Monday, May 12, 2014

Tâm linh - Tôn giáo

Danh Thơm và Tiếng Xấu

Danh thơm (yasa) và tiếng xấu (ayasa) là một cặp thăng trầm mà ta phải đối phó hằng ngày.
Danh thơm, chúng ta hoan hỉ đón mừng. Tiếng xấu, chúng ta không thích. Danh thơm làm phấn khởi tinh thần. Tiếng xấu làm cho ta đau xót. Chúng ta thích được trứ danh. Chúng ta mong muốn thấy tên tuổi và hình ảnh mình trên mặt báo. Chúng ta rất thoả thích thấy những hoạt động của chúng ta, dầu không đáng kể, được tường thuật và được nhiều người nhắc nhở, nhiều người biết đến. Lắm khi ta cũng cố gắng, một cách bất chánh, làm cho nhiều người chú ý đến mình.
Để thấy hình ảnh mình trên tạp chí, vài người sẳn sàng trả một số tiền to tát. Để được danh dự, vài người sẳn sàng đóng góp quan trọng hay hối lộ cho nhóm người quyền thế. Để tự quảng cáo, vài người biểu dương tâm trong sạch bố thí của mình bằng cách trai tăng hằng trăm vị tỳ khưu, hay hơn nữa. Nhưng có thể những người trên sẽ hoàn toàn thản nhiên trước nổi thống khổ của người nghèo nàn đói rách sống ngay bên cạnh mình. Ta có thể rầy la và hành phạt một tên trộm quá đói khát, vào vườn ăn cắp của ta một trái dừa để làm dịu bớt cơn đói, nhưng ta sẽ không ngần ngại cho ra cả thiên dừa để đổi lại chút danh thơm.
Đó là khuyết điểm của con người. Chí đến khi làm điều thiện, phần đông chúng ta cũng làm với ẩn ý vụ lợi. Những người hoàn toàn vị tha rõ thật hiếm hoi trên thế gian này. Vì lẽ ấy, người nào đã làm một việc thiện, dầu động cơ thúc đẩy đến hành động không mấy đáng được ca ngợi, cũng không đáng được tán dương vì đã làm điều thiện ấy. Phần đông người thế gian chúng ta luôn luôn còn giấu một cái gì trong tay áo. Ai là người trăm phần trăm tốt? Bao nhiêu người hoàn toàn trong sạch, từ động cơ đến hành động? Bao nhiêu người tuyệt đối vị tha?
Chúng ta không cần phải chạy theo danh thơm tiếng tốt. Nếu chúng ta xứng đáng, nó sẽ đến mà không cần tìm. Khi hoa đượm mật đầy đủ, ong, bướm sẽ đến. Hoa không cần mời ong, hay mời bướm.
Đúng thật vậy, chúng ta cảm nghe tự nhiên vui sướng, vô cùng hạnh phúc, khi thanh danh của chúng ta bay xa, bay rộng. Tuy nhiên chúng ta phải nhận định rằng tiếng tốt, danh vọng, vinh quang, chỉ đi theo với ta đến mồ là cùng. Rồi nó tan biến ra mây ra khói. Nó chỉ là những ngôn từ, mặc dầu là kim ngôn, là mỹ từ, làm êm dịu tai ta.
Còn tiếng xấu thì sao?
Chúng ta không thích nghe hay nghĩ đến nó. Chắc chắn là khi những lời nói xấu lọt vào tai ta nó sẽ làm cho tâm ta bàng hoàng, khó chịu. Nỗi khổ tâm càng sâu đậm hơn nữa nếu những lời gọi là tường thuật hay báo cáo ấy tỏ ra bất công hay hoàn toàn sai lạc.
Thường phải mất cả năm, hay hơn nữa, để kiến tạo một ngôi nhà nguy nga và vĩ đại. Nhưng chỉ trong nháy mắt khí giới tối tân hiện đại có thể tàn phá dễ dàng. Lắm khi ta phải mất nhiều năm hay trọn cả một kiếp sống để gầy dựng thanh danh. Bao nhiêu công trình lao khổ ấy có thể tàn rụi trong khoảnh khắc. Không ai có thể tránh khỏi câu nói tai hại bắt đầu bằng tiếng "nhưng". Thật vậy, ông ấy rất tốt, ông đã làm việc này, điều kia. Nhưng... phần đầu tốt đẹp đã bị cái "nhưng" đẩy vào đêm tối của lãng quên. Bạn có thể sống đời trong sạch như một vị Phật nhưng bạn không thể tránh những lời chỉ trích, tấn công và nguyền rủa.
Đức Phật là vị giáo chủ trứ danh nhất thời bấy giờ, mà cũng là bị người nguyền rủa và sỉ vả nhiều nhất thời bấy giờ.
Các bậc vĩ nhân thường không được biết đến. Hay có được biết, thì cũng được biết một cách sai lạc.
Vào thời Đức Phật, có một thiếu phụ thường lui tới Tịnh Xá lúc ban đêm. Những người ở đạo khác truyền rao tiếng đồn, vu oan Đức Phật và các đệ tử Ngài đã sát hại thiếu phụ ấy và chôn vùi dưới một đống hoa tàn, trong vòng Tịnh Xá.
Khi sứ mạng lịch sử của Đức Phật đã được hoàn thành viên mãn và có rất nhiều người tìm đến xin xuất gia, các vị đạo sĩ đối nghịch phỉ báng rằng vì Đức Phật mà mẹ phải lìa con, vợ lìa chồng, và chính Ngài đã làm trở ngại mọi tiến bộ của đất nước.
Chính người em họ và môn đệ của Đức Phật cũng nhiều lần âm mưu làm sụp đỗ phẩm hạnh cao quý của Ngài, nhưng thất bại. Ông lại sanh tâm mưu sát Đức Thế Tôn bằng cách từ trên cao lăn đá vào mình Ngài.
Đã là một vị Phật, Ngài không thể bị sát hại.
Nếu đó là số phần bất hạnh của một người vô tội và trong sạch như Đức Phật, hạng người tầm thường còn phải chịu như thế nào nữa?
Lúc trèo núi, ta càng lên cao người đứng dưới đồng bằng càng để ý đến ta và càng thấy ta nhỏ hơn. Và họ chỉ thấy phía sau lưng, không thấy trước mặt. Thế gian thổi lông tìm vết này chỉ muốn trưng bày khuyết điểm và lỗi lầm của ta. Bao nhiêu tánh tốt thì giấu nhẹm. Cái xay quạt lúa đi bụi bặm và lúa hư, nhưng giữ lại các hạt lúa no đầy. Cái rây thì trái lại, giữ phần xác thô sơ mà lược đi nước trái cây ngon ngọt. Người có trau dồi trí thức giữ cho mình phần tinh tế và bỏ đi phần thô sơ. Hạng vô học giữ cái thô và bỏ đi cái tinh vi tế nhị.
Mỗi khi bị hiểu lầm và bị người ta vô tình hay cố ý, truyền rao một cách bất công, ta nên sáng suốt suy nghĩ, hay nói như Epictetus đã khuyên: "May quá, người ta không quen mình nhiều và chỉ biết mình sơ sài nên chỉ nói xấu mình bấy nhiêu.
Nếu người ta biết mình nhiều hơn chắc mình còn bị chỉ trích nhiều hơn nữa"
Không cần phung phí thời giờ vô ích để sửa sai những lời đồn đãi sai lạc, nếu hoàn cảnh không bắt buộc ta phải làm sáng tỏ vấn đề. Kẻ thù nghịch sẽ lấy làm thoả thích mà thấy ta bực bội vì lời nói của họ. Đó chính là điều mà họ mong muốn. Nếu ta thản nhiên, lời vu oan sẽ tan biến vào quên lãng. Để thấy lỗi lầm của người khác, ta phải làm như người mù.
Để nghe lời chỉ trích người khác, ta phải làm như người điếc.
Để nói xấu người khác, ta phải làm như người câm.
Không thể chấm dứt những lời buộc tội, những lời tường thuật hay đồn đãi sai lầm. Thế gian đầy chông gai và đá nhọn. Ta không thể dẹp sạch gai và đá. Nhưng nếu phải đi trên đó bất kể những trở ngại thì, thay vì dời gai và đá, chuyện mà ta không thể làm, tốt hơn ta nên mang một đôi dày và thận trọng đi từng bước, chúng ta sẽ được an toàn.
Giáo Pháp dạy ta:
"Hãy như sư tử, không run sợ trước tiếng động.
Hãy như luồng gió, không dính mắc trong màn lưới.
Hãy như hoa sen, từ bùn nhơ nước đục mọc lên, nhưng không bị nước đục và bùn nhơ làm ô nhiễm.
Hãy vững bước một mình như con tê giác."
Là chúa lâm, sư tử không sợ hãi, run rẩy, hay giựt mình khi nghe tiếng gầm thét của các loài thú khác. Trên thế gian này, chúng ta có thể nghe thuật lại những câu chuyện trái tai, bất lợi, những lời buộc tội giả mạo, những tiếng vu oan phỉ báng đê hèn, vì miệng lằn lưỡi mối không thiếu chi. Như sư tử, ta không cần để ý đến. Như một loại khí giới của người Úc, khi được tung ra nó bay tới đánh vào mục tiêu rồi trở lộn về tay chủ, cùng thế ấy, những lời rêu rao xấu xa đê tiện ấy sẽ chấm dứt nơi mà nó bắt đầu đi.
Mặc chó chó sủa, đoàn lữ hành cứ tiến bước.
Chúng ta đang sống trong bùn nhơ nước đục. Nhiều đóa sen đã từ đó vượt lên, tô điểm sơn hà, mà không bị nước đục và bùn nhơ làm hoen ố. Chúng ta phải cố gắng sống như hoa sen, một đời trong sạch và cao quí, không màng để ý đến bùn nhơ mà người khác có thể ném vào chúng ta.
Ta phải sẳn sàng đón nhận bùn nhơ mà người ta có thể ném vào mình, thay vì mong đợi những đóa hoa hồng mà người ta có thể tặng. Ta sẽ không thất vọng.
Mặc dầu khó, chúng ta phải cố gắng sống trau dồi hạnh dứt bỏ, khước từ, không luyến ái. Chúng ta đến đây một mình, một thân. Một thân, một mình, chúng ta sẽ ra đi. Trong thế gian này, không luyến ái là hạnh phúc.
Không cần để ý đến nọc độc của những lưỡi mối miệng lằn. Đơn độc một mình, chúng ta hãy ra đi đó đây, tận lực phục vụ và tạo an lành cho kẻ khác.
Âu cũng lạ, rằng các bậc vĩ nhân thường bị vu oan, phỉ báng, đầu độc, treo lên thánh giá, hay bị bắn chết.
Ông Socrates vĩ đại bị đầu độc. Đức Chúa KiTô cao quí bị treo trên thánh giá. Đức Mahatma Gandhi bất bạo động bị bắn chết.
Vậy phải chăng tốt quá cũng nguy hiểm?
Đúng khi còn sống, các vị ấy bị chỉ trích, tấn công và sát hại. Sau khi chết, các Ngài được tôn sùng và kỉnh mộ như thần, như thánh.
Bậc vĩ nhân vẫn bình thản khi được khen cũng như lúc bị chê. Các Ngài không để tinh thần suy sụp khi bị chỉ trích hay vu oan, bởi vì các Ngài không chạy theo thanh danh. Người ta có biết được việc làm của mình không, các Ngài không để ý. Các Ngài làm việc, phục vụ, nhưng không màng đến việc thọ hưởng. 
(Những bước thăng trầm)
Narada Maha Thera / dịch PkK

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ