Showing posts with label BỆNH TIỂU ĐƯỜNG (Diabetes mellitus). Show all posts
Showing posts with label BỆNH TIỂU ĐƯỜNG (Diabetes mellitus). Show all posts

Sunday, March 23, 2014

BỆNH TIỂU ĐƯỜNG (Diabetes mellitus)

Tiểu đường là tiếng Việt ta vẫn thường dùng để chỉ bệnh cao chất đường trong máu. (Xin bạn nhớ luôn tên tiếng Anh, diabetes mellitus; trong nhà thương, họ không dùng tiếng Việt.) Đường lên cao hơn mức bình thường trong máu, nên được thận thải ra theo nước tiểu. Vì vậy trong nước tiểu có chất đường (bình thường nước tiểu không có đường).
Đây là một bệnh quan trọng nhiều người bị, đang có khuynh hướng tăng trên toàn thế giới, nên được y học rất chú ý và không ngừng nghiên cứu. Trung bình, trong 100 người chúng ta, có 1 vị bị tiểu đường. Về lâu về dài, bệnh gây những biến chứng quan trọng ở mắt, thận, thần kinh và mạch máu. Tiểu đường cũng đưa dẫn đến bệnh hẹp tắc các động mạch vành tim (coronary artery disease). Nhiều trường hợp bệnh không gây triệu chứng, nên chúng ta không biết, tình cờ thử máu mới tìm ra bệnh.
Trong loạt bài về bệnh tiểu đường, chúng tôi xin trình bày những kiến thức mới về căn bệnh. 
Đường (carbohydrates) là một trong những chất biến dưỡng căn bản của cơ thể, có trong cơm gạo, bánh mì, các thức ăn ngọt, ... Các chất biến dưỡng căn bản khác là chất đạm (protein), chất mỡ (lipids), sinh tố (vitamins), muối khoáng (minerals).
Gần như mọi tế bào của cơ thể ta đều cần có chất đường để hoạt động. Nhưng muốn sử dụng được chất đường vào những hoạt động cần thiết của mình, các tế bào cần đến một chất gọi là insulin. Insulin giúp đưa chất đường từ máu vào trong các tế bào, và điều hòa lượng đường trong máu để đường trong máu không bao giờ lên quá cao. Insulin tiết bởi tụy tạng (pancreas), một cơ quan nằm ở bụng trên, phía sau bao tử.
Tụy tạng giữ 2 nhiệm vụ: tiết các diếu tố (enzymes) giúp vào sự tiêu hóa, và tiết các chất như insulin, glucagon cần cho sự biến dưỡng của các tế bào. Insulin được tiết bởi các tế bào có tên beta (beta cells) trong tụy tạng. Khi các tế bào beta của tụy tạng không tiết đủ chất insulin cơ thể cần, đường trong máu lên cao, vì không vào được trong các tế bào. Hoặc dù chất insulin có đủ, song vì một lý do nào đó, tế bào không sử dụng được chất insulin để đưa đường vào được bên trong tế bào, đường cũng tăng cao trong máu.
Do thế, tiểu đường được chia thành hai loại: loại 1 (loại thiếu chất insulin trong cơ thể) và loại 2 (loại có insulin trong cơ thể, nhưng tế bào không dùng được insulin). Hai loại tiểu đường này có nhiều điểm khác biệt với nhau. 90% số người bị tiểu đường mang bệnh tiểu đường loại 2.