Monday, June 17, 2013

TNKH

HAI NGÃ ĐỜI

Người đàn ông Pháp độ khoảng gần ba mươi đang lắng nghe Laura -Diễm. Một phụ nữ Pháp gốc Việt, người đàn bà mà anh ta đem lòng thương mến và theo đuổi hơn hai năm nay. Hôm nay Diễm đã hẹn anh ra gặp mặt.
Trong một quán cà phê nhỏ, nằm yên tĩnh nơi góc đường gần Tour Eiffel. Diễm ngồi đối diện Kelvin. Với vẻ suy tư, mơ màng, nhìn người bạn trai trước mặt, chầm chậm nói, cũng như đang nói với chính mình :
‒ Chúng ta không thể tiếp tục như thế này nữa Kelvin ạ…Hơi ngập ngừng, nàng tiếp :
‒ Cho dù đây là một xã hội tây phương, nhưng quan niệm và thành kiến của Á đông cũng sẽ khó chấp nhận, và khi chúng ta không được mọi người chúc mừng thì có lẽ không tốt cho cả hai. 

Kelvin, tên người Pháp, hơi cau mày, vẻ khó hiểu :
‒ Ai nói vậy. Ai cấm một người đàn bà có gia đình không thể có một người bạn trai khác ? Huống chi cuộc hôn nhân đã tan vỡ ? Người châu Âu không quan trọng về hình thức và bề ngoài như thành kiến phương Đông ; Ngưng một chút chàng ta tiếp, giọng khẩn khoản, vừa đưa tay để lên ngực mình chỗ trái tim :
– Tình cảm là nằm ở đây nè, chứ không nằm trên tờ hôn thú hay ở ý nghĩ của người khác.
Thấy vẻ xúc động và hơi bị khích động của anh ta, Diễm khẽ lắc đầu, thở dài, mắt nhìn xa xăm không dấu được vẽ buồn bã, hoang mang. Có lẽ chỉ có riêng nàng hiểu, sự hoang mang đây không hẳn là vì sợ trở ngại và thành kiến từ bên ngoài mà thật ra là sự không khẳn định được trong chính lòng mình…

*****

Kelvin và Diễm đã quen nhau trong một buổi triễn lãm tranh và nghệ thuật nhiếp ảnh cách đây hơn hai năm trước. Tuy còn trẻ nhưng Kelvin đã có một kỹ thuật về nhiếp ảnh khá cao và những nét đặc thù nghệ thuật rất lãng mạn mà anh ta chọn cho những tác phẩm của mình, đã tạo một sự chú ý đặc biệt cho người thưởng lãm, trong đó có Laura Diễm. Một nữ kiến trúc sư ở lứa tuổi trung niên và đã có gia đình.

Diễm còn nhớ lúc ấy cuộc hôn nhân gần hai mươi năm của nàng vừa tan vỡ với Trình Uy, đang chờ thủ tục ly dị. Trong một tâm trạng vừa bị tổn thương, vừa bị xáo trộn tình cảm cùng cực, nàng đã được một người bạn mời đi xem triễn lãm trong một hội chợ tổ chức tại Paris.
Khi  dừng lại trước một gian hàng triển lảm những bức ảnh chụp về thiên nhiên và chân dung, chợt như có một cái gì đó thu hút ánh nhìn của nàng. Có lẽ cũng có vài người giống Diễm đang đứng chiêm ngưỡng những tác phẩm trưng bày của hắn.
Một người phụ nữ tóc bạch kim như người bắc Âu đang cùng người bạn trầm trồ chỉ vào một bức hình chụp người phụ nữ Á châu đang bồng trên tay một bé gái, nét mặt đơn thuần, mộc mạc thoáng chút ưu tư và đứa trẻ trên tay độ ba, bốn tuổi với khuôn mặt trái soan, đôi mắt ngây thơ thật to, đen như hai hạt nhản, lấp lánh dưới một góc độ ánh sáng, trông thật sống động, truyền thần. Sau khi họ trao đổi ý kiến và được hắn trình bày về tác phẩm, người đàn bà tóc bạch kim đã mua bức ảnh đó, và có vẽ rất hài lòng về sự chọn lựa của mình.

Diễm nhìn theo bà ta mang bức tranh đi xa dần với một chút cảm giác bồi hồi, luyến tiếc, phải chăng cô cũng đã bị bức ảnh kia thu hút.
‒ Có lẽ cô cũng thích bức ảnh ấy của tôi ?
Giọng trầm ấm của một người đàn ông Pháp vang lên bên tai ; Diễm hơi giật mình quay lại, nhận ra chính là người chủ quày tranh đang đứng bên cạnh hỏi mình. Vẻ mặt hắn rất nghiêm trang, hơi dài và gầy với đôi mắt xanh nước biển to và thật sâu đang chăm chú nhìn cô như đang chờ phản ứng.
Đúng là hơi bất ngờ nhưng Diễm cũng lịch sự mĩm cười chào hắn và sau một chút suy nghĩ, cô không trả lời mà hỏi lại :
‒ Có lẽ anh thích sưu tầm hình ảnh về Á Đông ?
Sau câu hỏi này, mắt hắn lộ vẻ thích thú, trả lời :
‒ Vâng, sao cô biết ?
‒ Bức ảnh người phụ nữ bồng con đã cho tôi cảm giác đó...
‒ Sự nhận xét không tệ ; Hắn hơi nheo nheo mắt, tiếp ‒ chắc cô cũng là người chơi nhiếp ảnh ?
‒ Ồ không, tôi thích chứ không thông thạo lắm. Cho phép tôi đoán thêm một chút nhé
Hắn vui vẻ đồng ý. Diễm hỏi tiếp :
‒ Vậy chứ có phải bức ảnh được chụp tại Việt Nam ?
Lần này thì hắn lộ vẻ ngạc nhiên, hơi trố mắt nhìn Diễm :
‒ Lẽ nào cô cũng là người Việt và quen thuộc khung cảnh ấy ?
Diễm bật cười :
‒ Không sai, nhưng cảnh chụp là miền nào thì tôi không chắc vì tôi ở trong miền Nam. Từ khi ra đi đến nay cũng khá lâu rồi nên bên ấy có nhiều đổi thay tôi không biết.
Người nhiếp ảnh Pháp rất vui khi biết Diễm cũng là người Việt. Anh ta thuật lại câu chuyện về bức ảnh một cách hứng thú :
‒ Không sai, tôi đã chụp được bức ảnh này nhờ quen một người bạn VN, và theo anh ta về quê của anh ấy ở Nha Trang (khi phát âm hai tiếng này giọng anh lơ lớ). Làm Diễm phải bật cười và lập lại. Cả hai chuyện trò thật tự nhiên, cởi mở...

Sau lần gặp gỡ và quanh câu chuyện về bức ảnh "Người Mẹ" tại hội chợ triển lãm năm ấy, họ đã quen nhau thật tình cờ. Thời gian chầm chậm trôi qua và tình bạn của họ cũng lớn dần theo ngày tháng. Kelvin đã giúp Diễm vơi bớt sự suy sụp tinh thần sau vết thương lòng với Uy, chồng cũ của nàng. Anh ta có tâm hồn nhạy cảm, khá sâu sắc và lãng mạn của người nghệ sỹ, đồng thời cũng có tính rất lạc quan, nhờ vậy cả hai đã dễ cảm thông và hòa hợp với nhau.
Những khi Diễm u sầu, chìm đắm trong sự mất mát, đau khổ với vết thương của lòng mình thì Kelvin đã dùng sự vui vẻ, khách quan để kéo nàng ra khỏi cái màn sương mù u ám đang bủa vây. Phương cách của Kelvin là rủ nàng đi du ngoạn. Anh ta không để cho tâm trí Diễm có những khoảng trống để hồi tưởng lung tung rồi bị chìm trong chính cái hố thẳm nội tâm đó. Sự hiện diện và giúp đỡ tinh thần của Kelvin khoảng thời gian qua thật sự đã giúp Diễm vượt qua được một chặng đường khó khăn và tăm tối của tâm hồn, trong biến cố tồi tệ về tình cảm của cuộc đời nàng.
Cho đến một hôm, cách đây mấy ngày. Kelvin đã thổ lộ tình cảm cùng Diễm…
(Còn tiếp) 
*****

 (2) 
Diễm biết Tình cảm mà Kelvin dành cho nàng không đơn thuần là tình bạn. Nhất là sau khi biết Diễm có cuộc hôn nhân đã gẫy đỗ và làm nàng đau khổ khôn nguôi thì Kelvin càng muốn chinh phục và tha thiết hơn.

Riêng Diễm thì sau sự tan vỡ cùng Uy, vết thương và sự tổn thương vẫn còn quá mới mẻ để có thể chấp nhận một tình cảm nào khác đi vào cuộc đời mình. Ngoài ra còn con của nàng.Tuy là năm nay Trực đã lớn khôn và mới vào đại học, cũng bắt đầu có cuộc sống riêng cùng bạn bè, nhưng có lẽ cái thành kiến của một người mẹ Á đông như nàng vẫn còn in đậm trong quan niệm sống. Huống chi chồng cũ của nàng sau khi ly dị. Cho tới nay anh ta vẫn không thể quên nàng. Anh ta vẫn sống một mình. Tỏ ra rất hối lỗi và luôn tìm cách để tái chinh phục và mong được tha thứ.

Uy vẫn luôn email và gọi điện thoạn thường xuyên dù Diễm không đọc, không tiếp. Thậm chí anh ta đến đón nàng mỗi cuối tuần nơi làm việc, cho dù Diễm làm lơ. Con của nàng thì đương nhiên là nó muốn hằn gắn cho cha, mẹ. Nhưng nó sinh ra và lớn lên tại tây phương này nên quan niệm sống cũng rất tự do, cởi mở. Đối với nó tình cảm là sự hòa hợp và tự nguyện của cả hai phía. Không thể gượng ép vì bất cứ lý do gì bên ngoài.

Nó hoàn toàn đồng ý về sự dứt khoát của mẹ. Tuy nhiên nó cũng bị cảm động và lung lạc trước vẽ cắn rứt, hổ thẹn và nắm nuối của người cha trước một lầm lỗi mà ông ta biết là khó được tha thứ. Sợi dây máu mủ quả là thiêng liêng nhưng cũng là mối dây oan nghiệt, vì bởi nó mà cho đến nay, trong lòng Diễm vẫn cứ bị một sự dằn co âm thầm mỗi khi nghĩ đến con. Nhìn thấy nó lưu luyến Uy những lần đến thăm và ra về…

Diễm hiểu sự tan vỡ của nàng và Uy cũng đã ảnh hưởng khá nhiều về mặt tâm lý của Trực, con nàng. Tuy nhiên nhờ tuổi trẻ, tương lai và bạn bè nên đến nay thì tâm tình của Trực đã ổn định. Nhưng sâu xa trong lòng Trực vẫn mong là cha mẹ mình có thể hàn gắn một ngày nào đó.

Mang một tâm trạng rối bời, ngao ngán, Diễm đã tránh gặp mặt Kelvin cũng như lẫn tránh Uy. Diễm hiểu Kelvin là người bạn tốt, đã cảm thông và an ủi nàng thật nhiều suốt thời gian qua, trong lúc nàng ngập tràn đau khổ, bất an. Nàng luôn mong rằng cả hai có thể giữ được một tình bạn chân thành, có thể chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống nhưng không ai đi sâu vào cuộc đời ai cả. Mỗi người vẫn có một cuộc đời độc lập, tự do riêng.
Cho đến khi Kelvin thổ lộ tình yêu với nàng và có ý muốn tiến xa hơn. Điều này thật bất ngờ với Diễm, vì so tuổi tác thì nàng lớn hơn anh ta gần mười lăm tuổi. Mặc khác, nàng không có ý định đón nhận ai nữa bước vào cuộc đời mình. Nếu không nói là nàng đã không còn niềm tin trong vấn đề tình cảm lứa đôi. Sau vết thương lòng vì sự đổ vỡ với Uy. Một mối tình thơ mộng và cũng trãi qua bao thăng trầm, ngọt bùi, cay đắng. Để tiến đến hôn nhân họ đã phải vượt nhiều trở ngại và thử thách, bởi vì Uy, chồng nàng, lúc ấy chỉ là một sinh viên nghèo, chưa tốt nghiệp.

Vì biến cố năm 1975. Chàng sinh viên đang du học đã không thể trở về nước và cũng bị gián đoạn liên lạc với gia đình bên Việt Nam. Thiếu nguồn tài trợ về tài chánh của cha mẹ, lúc ấy Uy phải vừa đi học vừa kiếm việc làm thêm để thi năm cuối cùng, nên rất vất vả. Uy hơn Diễm bảy tuổi. Khi gặp nhau là lúc Uy sắp ra trường và Diễm cũng vừa mới vào đại học. Định mệnh đã khiến xui cho họ cùng theo ngành kỷ sư kiến trúc.
Mối tình lãng mạn giữa người trai trẻ và cô sinh viên đồng hương đã chớm nở từ đó. Vào một thời điểm thay đổi quan trọng của quê hương. Giữa tâm tình của tuổi trẻ đầy hoang mang. Giữa hoàn cảnh tha phương, lưu lạc.
Cha của Diễm lúc ấy đang là nhân viên của bộ ngoại giao Việt Nam tại Pháp và cũng vì biến cố oan nghiệt ấy nên cả gia đình đã xin định cư, tỵ nạn tại Pháp luôn.

Theo ngày tháng Uy và Diễm càng ngày càng thêm khắng khít. Vì cùng ngành nên Uy có dịp dạy kèm thêm cho Diễm. Đây cũng là cái cớ để Diễm âm thầm phụ thêm về tài chánh cho người yêu và cũng là lý do cho hai người gặp gỡ nhau thường xuyên hơn.
Cha mẹ của Diễm tuy không phải có tinh thần bảo thủ nhưng vì chỉ có cô con gái duy nhất nên họ không dễ dàng chấp nhận Uy. Một kỷ sư mới ra trường, đang thực tập, tương lai không có gì bảo đảm cả. Điều kiện của ông bà là Diễm phải học xong bậc đại học rồi sau đó mới tính.

Cuộc tình của họ đã kéo dài suốt bảy năm với biết bao là kỷ niệm... Cuối cùng thì họ cũng đã chờ đợi được nhau, và cha mẹ Diễm đã chấp nhận cho họ nên duyên vợ chồng. Lúc ấy Uy đã đi làm khá vững vàng và đã cùng với người bạn mở một văn phòng thiết kế, kiến trúc riêng.
Khi ra trường Diễm đã phụ giúp cho chồng làm việc tại văn phòng này. Thời gian trôi qua bình lặng và tình cảm vợ chồng của họ vẫn mặn nồng, không có gì thay đổi.
Uy luôn chứng tỏ là một người đàn ông biết thương vợ, có trách nhiệm và hiểu biết. Khi có gì bất đồng ý kiến họ luôn tranh luận ôn hòa với nhau và tìm một giải pháp chung cho mọi vấn đề. Chưa bao giờ Uy to tiếng hay có hành động gì không phải với vợ. Nhìn tổng quát thì anh ta quả thật là một người đàn ông lý tưởng. Học thức, thông minh, nhã nhặn.
Cái ưu điểm của Uy đã thu hút Diễm chính là quan niệm sống cùng bản tính khiêm tốn của anh. Cho dù có khá nhiều ưu điểm và đạt được thành công về mặt công danh, sự nghiệp trong xã hội, nhưng Uy chưa bao giờ tỏ vẻ ta đây hay kiêu ngạo với bất cứ ai. Anh luôn lịch sự và tôn trọng mọi người. Với anh thì mảnh bằng cấp hay điều kiện may mắn trong xã hội không phải là tiêu chuẩn để đánh giá trị nhân cách của một người.
Ngoài ra có lẽ vì tiêm nhiễm tinh thần độc lập của người tây phương, tự lo cho bản thân quen rồi nên anh luôn phụ giúp vợ mọi việc một cách tự nhiên, không nề hà hay phân chia việc của đàn ông hay đàn bà.

Sau khi lập gia đình hai năm thì họ có đứa con trai đầu lòng. Hạnh phúc chan hòa trong cãn nhà nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố Paris. Từ khi có con vì phải bận lo chăm sóc cho đứa trẻ nên Diễm ở nhà chứ không đến văn phòng làm việc giúp chồng nữa. Vì công ty đang phát triển nên Uy và bạn cần mướn thêm người phụ giúp. Sau khi đăng báo kiếm người được hai tháng thì một cô sinh viên Pháp trẻ mới tốt nghiệp đã đến xin việc và đã trở thành người phụ giúp trong văn phòng, kể như tạm thế chỗ của Diễm trước đây. Cô phụ tá mới này tên là Darina. Cha Pháp, mẹ Algérie, tính tình cẩn thận, ít nói. Thỉnh thoảng Diễm ghé qua văn phòng để chỉ vẻ thêm cho cô ta và cũng để giúp giải quyết một số việc giúp cho Uy.
Darian không phụ lòng tin của Diễm. Cô ta làm việc chăm chỉ, trách nhiệm. Cư xử chừng mực với những người cộng sự. Khi có vấn đề gì quan trọng mà không có mặt của Uy hay người bạn phụ tá anh, để quyết định, thì cô ta điện thoại xin ý kiến của Diễm. Đối với Darian thì Diễm cũng là chủ của cô. Diễm an tâm ở nhà để chăm sóc cho bé Trực con trai nàng. Và ngoài công việc thì Diễm cũng đã xem Darian như một người bạn nhỏ.

Khi Trực được hai tuổi. Vào một ngày cuối tuần, đang mùa xuân, khí trời ấm áp trong lành. Diễm vẫn theo thói quen thức dậy sớm, tập thể dục khoảng nữa tiếng trong khi chồng, con còn ngủ. Sau đó nàng đi tắm rửa và chuẩn bị làm buổi ăn sáng. Cứ mỗi cuối tuần thì Diễm làm điểm tâm đặc biệt hơn cho chồng và để anh ta ngủ tùy thích để bù suốt tuần luôn bận rộn công việc.
Uy cũng thường nói là anh thích nhất hai ngày nghĩ cuối tuần vì được tự do, thoải mái, không căng thẳng vì công việc, và nhất là được ở nhà bên vợ con, được vợ săn sóc chu đáo.
Đang loay hoay trong bếp thì ngoài phòng khách có tiếng chuông điện thoại reo vang. Diễm chùi vội tay vào khăn lau rồi ra phòng khách, thong thả nhấc máy :
‒ Allo
Bên kia có tiếng của Darian (bằng tiếng Pháp) :
‒ Bonjour, tôi là Darian, cô khỏe chứ ?
‒ Oui, tôi vẫn khỏe, còn cô, khỏe không ?
Đầu dây bên kia im lặng một chút, rồi Darian với giọng dè dặt :
‒ Tôi có một chuyện này muốn nói với chị mà cứ ngần ngại mãi đến hôm nay…
Diễm hơi ngạc nhiên, nghĩ là chắc cô ta có vấn đề gia đình gì đó, từ lâu nay họ đã thân tình và có tâm sự gì vẫn có thể nói cho nhau nghe, bèn hỏi :
 Lại bất hòa với bạn trai phải không ?
Darian, khẽ đằng hắng :
‒ Chị Diễm, không phải chuyện của tôi…mà là chuyện có liên quan đến chị đó
‒ Ồ, chuyện gì mà bí mật vậy ? Diễm còn hơi cười vì nghĩ là cô bé chỉ quan trọng hóa vấn đề cho vui thôi.
Darian giọng ngập ngừng :
‒ Thật mà…chuyện này tôi biết từ cả năm nay…nhưng không dám chắc, và cũng không muốn xen vô chuyện gia đình của chị, có điều…

Diễm nghe đến đây thì bắt đầu hơi hồi hộp. Linh tính báo cho nàng biết có điều gì đó không bình thường qua giọng của Darian. Đang định hỏi thì trên lầu có tiếng động. Uy đã thức dậy, và đang đi xuống nhà bếp. Có lẽ sau một giấc ngủ no đầy đã khiến anh vui tươi, nên vừa hát nho nhỏ, vừa lên tiếng gọi Diễm :
‒ Em ơi, trốn đâu rồi ; Tiếng Uy khôi hài, kiếm nàng
Diễm nói vội qua điện thoại :
‒ Xin lỗi Darian, tôi đang bận, tôi sẽ gọi lại cho cô tối nay hoặc chiều mai, được không ?
‒ Oui, tôi sẽ đợi chị, hẹn gặp lại sau. Bon-Week-end !

Diễm đặt điện thoại xuống mà trong lòng còn ngập tràn hoang mang vì mấy câu của Darian.

(còn tiếp)
*****
 (3)
Bước vào phòng bếp, thấy trên bàn ăn đã dọn sẵn mọi thứ mình thích. Uy cảm thấy tràn ngập hạnh phúc. Kéo Diễm vào lòng siết nhẹ. Bình thường thì Diễm cũng rất vui , trước cử chỉ âu yếm của chồng nhưng sao lần này nàng như người mất thăng bằng, chỉ đứng im, rồi đi đến bật máy pha cà phê.

Thấy vợ mình hôm nay hơi khác lạ, nhưng Uy cũng không chú ý mấy. Ngồi vào bàn và lấy tờ báo mở ra đọc trong khi chờ Diễm hâm nóng lại các thức và pha cà phê.

Sau đó hai vợ chồng và bé Trực đi du ngoạn miền quê. Suốt hai ngày nghĩ, Diễm cảm thấy lòng mình bồn chồn, không còn thanh thản như trước đây nữa. Cú điện thoại của Darian dường như là một báo hiệu không may nào đó mà nàng chưa biết được, nhưng đồng thời cũng khiến nàng cảm thấy sờ sợ, nên đã không dám gọi điện thoại lại cho Darian như đã hẹn.
Tại sao nàng phải sợ sệt và như trốn tránh một điều gì mơ hồ nhưng dường như linh tính cho biết đó là điều đang đe dọa cái  hạnh phúc bé nhỏ, êm ấm của nàng bấy lâu. Đúng là một lo sợ chưa có căn cớ khi chỉ dựa trên vài câu của Darian, nhưng cái trực cảm vô hình vẫn làm cho lòng Diễm trở nên xốn xang, bất ổn.
Từ đó Diễm bắt đầu kín đáo để ý những sinh hoạt của Uy. Trước đây thì nàng hoàn toàn tin tưởng chồng và chưa bao giờ tỏ ý nghi ngờ hay thắc mắc bất cứ điều gì về anh ta. Tuy nhiên Uy cũng không lộ vẻ gì khác lạ cả. Chàng vẫn đi làm đều đặn. Chỉ thỉnh thoảng về trể vì họp hay tiệc tùng giao tiếp, hoặc phải đi công tác xa để lo cho các công trình xây cất lớn, đôi khi phải cộng tác với một số chi nhánh ngoại quốc.  

Diễm cứ chần chờ, lưỡng lự trong lòng, nữa muốn gọi điện thoại cho cô thư ký, nữa lại không, vì một dự cảm vô hình đang chụp lấy trái tim nàng, nó khiến Diễm mất ăn, mất ngủ những ngày qua. Cuối cùng Diễm quyết định không gọi điện thoại cho Darian. Nàng đã đầu hàng nỗi lo sợ và yếu đuối của chính lòng mình.

Thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua, thắm thoát mà đã hai tháng kể từ khi nhận được cú điện thoại không ngờ của Darian. về phần Darian, cô ta cũng không hề nhắc nhở gì đến cuộc nói chuyện lần trước. Cô ta là một người nhạy bén và thông minh. Biết bà chủ của mình cố tình lơ đi việc ấy, nên cô cũng không đề cập gì nữa. Diễm rất hài lòng với sự ý tứ và thủ phận của người thiếu nữ này. Riêng phần Diễm, nàng đã tự lừa dối lòng mình, tự thuyết phục mình là chuyện vớ vẩn, không có gì quan trọng.Tuy vậy một mặt khác, sao lòng nàng vẫn cứ vướng vít với một nỗi thắc mắc, bức rức, càng lúc càng trổi lớn trong tâm tư.  Càng muốn quên, nó lại càng trở nên khiêu khích mạnh mẻ hơn. Cứ như vậy vô hình trong cuộc sống nội tâm của Diễm đã diễn ra một trận chiến âm thầm nhưng không kém phần gay gắt. Có đôi khi quên hẳn nổi ám ảnh vô hình kia thì nàng cảm thấy cuộc sống của mình như không có gì thay đổi. Nhưng mỗi khi không còn bận rộn với việc săn sóc cho con, hay lo việc nội trợ, cơm nước hàng ngày, còn một mình lúc rảnh rổi, vắng lặng thì lòng Diễm lại bị cái ám ảnh kia quay về khủng bố tinh thần.
Từ khi yêu thương rồi lấy nhau, chưa khi nào Diễm phải tự vấn lại chính lòng mình nhiều như bây giờ. Nếu xét về nhiều mặt thì nàng không có khuyết điểm nào trầm trọng để chồng nàng phải hướng về một người phụ nữ khác. Âm thầm để ý thì Diễm cảm thấy Uy không có vẻ gì khác lạ, anh vẫn sinh hoạt và với những thói quen bình thường mà Diễm rất rỏ từ bao năm nay, vẫn là người đàn ông tốt và thương yêu vợ. Vậy thì đâu có gì cần phải vạch lá tìm sâu, khuấy động cái hạnh phúc đang có của mình. Diễm thường tự đặt nhiều giả thuyết cho hoàn cảnh của mình. Giả dụ nếu chồng nàng có một tình cảm lăng nhăng với một phụ nữ khác, có thể là Darian nhưng nàng tin là không phải, vì chính Darian là người đang muốn cho nàng biết một điều gì đó. Vậy thì nếu với một ai khác ở bên ngoài, thì sao ? Liệu nàng sẽ đi bắt ghen hay đòi ly dị. Cả hai giả thuyết này đều không ổn. Thứ nhất là không có triệu chứng nào về sự thay đổi tình cảm ở Uy. Thứ hai, nếu tìm hiểu để biết sự thật và nếu thật sự có người đàn bà nào khác đang chia sẻ tình cảm với mình thì liệu nàng có phải đi rình rập để làm lớn chuyện ? Sau đó là ly dị ! Nàng chưa muốn tự làm cho đời mình phức tạp và mệt mõi như vậy. Cuối cùng nàng vẫn chọn giải pháp : Coi như không có chuyện gì xảy ra. Hưởng những ngày tháng vui vẻ trước mặt và cái gì tới thì sẽ tùy cơ ứng biến.

Mọi chuyện vẫn bình lặng trôi theo tháng năm. Thằng Trực lớn dần, và nàng không sinh thêm lần nào nữa. Uy vẫn say mê công việc và vẫn tôn trọng, yêu thương nàng. Dĩ nhiên theo tuổi đời thì cũng có những tâm lý thay đổi nhưng không có gì quá đặc biệt. Darian vẫn phụ giúp và càng ngày càng thạo việc, trở nên thân tín hơn. Cô ta cũng như Diễm coi như cuộc điện thoại bí ẩn của mười năm về trước, không hề xảy ra.

Cho đến một ngày cách đây hơn một năm. Diễm còn nhớ mãi, một buổi chiều mùa thu. Ôi, mùa thu Paris, mây xám giăng phủ đầy trời. Qua khung cửa kính, ngoài kia mưa lất phất bay, những chiếc lá úa lìa cành theo cơn gió ẩm lạnh...Làm cho cảnh vật và lòng người nhuốm một nỗi buồn ảo não. Uy đi làm chưa về. Thằng Trực đã vào trung học, và đã về bên nhà ngoại ở chơi vì được nghĩ mùa thu hai tuần như mọi năm.
Đang nằm đọc sách, Diễm nghe chuông điện thoại vang bên dưới nhà. Lười nên nàng không định xuống nghe. Định nếu ai cần gì thì sẽ gọi lại hoặc nói vào máy ghi âm.
Chừng mươi phút sau, lại reo cả chục tiếng. Diễm nghĩ hơi lạ vì không nghe ai để lại lời nhắn. Chắc chắn không phải người quen. Vì nếu người nhà, gọi nàng bằng máy để bàn không được, thì sẽ gọi qua số điện thoại di động nếu có chuyện cần. Diễm thầm nhủ, nếu ai gọi lần nữa thì nàng sẽ xuống nghe điện thoại.

Chuông điện thoại lại reo vang lần thứ ba. Diễm ngồi dậy và chậm rãi đi xuống lầu. Tay vuốt lại mái tóc. Bình thản như thường lệ, nàng nhấc máy :
‒ Allo
Giọng một người đàn bà ngoại quốc nói tiếng Pháp hơi nhấn giọng tiếng Anh, vang lên :
‒ Chào bà. Có phải là nhà ông Đặng không ?
Đặng là họ của Uy ; Diễm đáp :
‒ Đúng vậy, xin hỏi, tôi đang tiếp chuyện với ai ạ ?
Bên kia đầu dây, người phụ nữ chợt im một lát rồi hơi ngập ngừng hỏi lại :
‒ Bà có liên hệ thế nào với ông Đặng ?
Câu hỏi kỳ lạ, bất ngờ này của người kia làm cho Diễm hơi choáng váng. Vì từ trước đến nay, những người quen biết. Ngay cả khách hàng nước ngoài, không ai là không biết nàng là vợ của ông Đặng trình Uy. Cũng chưa hề có ai hỏi nàng kiểu này.

Diễm trấn tĩnh lại. Nghiêm giọng hỏi :
‒ Xin lỗi bà là ai ? Tôi chính là vợ của ông Đặng !
Lần này người đàn bà kia có vẽ xúc động. Bà ta lại im lặng mấy giây, khẻ đằng hắng, rồi đáp, giọng hơi run run :
‒ Tôi là Audrey. Tôi đang ở Luân Đôn...tôi và chồng bà...đã có quan hệ với nhau nhiều năm nay.
Lần này thì Diễm xây xẫm cả mặt mày. Đúng là như sét đánh ngang tai. Mắt nàng nhòe đi. Hai bên tai ù hẳn. Điện thoại thả khỏi tay lúc nào nàng cũng không hay…
Giọng người đàn bà vẫn nói gì đó thoang thoảng qua ống nghe nhưng Diễm không nghe gì nữa. Nàng không đủ can đảm nghe thêm điều gì khác từ người phụ nữ kia. Người đàn bà lạ mặt đã xen vào cái hạnh phúc đang bình yên của nàng. Đã phá vỡ tất cả niềm tin của nàng vào chồng từ bao lâu nay. Diễm như người đang đứng bỗng đất sụp xuống dưới chân. Cái cảm giác chới với, hụt hẫng và sụp đỗ ! Cái cảm giác bàng hoàng như đang trôi trong một giấc mơ phủ đầy sương mù. Nàng không thể tưởng tượng được người đàn ông mà nàng luôn tin cậy. Con người chững chạc và đàng hoàng kia. Con người chưa hề làm gì khiến nàng buồn lòng. Vậy mà sao lại có thể sống song song với một người phụ nữ khác nhiều năm qua ?!
Nàng chợt nhớ lại lời úp mở của Darian. Chả lẽ cô ta đã khám phá ra chuyện này của Uy từ khi đó và muốn báo cho nàng biết.
Nhưng cuối cùng điều làm nàng đau và tổn thương nhất vẫn là sự lừa dối khéo léo của người chồng mà nàng luôn yêu thương và ngưỡng mộ ! Chả lẽ anh ta có thể yêu một lúc hai người đàn bà. Nếu không phải tình cảm sâu đậm thì đâu có thể kéo dài cho đến khi đó. Muôn vàn câu hỏi nổi lên trong lòng Diễm và nàng quá yếu đuối để tìm hiểu và đối diện !

Sau  hôm đó Diễm bắt đầu mang bệnh trầm cảm. Nàng chỉ thích lặng lẽ một mình. Tránh tiếp xúc với mọi người. Nhất là Uy.

Riêng Uy, thấy vợ mình sao tự nhiên trở nên xa lạ, u uẩn và có vẽ khác thường…Lòng anh cũng ray rứt, bất an. Sau khi tìm đủ mọi cách để tìm hiểu. Cuối cùng thì anh ta cũng biết được nguyên nhân. Có lẽ là do người tình bên Luân Đôn cho biết.  

Theo lời giải thích của chồng thì Uy đã bắt đầu dính vào tình cảm với Audrey từ khoảng ba năm.Thời gian đi nhận một công trình xây cất, cộng tác với người Anh tại Luân Đôn. Trong một buổi tiệc giao tiếp do công ty phía bên Anh khoản đãi. Hôm đó Uy uống say và Audrey cũng là một nhân viên có mặt trong buổi tiệc. Cô gái người Anh này đã thầm thích Uy từ khi anh đi lại công tác với cơ sở bên đó, nhưng Uy luôn giữ chừng mực và đứng đắn. Cho dù biết cô ta không đòi hỏi điều kiện gì, chỉ thích làm một người tình, nhưng anh vẫn không vướng vào sự chinh phục tình cảm của cô ta. Cho đến cái buổi tiệc oan khiên kia. Một bên cố ý, một phía vô tình và bị rượu làm cho mất khả năng tự chủ. Uy đã vướng vào một cuộc tình ngoài ý muốn. Một tình cảm đã làm cho lương tâm anh luôn mặc cảm tội lỗi và khắc khoải triền miên.

(còn tiếp)
 

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ