điều này Minh được nghe từ chính miệng một tên tự xưng là « cán bộ cục R » đã nói như vậy.

Sinh viên, học sinh miền Nam, nhất là con cái của sỹ quan VNCH, hoặc làm trong guồng máy chính quyền, hoặc những thương gia dù lớn, nhỏ là tuyệt đối không được học hành gì nữa mà bị bắt bỏ học, để đi "lao động cưỡng bức", nghiã là như những đàn cừu non bị họ lùa đi làm những công việc nặng nhọc, khổ sai, ép buộc, một hình thức hành hạ, vì chả lẽ lại bắt nhốt hết vào trại tập trung như cha, anh của họ, mà cũng không đủ chỗ. Đày đọa như vậy vừa kiểm soát được «văn hóa». Biến những thế hệ con em miền Nam thành «ngu dân», để dễ trị, vừa tăng gia sản xuất (không hiểu sản xuất gì ) với những cái chiến dịch đào cống rảnh, thủy lợi gì gì đó, do những cái «đỉnh cao trí tuệ» kia bày trò ra. Thật sự là vì sự «thù hằn ngu dốt», muốn hành hạ người miền Nam mà thôi. Sự hận thù và lòng tham lam đã biến con người thành tàn ác với đồng loại. Đã đưa quê hương xứ sở vào chốn lầm than, suy thoái. Thay vì nếu lấy trí nhân mà thay cường bạo, đối xử với người thua cuộc mà cũng là đồng bào của mình trong tinh thần hòa giải, rộng mở và thành thật, thì đã tránh được bao tàn phá, đỗ vỡ. Vì chiếm được đất không có nghĩa là thắng cuộc, nếu không thu phục được lòng dân. Chính điều này là một thất bại thê thảm và mãi mãi của công sản vn. Và cũng là thất bại của « chủ thuyết cộng sản» thế giới ! Là cái hậu quả đã, đang và sẽ đưa Việt Nam trở thành suy yếu, suy vong và mất nước một ngày nào đó không xa ! Là cái họa làm cho xã hội tan rã dần từng mảnh…

Sau khi gởi xe xong, họ đi dọc theo phố xá Sài-Gòn. Nhìn trên những vệ đường, từng đống sách đủ loại, chất thành từng núi...Mà cảm thấy đau lòng. Vốn là "con mọt sách", Minh xà xuống, ngồi lựa những loại sách mà mình ưa thích, nếu trước đây trị giá cuả một quyển là 20 đồng thì bây giờ chỉ còn có 2 đồng thôi. Mãi lặn lội với mấy núi sách khắp các lề đường, đến khi không còn tay để ôm nữa, cả hai mới chịu quay về. Nhà Minh ở đường Lê-văn Duyệt, còn Khải thì ở đường Trần-hưng-Đạo, trong chợ lớn, nên họ chia tay nhau. Dù không nói ra nhưng trong lòng họ đều chua xót và chuẩn bị đón chờ một tương lai càng ngày càng u-ám hơn đang hứa hẹn trước mắt...!!!

Bửa nay tương đối về sớm, nhưng vì phải rinh một chồng sách, nên dù chàng vẫn nhớ đến Như-Uyển, mà không tiện đi qua nhà nàng.
Lúc vào nhà, Minh thấy mẹ đang chuẩn bị cơm chiều. Nhìn mái tóc mẹ đã gần bạc trắng, dáng dấp tiều tụy, vì phải buôn bán tảo tần để nuôi bầy con, rồi hàng tháng phải lo đi gởi quà nuôi Ba trong trại tập trung ngoài Bắc. Minh thấy thương mẹ quá. Kể từ khi Ba Minh bị bọn chúng bắt đi, còn một mình bà phải gồng gánh tất cả, Minh chỉ mới được thả về, và đi làm từ hơn một năm nay thôi để phụ giúp mẹ được chút đỉnh. Mà có bao giờ được yên thân đâu, năm ngày, ba bửa là mấy tên công an khu vực tới kiếm chuyện, đòi đuổi đi "kinh tế mới"?! Mỗi lần như vậy là Minh thấy mẹ thật oai hùng, vừa cứng vừa mềm, nói lý với bọn nó, một mặt quyết tâm giữ vững lập trường không đi đâu hết !!
Thấy con mình tay bưng khệ nệ một chồng sách, bà hỏi :
- Hôm trước họ vào xét nhà, mấy anh em đã phải đi chôn sau vườn mấy thùng sách vở, bây giờ con không sợ sao mà còn mua về nữa ?
-  Dạ tại thấy sách bị vất ra lề đường chất núi, coi tội qúa, giá rẻ mạt, mua về đọc xong, chừng nào bị kiểm kê thì lại đi chôn tiếp. - Vừa nói anh vừa đi vào phòng.
-  À, hồi chiều có hai người bạn tới kiếm con đó
- Ai vậy má
-  Má đâu có biết, nhưng có một cô thì hơi quen mặt, hình như cô Châu thì phải, còn một cô nữa ngồi đằng sau xe, không rỏ là ai.
Đang ở trong phòng, xếp sách lên kệ, nghe tới đây Minh tự nhiên hồi hộp hẳn, anh chạy ra hỏi mẹ cho kỷ hơn :
-  Thiệt là Châu hả má, còn cô ngồi sau má ráng nhớ giùm con coi đã gặp bao giờ chưa?
Mẹ Minh có vẻ suy nghỉ, nhưng bà lắc đầu :
-  Quả thật má chưa thấy tới đây bao giờ.
Với câu nói của mẹ anh, suốt từ khi ăn cơm xong cho đến lúc vào giường ngủ, trong đầu Minh cứ lẩn quẩn câu hỏi : Có khi nào cô gái kia là nàng ? Chuyện hy hữu, nhưng có thể lắm, vì Châu chơi thân với Uyển. Nghĩ như vậy rồi, Minh cảm thấy lòng mình tự dưng xôn xao, bồi hồi và một niềm vui kỳ lạ len lỏi vào tim.

(còn tiếp)
__________________________________________________________________________________


SAU BỨC TƯỜNG RÊU
(4) 
Từ cái hôm nghe tin Châu đến kiếm và có chở theo một cô bạn, thì lòng Minh vẫn thắc mắc, lẫn thầm ao ước người con gái kia là Uyển, người tình trong mộng của anh. Nhưng lúc này sắp đến ngày 30 tháng tư, cái ngày tang thương của dân miền Nam nói riêng, và của cả dân tộc nói chung, nhưng lại là ngày ăn mừng chiến thắng của những kẻ đang nắm quyền nên họ cũng rất rạo rực hội họp liên miên và nhất là có cái màn kiểm thảo, tức là họp và người này chỉ trích người kia để lấy điểm. Minh luôn luôn bị họ nói là sống cách biệt, không hòa đồng, thái độ thụ động…Anh chỉ cuối đầu im lặng vì khi mình mang thân phận mà họ cho là « con ngụy » tức là con của kẻ thù của chế độ cộng đảng này thì nếu muốn còn có công việc giúp gia đình sống qua ngày thì chỉ có nước cuối đầu im lặng, nếu không sẽ bị họ kết tội phản động và sa thải, hoặc tệ hơn còn có thể bị cho đi cải tạo tư tưởng ! Cái thứ luận điệu « giáo điều xuẩn động » nghe mãi bức nhàm tai, vì chẳng dựa trên một lẽ phải nào cả, chỉ toàn « ăn xuôi, nói ngược », đảo lộn trắng, đen, bịp bợm, gian trá, chúng quen cái lối nói rập khuôn này rồi thì thấy bình thường, nhưng nếu người có lương tâm, và lòng tự trọng, thì thấy kinh sợ lắm. Cái thứ lý luận được nhồi sọ thoát ra từ những con robot mà chất trắng và xám chỉ còn là màu đen thui thủi, và nói như 
«con vẹt», không hiểu mình nói gì !!