Sunday, March 2, 2014

Thái Lan - chính trường lắng dịu
Ngày 2/3/2014, tại Thái Lan cuộc bầu cử bổ xung đã diễn ra tại 5 tỉnh từng bị gián đoạn bởi sự cản trở của người biểu tình trong ngày tổng tuyển cử 2/2 vừa qua. Theo ông Somchai Srisutthiyakorn một ủy viên của Ban tổ chức bầu cử cho biết, đã có khoảng 120.000 cử tri tham gia bỏ phiếu ở 100 địa điểm và cuộc bầu cử không gặp sự trở ngại nào. Một cuộc bầu cử khác tại một số tỉnh thành do người dân không thể đi bầu và Ứng cử viên không thể ghi danh từ sự cản trở của phe biểu tình, cũng được dự kiến vào tháng Tư, tuy nhiên đang còn chờ Tòa án hiến pháp quyết định.
Tình hình chính trị của nước Thái Lan gia tăng bạo lực đáng ngại trong tuần lễ qua (19/2 – 27/2), khi hàng ngày đều có những vụ tấn công vũ khí vào cảnh sát hoặc người biểu tình, tưởng rằng có thể dẫn đến nội chiến. Trong bối cảnh những người Áo đỏ của Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) đã tập hợp, và bất mãn kéo đến bao vây Ủy ban chống tham nhũng (NACC) ngày 26/2, tuyên bố sẵn sàng chiến đấu đến cùng với những cơ quan hay phe phái nào đang muốn lật đổ chính phủ hợp pháp do dân bầu, hoặc âm mưu muốn hủy hoại nền dân chủ của Thái Lan.

Trong lúc Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị triệu tập ngày 27/2 để nghe nhừng cáo buộc liên quan đến chương trình trợ giá gạo cho nông dân dẫn đến thất thoát và tham nhũng. Nếu bị định tội thì Thủ tướng sẽ có thể bị cách chức và cấm hoạt động chính trị trong năm năm. Tình hình đang căng thẳng. Thủ tướng Yingluck đã rời khỏi Bangkok và đến các tỉnh phía Bắc, bà đã không có mặt và chỉ cho luật sư đại diện đến làm việc với Ủy ban chống tham nhũng. Theo các nhà quan sát thì việc bà Yingluck không trình diện theo ý muốn của NACC và bay đến các tỉnh phía Bắc, nơi đại đa số người dân luôn ủng hộ và trung thành với bà, không phải là trường hợp ngẫu nhiên. Thái độ này cho thấy đảng Vì nước Thái (Puea) và Thủ tướng Yingluck sẽ không bó tay nếu một khi xảy ra âm mưu đảo chính Tư pháp như đã từng xảy ra trước đây.
Mặt khác phong trào biểu tình do một số thủ lĩnh đối lập cầm đầu, không bị cảnh sát giải tán theo luật tình trạng khẩn cấp vì có Tòa án hiến pháp che chở, tuy nhiên phong trào này đã kéo dài từ tháng 11 năm ngoái đến nay hơn ba tháng, với ý định lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra bằng cách gây sức ép từ nhiều phía và, nhất là muốn khích động quân đội nhúng tay tham dự như 18 lần trong quá khứ, nhưng lần này quân đội ‘vì lẽ gì’ đã tuyên bố đứng ngoài cuộc tranh chấp quyền lực. Đây là một lý do khiến cho phong trào biểu tình sau những hao tổn tiền bạc và nhân lực cũng không dễ đạt được ý đồ lật đổ chính phủ, cho dù dường như họ đã cố gắng lôi kéo sự ủng hộ của phía Tư pháp.
Ngày 27/2, ông Suthep, cựu thủ tướng đối lập và cũng là người cầm đầu biểu tình hung hăng nhất từ đầu cuộc, đã đưa ra ý định muốn đàm phán, trong tinh thần thách đấu tay đôi với bà Yingluck, tuy nhiên phía chính phủ đã bác bỏ yêu cầu này. Ngày 28/2, ông Suthep đã bất ngờ tuyên bố chấm dứt đóng chốt ở một số những giao lộ chính với lý do là không muốn tiếp tục gây trở ngại sinh hoạt cho Bangkok, đồng thời ông cũng chống chế rằng sẽ vẫn tiếp tục đẩy mạnh sức ép để buộc Thủ tướng Yingluck phải từ chức như ý định ban đầu chứ không hề chịu thua. Hiện tại những người biểu tình đã rút khỏi những nút giao thông thành phố tại Bangkok và tập trung tại công viên Lumpini, dựng lều trại gần hồ nước và dưới gốc cây.
Với sự lui quân của phe đối lập tuy chưa hẳn là thua cuộc nhưng tương đối tình hình chính trị, xã hội của Thái Lan đã bớt căng thẳng. Trong suốt hơn ba tháng qua, có thể nói rằng thái độ nhẫn nhịn và luôn hành xử đúng hiến pháp của chính quyền bà Yingluck là một ưu điểm. Thật ra cái cớ cho sự bùng phát phong trào biểu tình do phe phái đối lập chủ xướng chính là việc chính phủ muốn thông qua một ‘Dự luật ân xá’ có tác dụng xóa tội cho mọi hành vi bạo hành mang tính chất chính trị từ năm 2004 đến nay - ngoại trừ tội khi quân. Dự luật bị nhiều người phản đối, nhất là phe đối lập, đa số là giới trưởng giả, trung lưu, những người thù ghét Thaksin với chủ trương Dân túy của ông này. Họ cho rằng luật ân xá nhằm đưa cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang lưu vong tại Dubai trở lại chính trường Thái Lan mà Thủ tướng đương nhiệm Yingluck là em gái của ông này.
Mặc dầu Dự luật đã được hạ viện thông qua ngày 1/11 với đa số phiếu thuận, nhưng đảng đối lập PDRC đã tẩy chay và tuyên bố sẽ chống đến kỳ cùng. Phong trào biểu tình được phát động và bắt đầu lan rộng tại Thủ đô Bangkok cùng trong tháng này.
Trước sự chống đối càng lúc càng bộc phát, Dự luật ân xá đã bị bác bỏ bởi Thượng viện Thái Lan ngày 11/11. Các Nghị sỹ đối lập trong hạ viện đồng loạt từ chức gây sức ép.
Nhằm làm lắng dịu sự chống đối từ nhiều phía, Thủ tướng Yingluck đã buộc phải giải tán Hạ nghị viện và cho tổ chức bầu cử sớm vào ngày 2/2 vừa qua. Tuy nhiên phong trào biểu tình không dừng lại ở việc chống Dự luật ân xá, mà họ dựa vào lý do trên để nhằm đạt mục tiêu tối hậu là lật đổ chính quyền hiện tại của bà Yingluck, để nhằm triệt hạ khuynh hướng thân Thaksin - với chủ trương ‘mỗi người dân một lá phiếu’, cũng như nhằm nâng cao đời sống của tầng lớp dân nghèo nông thôn bằng chính sách trợ giá gạo - đảng Vì nước Thái (Puea) đã thắng lợi liên tiếp trong các cuộc bầu cử suốt hai thập niên qua tại ‘xứ chùa vàng’, nơi mà giới bảo hoàng và trưởng giả còn đặt nặng thành kiến và còn ảnh hưởng rất lớn trong mọi cơ cấu xã hội. Với những lý do trên là động cơ đã lôi kéo hàng chục ngàn người Bangkok vào một cuộc khủng hoảng chính trị, làm xáo trộn mọi sinh hoạt, trật tự đời sống tại Thủ đô và ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế Thái Lan. Là một lý do ‘thiếu tính thuyết phục’ để mong lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Không ai đi ngược được thời gian cho nên những người mong muốn Thái Lan trở lại thời tiền Thaksin khi mà người dân thấp cổ bé miệng bị coi là không hiểu biết gì về Dân chủ, không có quyền tham dự vào vận mạng của quê hương, đất nước mình thì điều này không thể nào được nữa. Do đó hảy để bánh xe lịch sử tiến về phía trước như quy luật muôn đời, và chờ cuộc tổng tuyển cử Hạ viện Thái Lan hoàn tất. Đảng chiếm đa số sẽ có quyền đề cử Thủ tướng, và phải tôn trọng luật ‘Đa số thắng thiểu số’ – Đó là tiến trình Dân chủ.

hhx475 (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ