Saturday, March 18, 2017

VĂN - TNKH

Chuyện « Nó » 
(Ngày xưa còn bé…)
TNKH

(Tiếp theo)


Bị ‘Nhéo’ chân

Ngồi ngoài hiên nắng nhìn cái chân, chổ gần mắc cá, đang sưng vù, vì vết thương bị làm độc nên phải nghỉ học ở nhà. Nó cảm thấy vừa sợ vừa tức cái thằng nhỏ học chung lớp, ngồi trước nó mấy bàn. Nó mới từ mẫu giáo lên lớp Năm chưa bao lâu, ngồi ở dãy bàn học bên phải khoảng giữa, những bạn học trong lớp còn xa lạ, nó chưa biết ai. Hai hôm trước trong giờ thầy hiệu trưởng tên Thạch, lúc đang chăm chú nghe giảng bài bổng nhiên nó thoáng thấy dưới gầm bàn một cái bóng bò gần đến chân, rồi tự nhiên nó nghe ‘đau điếng’ở phía trên gần mắc cá bên trái. Nó cuối nhìn xuống gầm bàn là lúc thằng nhỏ kia đang lồm cồm bò về chổ sau khi "ám toán" bạn ! Vậy mà nó ráng chiụ đau không dám méc thầy. Về nhà cũng im re, không nói với ai, đến khi vết thương bị làm độc, mưng mủ, nó mới dám cho Má biết. Nhìn nét mặt xót xa, lo lắng của Má khi lấy thuốc đỏ, bông gòn, chùi rửa, băng bó săn sóc vết thương, nó cảm thấy yên tâm. Ít khi nào Má la nó điều gì, bởi vì nó rất ngoan và biết mình còn mấy em nhỏ, Má phải lo nên không bao giờ nhõng nhẽo hay vòi vĩnh, và nhất là từ khi sinh ra cho tới lớn, nó luôn èo uột, khó nuôi !
Hôm nay ngồi ngoài hiên nhà trong một buổi trưa yên tĩnh, ngắm nghía chổ bị thương, nó vẫn còn thấy rất ‘tức’ và lấy làm lạ là tại sao tay thằng nhỏ học cùng lớp ấy «độc» quá, và cũng không hiểu tại sao thằng học trò kia chịu khó bò xuống gầm bàn, xuyên qua mấy hàng ghế, chỉ cốt để ‘ngắt’ vào chân nó ? Trong khi nó không có làm gì đụng chạm hết. Nó hiền lành lại rất ngoan và yếu ớt nên các cô, thầy thường lưu tâm. Chẳng lẽ vì vậy mà thằng nhỏ kia ganh, nên mới «ngắt, nhéo» ? Mà hình như trong đời học trò của nó cứ có những ‘món nợ’ đòi bất ngờ rất ‘kỳ lạ’ !
Cái cảm giác đau dường như lúc đó chỉ là phụ, bởi vì có một cảm giác khác mạnh hơn đã lấn át, đó là sự phập phòng lo lắng, và suốt một thời gian, sau lần chân bị làm độc đó, mỗi khi đến lớp là nó nghe một cảm giác buồn bã…Trong tâm hồn non nớt, ngây thơ ấy thì trong lớp học có ‘cái bóng’của một điều gì đó không ‘bình yên’ ! 

Tập viết văn

Nó ngồi cặm cuội viết lách, ngày này qua ngày khác. Bỏ cả ăn uống, chơi đùa, quên cả nghỉ ngơi. Vì nó mới biết viết chữ nên đang tập viết văn… 
Mấy hôm trước nó tình cờ, lén đọc được vài trang trong một quyển truyện của nhà văn HHC. Hình như của dì CB. đang xem. Chuyện tả về đời của những người lính chiến. Tựa là "Bên hàng rào kẻm gai".
Nó rất khâm phục ông nhà văn này. Câu truyện đã tạo cho nó nguồn cảm hứng dạt dào. Nó mơ là mình cũng sẽ viết được một cuốn truyện. Thế là nó miên man suy nghĩ. Không hề thổ lộ điều này với bất cứ ai trong nhà. Thấy em mình sao cứ hay ngồi suy tư, nghĩ ngợi một mình, không chạy theo anh chơi như mọi khi. Anh Đ. cũng hơi tò mò, hỏi han mấy lần, nhưng nó im lặng, ra vẽ quan trọng, lòng thầm nghĩ : «chỉ vài hôm nữa anh sẽ biết và sẽ phục lăn cho xem».
Và hôm nay nó cảm thấy muốn viết. Nó bắt tay vào công trình văn chương đầu đời của mình. Thầm dệt mộng là sau khi hoàn thành tác phẩm, sẽ đem khoe mọi người, chắc là ai cũng sẽ nể lắm. Suốt nhiều ngày, ngoài giờ đi học về, học và làm bài xong, là nó lại tiếp tục hí hoáy viết tác phẩm của mình, bất cứ nơi đâu, lúc nào có thể, nằm dài trên sàn nhà, ngồi ở góc hàng hiên…không biết mệt mỏi. Trong lòng tràn ngập niềm tin và cảm xúc…
Ngày hôm ấy. Cái cảm giác này vẫn còn theo nó nhiều năm sau...Khi đã hoàn thành tuyệt tác văn chương «ấu trĩ viên».  Nó vội vả đi tìm chị B. và anh Đ. Với ý định khoe tác phẩm vĩ đại của mình. Dù sao thì hai người này chỉ lớn hơn nó vài tuổi, chứ người lớn như mấy dì, cậu thì nó mắc cở không dám đem khoe. Tay cầm chặt mấy trang giấy khổ lớn, viết chi chít hai mặt, nó hí hửng chạy đi tìm hai người này, nó bắt gặp chị B và anh Đ đang ngồi tán dóc nơi phòng khách. Nó đỉnh đạt bước tới, lòng hơi hồi hộp, trịnh trọng trao mấy trang giấy cho họ đọc. Cả hai nhìn nó, ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì, nhưng cũng đưa tay đón mấy trang giấy trong tay của em mình. Nó đứng kế bên, băn khoăn theo dõi sắc mặt hai người. Chị B chăm chú đọc xong, tới phiên anh Đ. Sao mà ai cũng vừa đọc vừa cười, mới đầu còn cười tủm tỉm, sau đến phát ra cười ha hả...Nó thật ngạc nhiên.Thật khó mà diễn tả cái cảm giác lúc ấy. Một cái gì đó thất vọng, bẽ bàng, pha lẫn mắc cở. Một «giấc mơ» con trẻ thật tuyệt vời. Giấc mơ thành nhà văn như ông văn sỹ kia ! Theo tiếng cười của mọi người tan vào trong gió, theo mây ngàn bay…
Nhận lại mấy trang giấy chứa chất cả một trời tâm tưởng…Nó lủi thủi cuối gầm mặt, lặng lẽ đi tìm một góc vắng ngồi ôm ‘vết thương lòng’ !
Quét lớp
Nó còn nhớ, khi ba, má dọn về khu Cư xá SQCH, lúc đó nó lên lớp Ba, em Cầm học lớp Tư. Anh Đức học trường CDG nên chỉ có nó và em Cầm chuyển về trường Tiểu học THD, chỉ cách khu cư xá độ mươi phút đi bộ.
Thầy lớp Ba là một người hiền từ và chậm rãi. Nó còn nhớ nhất là mái tóc bạc phơ của thầy, và những khi mấy đứa học trò trai mà phá phách hay không thuộc bài thì thầy thường dạy dỗ bằng một cái thước cao su dẹp khoảng hai bàn tay. Thầy vừa cười từ tốn hỏi lý do, vừa khẻ cái thước đó vào bắp vế chân của tụi nó. Đứa nào bạc phước bị phạt kiểu đó thì cứ đứng bên cạnh bàn của thầy mà lúc lắc thân người, co chân lên xuống vì bị đòn đau. Tuy nhiên thầy rất thương học trò, thầy tận tụy giảng bài, để ý và theo dõi từng đứa một. Ngay cả hai đứa học trò lười và phá phách nhất lớp là thằng Mẫn và Tam Lang, luôn luôn không làm bài, không thuộc bài và chuyên đi ghẹo phá bạn học, thì thầy vẫn thương và kiên nhẫn với tụi nó.
Khi về trường đó, nó đâu biết là đã lọt vào tầm ngắm của hai thằng học trò quỷ quái kia. Một phần là ‘ma mới’, lại là con gái, hiền lành, ngoan, được thầy cưng. Ngồi ở dãy bàn trên, thỉnh thoảng nó bị bắn ‘bì giấy’ vào lưng, lúc quay xuống nhìn thì cả lớp đều ngồi yên,  đâu biết đứa nào làm, đành chịu.
Lúc ra chơi, mỗi khi nó ‘nhảy cò cò’ hay ‘đánh đủa’ với bạn, thỉng thoảng thằng Tam Lang xúi và xô thằng Mẫn té vô người nó, sau đó thì tụi nó bỏ chạy, cho dù bạn nó là Ánh Minh chà dà (cả lớp ưa gọi vậy vì trò này lai đen, tóc quăn tít), cao lớn và rất dữ, đôi khi rượt theo mà đâu có kịp vì bọn nó là ‘thổ công’ ở đó mà.
Rồi một buổi trưa nọ, nó có bổn phận là phải tới sớm quét lớp, trúng ngày một trong hai thằng ‘ma xó’ kia cũng trực quét lớp phía bên con trai. Tuy chỉ cần một đứa nhưng tụi nó luôn đi cặp với nhau. Nó tới sớm và lấy chổi bắt đầu quét dãy bàn học bên phía con gái. Thằng Mẫn cũng đem chổi ra quét, nhưng thay vì quét bui gom vào một chổ thì thằng đó cứ đợi nó đến gần là lấy chổi quét bụi tung vào người nó. Nó cảm thấy rất lo lắng nhưng cố gắng làm tĩnh để hoàn thành công việc của mình. Thằng Tam Lang thấy nó im lặng cứ tránh và cắm cúi làm việc, thì càng lúc càng làm tới, xô thằng Mẫn té đụng vào nó, chưa hết, giật cây chổi nó đang cầm, cuối cùng là giật luôn chiếc dép nó đang mang khỏi chân rồi quăng ra sân. Có lẽ đã đến mức cuối cùng của sự chịu đựng của nó lúc đó và cũng có lẽ là lần đầu mà cũng là lần cuối nó đã phản ứng ngoài sự dự đoán của chính mình và làm hai đứa kia cũng hết hồn luôn, vì khi chiếc dép bị giật khỏi chân làm nó ngã vào chiếc bàn gần đó, thì ‘nước đã tràn bờ’, nó không ngờ ở đâu bổng dưng một sức mạnh khủng khiếp bùng lên trong mình, cho nó sự can đảm và mạnh mẽ, hét lên một tiếng thật lớn và giục cây chổi,  lao cả thân hình nhỏ bé, ốm yếu vào túm thằng Mẫn…thằng kia bị bất ngờ…sau đó nó không còn biết rỏ mình đang làm gì, chỉ biết là cứ lao vào và đánh nhau túi bụi với hai thằng kia, quên cả đau đớn, quên bẳng sợ hải…Đến khi có hai bà công nhân nghĩ trưa trong lớp, nghe tiếng trẻ la hét, đánh đá thì tĩnh dậy và mỗi người ôm một đứa lôi ra khỏi ‘cuộc chiến’ đang diễn ra mãnh liệt ! Một người giữ nó trong tay, vuốt tóc, có lẽ rất xơ xác, và mặt mũi trầy trụa đỏ ao, cùng hơi thở hổn hển vì mệt và khủng hoảng ?! Nó thấy hai đứa kia mặt mày cũng đầy kinh ngạc và hải sợ ? Sự ‘nổi giận’ của ‘lẽ phải’là sức mạnh vạn năng, từ đó đã chấm dứt mọi sự quấy nhiễu, hiếp đáp của bọn kia !
Mỗi khi nhớ lại lần đó nó vẫn còn ngạc nhiên là té ra mình có sự anh dũng như vậy mà sao lúc nào cũng chìm ẩn đâu mất ? Lúc nào cũng chịu đựng và nhẫn nhịn nên đã là nạn nhân thường xuyên của những đứa ‘nhải ranh’ !
Từ cái ngày ‘Quét lớp’ lịch sử đó và sự nổi giận đủ mạnh mẻ để giải thoát mình khỏi sự ‘áp bức’ của hai tên ‘ác ôn’ kia, nó được bình yên để học cho đến lớp Nhất của trường tiểu học quân đội THD ấy. Khi nó lên tới lớp Nhất rồi hai đứa đó vẫn còn tà tà học lớp Ba !
Mỗi khi trong sân nhìn thấy hai tên đó đứng xa xa nhìn mình chơi ‘nhảy cao’ hay ‘u mọi’ thật vui với bạn cùng lớp, trong lòng nó hình như có một cảm giác thương hại, và hiểu tại sao tụi đó cứ ở lại lớp hoài !
Thi vào ‘Đệ thất’
Nó học rất chăm chỉ, cẩn thận nhưng cái kỷ niệm khó nguôi khi thi vào đệ thất để lên trung học nó bị ‘trợt vỏ chuối, cứ còn khắc khoải trong tâm hồn thơ dại… một phần như ông bà mình thường nói :‘học tài thi phận’, mà riêng nó thì đó là một kỷ niệm đau buồn khó quên và cũng khó hiểu, vì nó làm bài xuông xẻ hết. Cho mãi đến khi nó nghe những bạn thi đậu vào trường công lập cho biết đã làm luận văn đề tài ‘Đố vui để học’ ! Nó thầm nghĩ : À ra vậy, hèn chi khi nó làm luận văn, hình như là dài nhất lớp thi hôm đó, vì nó nhớ có xin thêm tờ giấy đôi để viết tiếp’, và ông thầy coi thi, người đi lên đi xuống dòm chừng cả lớp hôm đó đã cho nó tờ giấy, ông ấy đặc biệt cứ thỉnh thoảng đứng sau lưng nó nhìn vào bài nó đang say sưa tả tình, tả cảnh. Nó biết là ông ấy dừng lại chổ nó ngồi và đứng nhìn từ phía sau một vài lần, nét mặt ông ấy hơi kỳ kỳ, nhưng nó tự tin là mình ngay thẳng, đâu có làm gì sai nên không để ý mấy…Tuy đã lâu lắm rồi, ngày xưa ấy nhưng có những điều trong trí nhớ như trang giấy trắng là dấu ấn khó phai nhòa dù cho năm tháng đã xa xôi. Cái nụ cười nhẹ ‘khó hiểu’, vì có lẽ ông thầy coi thi năm ấy đã thấy nó bị lạc đề rồi mà không biết nhắc bằng cách nào, và đồng thời cũng hình như hơi tiếc cho một tài năng non trẻ dại khờ chăng ?!
Nó giữ mãi cái bí mật của bài luận văn ‘thi rớt’ ấy cho tới nhiều năm sau…Có lần khi đủ tự tin để không còn ‘xí hổ’ nó từng tâm sự với một vài người thân, và khi nghe kể, ai cũng không nhịn được ‘cười ra nước mắt’ bởi vì thật xót xa khi biết rằng con nhỏ 10 tuổi năm ấy, đã đặt cược may mắn vào bài luận văn đã dày công thao diễn ký ức để tả thật chi tiết, thật sống động cầu mong làm vừa lòng mấy ông bà giám khảo chấm thi ! Nhưng hởi ôi ! Học tài thi phận, mà cũng là tại cái tâm hồn yêu mến nghệ thuật vô biên giới…đã là nguyên nhân vô tình ‘phản bội’ lại nó. Bởi vì nó đã tả thật ly kỳ từ đầu chí cuối một ‘chương trình văn nghệ’ lã lướt, vui nhộn, thay vì tả chương trình ‘Đố vui để học’ khô khan kia.
Khi đi thi nó không có ý niệm gì về đề tài thích hợp cho lứa tuổi, hoặc đã được định sẵn bởi người lớn mà chỉ nghĩ đơn giản là mình làm luận văn thì tả theo ý thích của mình với cảm xúc trung thật và sống động qua những con chữ hồn nhiên ?!
Cái tâm hồn yêu ‘nghệ thuật’ vô biên giới ấy vẫn theo đuổi nó cho đến về sau, và dường như nó cũng đã quen với những cảm xúc thoải mái, chân thật và tự do, không bị lệ thuộc, đóng khung vào một quy luật nào nhất định. Vì dường như tới một lúc thì sự sáng tạo phải vượt thoát khỏi mọi khuôn khổ để tự đi tìm cái không gian bao la vô tận của cảm xúc, cũng  như sự sống của  tâm hồn một con người không hề bị giới hạn trong thể xác, mà cái thế giới thật sự chính là cái vũ trụ vô cùng và vô biên ngoài kia.

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ