Tuesday, March 14, 2017

VĂN - TNKH

Chuyện « Nó » 
(Ngày xưa còn bé…)
TNKH

Đi Ciné

Một buổi trưa thức giấc, nghe tin ba đã cho chị B. và anh Đ. đi ciné, nó lăn ra đất khóc, khóc hoài không chiụ nín...Càng nghĩ, càng khóc tức tưởi, chỉ vì ba đã hứa hôm qua, nhưng tại nó ngủ trưa, dậy trể nên ba đã không chờ ! Má thấy nó khóc thảm thương quá vì bị lỡ tàu "ciné", xót xa dỗ dành, hứa sẽ bù lại lần khác, nhưng nghe má nói vậy, nó lại càng thấy ức, càng bật khóc lớn hơn. Sao không ai chiụ hiểu cho nó. Trong cái đầu thơ ngây của con bé 7 tuổi, chỉ cảm thấy là người lớn đã coi thường nó, gạt cho nó ngủ. Thật tình nó đâu có muốn ngủ trưa, chạy chơi vòng vòng trong cư xá vào buổi trưa hè yên tĩnh, trong nắng, trong gió, hái hoa lồng đèn, dâu dại cùng mấy đứa bạn con của bác Quang, bác Tước, vui hơn. Chính vì để được đi «ciné» nên nó mới chịu đi ngủ trưa, vậy mà, nỡ nào họ lại ra đi mà không chờ, không ai nhớ tới nó ( lúc đó, được đi coi ciné là một hạnh phúc tuyệt vời với trái tim nhỏ bé ấy !)…
Cho dù sau đó, Ba và anh, chị đã dụ khị, đền bù cho nó qùa, bánh  đủ thứ. Cho đi chơi nhiều chỗ khác. Nhưng, sao trong lòng nó vẫn còn mãi cái cảm giác bàng hoàng, chới với… Như bổng nhiên bị ai quăng vào một cái hố…Khi tỉnh dậy vào cái buổi trưa hè xa xưa ấy, đang còn ngái ngủ, dụi mắt… Nhưng rất hí hởn vì sắp được đi coi ciné, rồi…Ước mơ vụt tan tành !

Cá Tai Tượng

Hôm nay đi học về, được tin con cá "tai tượng" nuôi trong cái bồn kiếng để trong phòng khách đã chết. Nó quăng cặp, chạy vụt vào, nhìn sửng cái bồn còn nằm đó. Nước với rong xanh, những vụn thức ăn nổi lềnh bềnh, dưới đáy bồn có để vài hòn non bộ nho nhỏ, tất cả vẫn còn y nguyên, thế mà...Con cá thân quen từ bao ngày qua, nay đã không còn ! Nó nhớ đến cái hình ảnh con cá  «tai tượng» lặng lẽ lội thong thả, ung dung quanh bồn kiếng. Mỗi khi nó đi học về, ghé thăm, là con cá như có linh tính, vẫy cọng râu dài, lượn sát vào thành bồn, vui mừng chào đón ! Nó bổng nghe một cảm giác mất mát, vô cùng buồn bả siết chặt trái tim nhỏ bé của mình. Bỏ cơm trưa, nó lẻn ra vườn sau, nơi có một bụi tre khá lớn, có một cái ô tam giác nhỏ để chui vào bên trong lòng bụi tre, có thể chứa được hai đứa bé cở nó. Nơi đây là cái hốc quen thuộc, một góc không gian riêng của nó. Lặng lẽ bò vào, ngồi bó gối một mình nơi ấy. Nó gục đầu, thầm nhớ tới «người bạn dễ thương»,  đã đột ngột biến mất, đã ra đi mà không kịp từ giả. Nó chưa có ý niệm về «cái chết», chỉ cảm thấy là đã bị mất đi một cái gì đó quá bất ngờ, một người bạn mà nó sẽ không bao giờ còn gặp lại ! Những giọt nước mắt khẽ rơi rơi… Thời gian trôi qua, tiếng gió đưa những chiếc lá tre xào xạt bên tai như than thở, như thầm sớt chia nỗi u buồn cùng nó. Ngoài kia nắng vẫn lên cao, gió mát hiu hiu thổi. Có tiếng má và chị B. đang gọi, tìm...!

Tập Xe đạp

Một hôm, nó đã được khiêng về nhà với cái đầu máu me đầm đià...Chỉ nhớ là sau một thời gian tập xe đạp.Vào buổi chiều hôm đó, như mọi khi, chị B, anh Đ. gọi nó cùng ra bãi cỏ trống gần nhà trong khu cư xá sỹ quan TSN. Chị B đã cho biết hôm ấy là ngày quan trọng, vì nó sẽ được thử thách xem đã biết đi xe đạp một mình hay chưa. Chị B. đã tháo hai cái bánh nhỏ hai bên, biểu nó chuẩn bị, tay chị vẫn giữ yên xe và chạy theo đàng sau một lúc. Nó chăm chú, miệt mài đạp xe, hơi lo lắng, rồi thì trên yên ngựa sắt nhỏ, rộn vui, nó đã quên tất cả. Khi đang chạy phon phon, nó bổng có cảm giác hình như chiếc xe nhẹ hẳn đi ,rồi lảo đảo nghiêng, và "rầm"...Bên tai, mơ hồ nghe tiếng lao xao, hốt hoảng của mọi người, còn nhận biết mình được khiêng bởi hai người, chông chênh, mắt nhòa dần... Nó thiếp đi...
Từ hôm đó nó đã chính thức biết đi xe đạp hai bánh ! Mỗi khi nghĩ lại cái kỳ tích bị «lỗ đầu» này, nó ngõn ngoẽn cười một mình, khoái chí lẫn tự hào về mình. Lần đó chị B và anh Đ phải biết nể đôi phần về sự « gan lì tướng quân» của con em nhỏ, vốn trầm lặng, nhút nhát, hay sợ người.
Nghe mọi người kể lại là lúc chị B. buông tay, thì nó còn đạp thêm được một khoảng khá xa. Từ khi bị ngã xuống, va đầu mạnh, chảy máu, và sau đó ngất đi, cho tới khi tỉnh lại trong bàn tay săn sóc diụ dàng của Má. Nó đã không hề than đau hay khóc tí nào. Lâu quá rồi cũng không còn nhớ rõ cảm tưởng về điều ấy nữa, nhưng hôm nay ngồi nhớ lại, nó nghĩ, có lẽ vì cái đau đến quá nhanh và đột ngột, và lòng ham biết đi xe quá mảnh liệt đã cho nó một sức mạnh, thắng lướt được mọi sợ hãi và đau đớn ?!

Ngày Nhập Học

Ngày đầu tiên nhập học lớp mẫu giáo tại trường tiểu học TSN.
Ồ, đúng là ngày trọng đại trong đời một cô bé lên 6, vừa mới rời áo mẹ, bước vào ngưỡng cửa học đường mà người xưa thường gọi nôm na là lớp ‘vỡ lòng’ hoặc ‘khai tâm’!
Khi vừa được thả xuống chiếc xe Jeep nhà binh của ba, lúc đó học sinh đã vô lớp rồi nên sân trường vắng teo, anh Đức thì dắt em Cầm đến lớp ‘ấu trĩ viên’ ở giữa sân, còn nó vì sợ trễ học nên một tay nắm quần vì hơi tuột, tay ôm cặp táp cắm đầu chạy xuống lớp học mẫu giáo nằm tít cuối sân. Đang chạy thục mạng đến giữa sân, bỗng nó thoáng thấy một cái bóng nhỏ giống nó chạy ngược chiều và vì vận tốc cả hai đều quá độ nên…‘bốp’ hai cái đầu va vào nhau như trời giáng, phát ra một tiếng khô khan, và nó liễng xiểng ngồi phịch xuống đất, cặp táp văng bên cạnh, không cần biết ai đã đụng mình, nó lồm cồm bò lượm chiếc cặp và đứng lên cắm cúi chạy tiếp đến lớp học. Khi bước vô lớp nó nghe tiếng học trò đang đánh vần : ‘s..a..xa…ch..sách, sách, sách’…
Nó khe khẻ xề vào ngồi ở dãy bàn cuối lớp. Nén tiếng thở hào hển sau một cuộc chạy cấp tốc và bị tai nạn bất ngờ dọc đường, nó nhìn sơ chung quanh, có hai dãy bàn ghế gỗ, lối đi nhỏ chính giữa. Trên bảng cô giáo mặc chiếc áo dài, tóc ngang vai, tay cầm cây thước gỗ, đang chỉ vào hàng chữ cho học trò đánh vần. Thấy nó vô, cô đến lật sổ điểm danh, từ tốn hỏi tên họ của nó. Giọng cô miền Nam, thanh tao. Sau đó cô tiếp tục cầm cây thước chỉ những chữ ghi trên tấm bảng đen cho lũ trẻ tập đọc tiếp. Nó cũng ê a bắt chước đọc theo…
Có tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi reo vang. Cô giáo ngưng dạy, học trò bắt đầu lao nhao rời chổ. Bỗng nhiên nó nghe tiếng một bạn học ngồi phía trước la lên hốt hoảng : ‘chết rồi cái đầu trò’, nó chưa hiểu chuyện gì nhưng trò đó cứ nhìn chăm chăm vào mặt nó, mắt mở to, tay chỉ vào trán nó, mồm há hốc có vẻ kinh khủng, sau tiếng la của bạn đó thì có thêm vài trò nữa xúm lại nhìn nó và, đúng là ai cũng có vẻ kinh hoàng, lúc đó nó mới cảm thấy trên trán ê ẩm vừa rát vừa nhức bưng bưng. Cô giáo, sau này nó biết tên là cô Nguyệt, nghe tiếng bày trẻ xôn xao nên đi xuống chổ nó ngồi, bây giờ thì chính cô cũng hoảng hốt, và biểu nó đứng lên đi theo cô, cô dắt tay nó lên văn phòng ở phía ngoài gần cổng trường, lủi thủi đi theo mà lòng nó ngỗn ngang trăm mối vừa lo, vừa sợ, vì là ngày đầu tiên làm học trò, tất cả đều còn quá xa lạ, bỡ ngỡ, và sự việc xảy ra quá nhanh, nó chưa kịp định thần gì hết. Đang nghĩ lan man, thì đã vào đến văn phòng thầy hiệu trưởng, nhưng lúc đó chỉ có mặt thầy hiệu phó, tên là thầy Thạnh. Cô Nguyệt trao tay nó cho thầy Thạnh và chỉ vết thương trên trán của nó đang rỉ máu và bầm tím, sưng u một cục to tướng. Thầy Thạnh lúc đó có lẽ khoảng ngoài 20, nét mặt tươi cười nên nó cũng đỡ sợ phần nào. Hai người trao đổi vài câu gì đó, rồi thì thầy Thạnh lấy chiếc xe gắn máy màu xanh ra và đỡ nó ngồi lên. Thầy ân cần dặn nó là nhớ ngồi dang hai chân ra đừng để kẹt vô bánh xe. Nó vâng lời, và nghiêm chỉnh ngồi dang hai chân xa bánh xe suốt quảng đường vô bệnh xá quân y TSN. Tới nơi, lúc đỡ nó xuống xe, nó đứng không nổi vì chân dang lâu quá nên bị tê, nó đi cà nhắc theo thầy vô phòng bệnh xá. Sau khi được cô y tá chùi alcool, rồi băng bó đàng hoàng, thầy hiệu phó chở nó về trường. Khi đó đã là giờ tan học. Một ngày đầu tiên tại trường tiểu học quân đội TSN, như dấu ấn còn mãi trong lòng nó.
Ba anh em, được ba đến rước đúng giờ. Anh Đức có nhiệm vụ chăm sóc cho em Cầm, lúc đó chỉ mới 4 tuổi. Nó biết tự lo cho mình, và dù sau tai nạn ‘bất ngờ’ bị u đầu, đã khá lâu rồi không còn nhớ rõ chi tiết nhưng có lẽ lúc đó nó cũng đã anh dũng vượt qua khó khăn mà không làm bận lòng ai lắm.
Nó còn nhớ sau này khi má hỏi : ‘Hôm nay con học gì’… nó thường hảnh diện trả lời :‘Dạ con đọc s..a..xa..ch..sách, sách, sách’…‘vòng tay thưa em, thưa cha’…‘Bộ xương đứng, nghiêm’ ! Và nhớ hoài bài hát đầu đời :  ‘Ngày trôi theo tháng giá mùa đông, và phai theo nắng úa ngoài sân, kìa chim uyên đã hót đầu sân, dừng bên cạnh líu lo chào xuân…xuân đây rồi…xuân đây rồi…’. Dù thời gian đã trôi xa về quá khứ mà âm vang như còn vọng mãi trong tim của ngày xưa thơ ấu !
(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ