Sunday, March 23, 2014

BỆNH TIỂU ĐƯỜNG (Diabetes mellitus)

Tiểu đường là tiếng Việt ta vẫn thường dùng để chỉ bệnh cao chất đường trong máu. (Xin bạn nhớ luôn tên tiếng Anh, diabetes mellitus; trong nhà thương, họ không dùng tiếng Việt.) Đường lên cao hơn mức bình thường trong máu, nên được thận thải ra theo nước tiểu. Vì vậy trong nước tiểu có chất đường (bình thường nước tiểu không có đường).
Đây là một bệnh quan trọng nhiều người bị, đang có khuynh hướng tăng trên toàn thế giới, nên được y học rất chú ý và không ngừng nghiên cứu. Trung bình, trong 100 người chúng ta, có 1 vị bị tiểu đường. Về lâu về dài, bệnh gây những biến chứng quan trọng ở mắt, thận, thần kinh và mạch máu. Tiểu đường cũng đưa dẫn đến bệnh hẹp tắc các động mạch vành tim (coronary artery disease). Nhiều trường hợp bệnh không gây triệu chứng, nên chúng ta không biết, tình cờ thử máu mới tìm ra bệnh.
Trong loạt bài về bệnh tiểu đường, chúng tôi xin trình bày những kiến thức mới về căn bệnh. 
Đường (carbohydrates) là một trong những chất biến dưỡng căn bản của cơ thể, có trong cơm gạo, bánh mì, các thức ăn ngọt, ... Các chất biến dưỡng căn bản khác là chất đạm (protein), chất mỡ (lipids), sinh tố (vitamins), muối khoáng (minerals).
Gần như mọi tế bào của cơ thể ta đều cần có chất đường để hoạt động. Nhưng muốn sử dụng được chất đường vào những hoạt động cần thiết của mình, các tế bào cần đến một chất gọi là insulin. Insulin giúp đưa chất đường từ máu vào trong các tế bào, và điều hòa lượng đường trong máu để đường trong máu không bao giờ lên quá cao. Insulin tiết bởi tụy tạng (pancreas), một cơ quan nằm ở bụng trên, phía sau bao tử.
Tụy tạng giữ 2 nhiệm vụ: tiết các diếu tố (enzymes) giúp vào sự tiêu hóa, và tiết các chất như insulin, glucagon cần cho sự biến dưỡng của các tế bào. Insulin được tiết bởi các tế bào có tên beta (beta cells) trong tụy tạng. Khi các tế bào beta của tụy tạng không tiết đủ chất insulin cơ thể cần, đường trong máu lên cao, vì không vào được trong các tế bào. Hoặc dù chất insulin có đủ, song vì một lý do nào đó, tế bào không sử dụng được chất insulin để đưa đường vào được bên trong tế bào, đường cũng tăng cao trong máu.
Do thế, tiểu đường được chia thành hai loại: loại 1 (loại thiếu chất insulin trong cơ thể) và loại 2 (loại có insulin trong cơ thể, nhưng tế bào không dùng được insulin). Hai loại tiểu đường này có nhiều điểm khác biệt với nhau. 90% số người bị tiểu đường mang bệnh tiểu đường loại 2.

TIỂU ĐƯỜNG LOẠI 1

Tiểu đường loại 1 xảy ra cho các cháu bé và người trẻ, hay bắt đầu trong khoảng tuổi 4 đến 6 và khoảng tuổi 10 đến 14. Loại tiểu đường này, có lẽ do di truyền, tuy điều này chưa được hiểu rõ. Nếu có bố, mẹ, hay anh chị em ruột mang bệnh tiểu đường loại này, cơ hội để một cháu bé trong gia đình có thể bị bệnh là 5-10%. Nếu có anh em song sinh mang bệnh, nguy cơ sau bị tiểu đường còn cao hơn nữa. Các cháu trai mang bệnh nhiều hơn các cháu gái.
Bệnh gây do sự hủy hoại của các tế bào beta có nhiệm vụ tiết insulin trong tụy tạng. Vì sao các tế bào beta này hư hỏng và không làm việc nữa, điều này còn nằm trong vòng giả thuyết, chưa ai biết rõ. Có thể, vì di truyền, các tế bào beta của tụy tạng đã "yếu" sẵn, rồi sau bị những yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như siêu vi (virus), tấn công, nên hư hoại luôn, không còn khả năng tiết ra insulin.
Triệu chứng
Triệu chứng tiểu đường loại 1 của các cháu bé và người trẻ có thể biểu hiện dưới ba hình thái.
Thường nhất, các cháu đi tiểu nhiều, thấy khát nước luôn nên uống nước nhiều, xuống cân dù ăn nhiều, và trông không còn linh hoạt. Triệu chứng có thể đột ngột, có khi trong vòng vài ngày. Một số cháu chỉ có triệu chứng mơ hồ, như xuống cân, trông có vẻ đờ đẫn, còn việc khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, bố mẹ không để ý vì nhiều cháu còn mang tã. (Chúng ta cần để ý các cháu có đi tiểu đêm nhiều hoặc đái dầm ra giường không, tã hay ướt và cần thay thường không.) Một số cháu nhỏ và cháu gái hay bị nấm vùng bộ phận sinh dục. Đường cao trong máu cũng khiến các cháu nhìn không rõ.
Cũng có cháu trước giờ vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng, nay đột nhiên hôn mê, bị một tình trạng gọi là diabetic ketoacidosis. Khi đưa vào bệnh viện và thử máu, mới thấy đường lên quá cao trong máu. Đo lượng insulin trong máu, thấy chất insulin trong máu rất thấp hoặc không thấy có insulin gì cả. Các cháu dưới 6 tuổi, chưa biết diễn tả nhiều, chưa biết tự đi lấy nước uống, và những cháu trong các gia đình có lợi tức và trình độ học thức thấp, ít để ý đến vấn đề sức khỏe, dễ bị tình trạng này.
Hình thái thứ ba của bệnh tiểu đường loại 1 là hình thái bệnh không gây triệu chứng gì cả, các cháu vẫn khỏe mạnh, và bệnh được tìm ra khi các cháu có dịp đi bác sĩ khám tổng quát. Hình thái bệnh này ít hơn so với hai hình thái bệnh trên.
Định bệnh
Bệnh tiểu đường được định theo tiêu chuẩn của American Diabetes Association (ADA, Hiệp Hội Tiểu Đường Hoa Kỳ), bằng 1 trong 4 cách sau:
- Đường máu đo sau khi nhịn đói ít nhất 8 tiếng cao hơn 125 mg/dl
- Người bệnh có triệu chứng và đường đo lúc không nhịn đói thấy cao trên 200 mg/dl
- Oral glucose tolerance test (OGTT) bất thường: sau khi cho ăn đường glucose 1.75 g/kg (tối đa 75 g), 2 tiếng sau đo đường máu, thấy vẫn cao hơn 200 mg/dl
- Trị số HbA1C (biểu thị lượng đường trung bình trong máu chúng ta trong vòng 3 tháng qua) bằng hay cao hơn 6.5.
Nếu nghi bệnh tiểu đường, chúng ta dùng một trong 4 cách định bệnh trên, và nếu thử lại lần nữa, vẫn bất thường như vậy, người bệnh được xem có bệnh tiểu đường.
Chữa trị
Một khi cháu bé hoặc người trẻ đã được định ra có bệnh tiểu đường loại 1, sự chữa trị là dùng thuốc chích insulin, để thay thế cho chất insulin không có đủ trong cơ thể. Thuốc uống không chữa được bệnh tiểu đường loại 1.

TIỂU ĐƯỜNG LOẠI 2 (Diabetes mellitus type 2)

Bệnh Tiểu đường loại 2, hay xuất hiện ở người lớn nặng cân.
Xin ôn lại một chút, đường (carbohydrates) là một trong những chất biến dưỡng căn bản của cơ thể, có trong cơm gạo, bánh mì, thức ăn ngọt, ..., các chất biến dưỡng căn bản khác là chất đạm (protein), chất mỡ (lipids), sinh tố (vitamins), muối khoáng (minerals).
Gần như mọi tế bào của cơ thể ta đều cần có chất đường để hoạt động. Nhưng muốn sử dụng được chất đường vào những hoạt động cần thiết của mình, các tế bào cần đến insulin. Insulin giúp đưa đường từ máu vào trong các tế bào, và điều hòa lượng đường trong máu để đường trong máu không bao giờ lên quá cao.Insulin tiết bởi các tế bào beta trong tụy tạng (pancreas), một cơ quan nằm ở bụng trên, phía sau bao tử. Khi các tế bào beta này của tụy tạng không tiết đủ chất insulin, đường trong máu lên cao, vì không thể vào trong các tế bào. Hoặc dù chất insulin có đủ, song vì một lý do nào đó, tế bào không sử dụng được chất insulin, đường cũng tăng cao trong máu.
Do thế, tiểu đường được chia thành hai loại: loại 1 (loại thiếu chất insulin trong cơ thể) và loại 2 (loại có insulin trong cơ thể, nhưng tế bào không dùng được insulin). 90% số người tiểu đường mang bệnh tiểu đường loại 2.

Cơ chế
Tiểu đường loại 2 thường xảy ra ở người trên tuổi 40, song gần đây, cũng xuất hiện không ít ở trẻ con và người trẻ, vì ngày càng nhiều trẻ con và người trẻ béo mập hơn trước.
Tại Mỹ, có khoảng 14 triệu người bị tiểu đường loại 2. Thêm vào đấy, có thể 8 triệu người khác mang bệnh nhưng không biết mình đang mang bệnh.
80% số người bị tiểu đường loại 2 béo mập (obese) hoặc nặng cân hơn bình thường (overweight). Khi đo lượng insulin trong máu những người nặng cân và bị tiểu đường, người ta thấy insulin trong máu bình thường, hoặc có khi còn cao hơn bình thường.
Có đủ insulin trong người, mà vẫn bị tiểu đường? Chỉ vì, muốn dùng được insulin, trên mặt các tế bào phải có đủ những chỗ tiếp nhận insulin, gọi là “insulin receptors”. Trên mặt các tế bào mỡ của những vị bị tiểu đường loại 2 không có đủ những chỗ tiếp nhận hầu insulin có thể bám vào để tác động, đưa đường từ ngoài máu vào bên trong tế bào. Nên cơ chế chính gây tiểu đường loại 2 ở những vị béo mập là do các tế bào mỡ thiếu những chỗ tiếp nhận insulin, và sự chữa trị hàng đầu là xuống cân.
Sự di truyền trong trường hợp tiểu đường loại 2 còn mạnh hơn loại 1. Nếu có anh em sinh đôi bị tiểu đường loại 2, người kia trước sau gì cũng bị tiểu đường cùng loại. Nếu có bố mẹ bị tiểu đường loại này, gần như 1/3 con cái sinh ra sau này cũng bị tiểu đường, hoặc có những thử máu bất thường.
Một vài loại thuốc có tác dụng chống lại tác dụng của insulin (thuốc chứa chất steroid như Prednisone), hoặc ngăn cản sự tiết insulin từ tụy tạng (thuốc cao áp huyết như Tenormin, Inderal, các thuốc lợi tiểu thiazide diuretics, thuốc chữa kinh phong Dilantin, ...) cũng có thể bất ngờ làm đường tăng cao trong máu. Khi đi khám bác sĩ, bao giờ cũng vậy, bạn  nhớ đem tất cả các thuốc dùng ở nhà đến cho bác sĩ xem.
Ai dễ bị tiểu đường loại 2?
Từ tuổi 45 trở đi, tiểu đường loại 2 dễ xuất hiện. Đấy là với người Mỹ trắng, với những người thuộc các thành phần sau (kể cả người Mỹ da vàng chúng ta), tiểu đường loại 2 có thể đến sớm hơn:
- Người béo mập (sức nặng 20% trên sức nặng lý tưởng).
- Có bố, mẹ, anh, chị, em ruột mang bệnh tiểu đường.
- Người Á đông, da đen, da đỏ, và người gốc Hispanic.
- Bị tiểu đường lúc mang thai.
- Có cao áp huyết (áp huyết 140/90 trở lên).
- Thực phẩm nhiều thịt đỏ (heo, bò, trừu), mỡ màng. Ngược lại, thực phẩm nhiều rau, trái cây, cá, gà vịt có thể giúp ngừa bệnh tiểu đường.
- Đời sống ít thể dục thể thao. 
- Hút thuốc lá.
Trong các yếu tố kể trên, béo mập được xem là yếu tố quan trọng nhất.
 Triệu chứng
Nhiều trường hợp bệnh tiểu đường loại 2, giống bệnh cao áp huyết, lặng lẽ tàn phá cơ thể ta, không gây triệu chứng khiến ta chú ý. Nhiều vị tình cờ thử máu, khi đi khám bác sĩ hay mua bảo hiểm sức khỏe, giật mình thấy đường trong máu mình sao cao thế.
Triệu chứng do căn bệnh nếu có, cũng từ từ, không đột ngột như trong trường hợp tiểu đường loại 1. Người bệnh đi tiểu hoài, cả ban đêm, uống nước luôn vì thấy khát quá, ăn không ngơi do thấy ngon miệng. Có vị xuống cân, mệt mỏi. Một khi triệu chứng xuất hiện, thường, tiểu đường đến đã vài năm.
Định bệnh
Cũng như tiểu đường loại 1, bệnh tiểu đường loại 2 được định theo tiêu chuẩn của American Diabetes Association (ADA, Hiệp Hội Tiểu Đường Hoa Kỳ), bằng 1 trong 4 cách sau:
- Đường máu đo sau khi nhịn đói ít nhất 8 tiếng cao hơn 125 mg/dl
- Người bệnh có triệu chứng của tiểu đường và đường máu đo lúc không nhịn đói thấy cao trên 200 mg/dl
- Oral glucose tolerance test (OGTT) bất thường: sau khi cho ăn đường glucose 1.75 g/kg (tối đa 75 g), 2 tiếng sau đo đường máu, thấy vẫn cao hơn 200 mg/dl
- Trị số HbA1C (biểu thị lượng đường trung bình trong máu chúng ta trong vòng 3 tháng qua) bằng hay cao hơn 6.5.
Nếu nghi bệnh tiểu đường, chúng ta dùng một trong 4 cách định bệnh trên, và nếu thử lại lần nữa, vẫn bất thường như vậy, người bệnh được xem có bệnh tiểu đường.

BIẾN CHỨNG  CỦA TIỂU ĐƯỜNG

Chúng ta cần biết các biến chứng (complications) của bệnh tiểu đường.
Tiểu đường gây nhiều biến chứng. Có biến chứng cấp thời, đe dọa tính mạng, có những biến chứng xa, làm giảm tuổi thọ, làm ta thấy đời kém vui. Bệnh xảy ra càng sớm, càng gây nhiều biến chứng.
 Biến chứng cấp thời
 1. Hôn mê do đường máu lên quá cao:
Đường trong máu lên cao quá có thể gây hôn mê, nguy đến tính mạng.
Hôn mê do đường máu quá cao hay xảy ra ở người tiểu đường loại 1, khi họ quên chích insulin. Hôn mê có khi cũng xảy ra khi người bệnh gặp những căng thẳng về tinh thần (buồn bực, âu lo) hay thể chất (bị bệnh nhiễm trùng, sau khi giải phẫu, ...), dù vẫn đang dùng thuốc chích insulin đều mỗi ngày. Hôn mê do đường máu lên quá cao được báo hiệu bằng các triệu chứng tiêu hóa: ăn không ngon miệng, buồn nôn, ói mửa, đau bụng, đi tiểu nhiều. Người bệnh cần được nhập viện ngay để chữa trị, nếu không, sẽ đâm mất sáng suốt rồi đi dần vào hôm mê. Khi thử máu, thường thấy đường máu cao đến 500 mg/dl.
Người tiểu đường loại 2 cũng có khi bị hôn mê khi đường máu lên quá cao (thường 1.000 mg/dl), tuy theo một cơ chế khác.
2. Hôn mê do đường máu xuống quá thấp:
Đường máu xuống quá thấp cũng gây hôn mê. Đường xuống thấp do ta dùng thuốc, nhưng có hôm vui quá, quên cả ăn, hoặc có hôm hăng quá, vận động hơi nhiều. Có khi đường xuống thấp chẳng vì lý do nào rõ rệt.
Nếu đường xuống thấp ban ngày, ta thấy đói lắm, đến toát mồ hôi, run cả tay chân, nóng nảy, nổi quạu. Đường xuống thấp ban đêm, có khi không gây triệu chứng, có khi khiến ta gặp ác mộng, toát mồ hôi, hoặc bị nhức đầu buổi sáng lúc mới thức. Rủi đường xuống thấp thêm nữa, đầu óc ta bắt đầu mất sáng suốt, có những hành vi khác thường, và rồi hôn mê, hoặc giật kinh phong.
Sự chữa trị cần khẩn cấp. Nếu còn tỉnh, hãy dùng ngay bất cứ thứ gì có đường: kẹo, các thức uống ngọt. Nếu không còn tỉnh, trong môi trường nhà thương, bác sĩ sẽ truyền ngay vào tĩnh mạch cho ta một ống thuốc chứa nước đường. Vị nào đường máu hay xuống thấp, nên trữ sẵn ở nhà thuốc chích glucagon. Khi chưa kịp gọi 911, một mũi thuốc chích glucagon 1 mg thường rất được việc, giúp ta qua cơn nguy khốn. (Glucagon là chất có tác dụng ngược với insulin, làm đường tăng lên trong máu).
Các biến chứng xa
Có người may mắn không bao giờ bị những biến chứng xa, về lâu về dài của tiểu đường, ngược lại có vị bị, và nhiều biến chứng xảy ra cùng lúc. Nói chung, các biến chứng thường xảy ra 15-20 năm sau khi bệnh được định ra.
1. Biến chứng tim mạch:
Tiểu đường hay làm hư hoại các mạch máu, đưa đến bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau. Nếu bệnh làm hư hoại những mạch máu ngoại biên dẫn máu đến nuôi chân, các mạch máu này tắc nghẽn, gây chứng đau các bắp thịt chân khi đi đứng, chứng hoại thư (gangrene) bàn chân. Nếu bệnh làm hỏng mạch máu dẫn máu đến cơ quan sinh dục, sẽ gây chứng bất lực ở đàn ông.
Hậu quả hẹp tắc các động mạch vành tim (coronary artery disease) và tai biến mạch máu não (stroke) cũng hay xảy ra. Bệnh hẹp tắc các động mạch vành timdẫn máu đến nuôi tim có thể đưa đến chết cơ tim cấp tính (hay được gọi nôm na “heart attack”). Thường chết cơ tim cấp tính gây đau ngực dữ dội, song, người tiểu đường có khi không cảm thấy đau vì những thần kinh dẫn truyền cảm giác từ tim cũng đã hư hoại mất rồi. Sự định bệnh chết cơ tim cấp tính ở người tiểu đường khó khăn hơn ở người không mang bệnh tiểu đường. Tiểu đường còn có thể làm viêm cơ tim, gây suy tim.
Bạn biết rồi, thuốc lá, cao áp-huyết cũng gây bệnh hẹp tắc động mạch tim. Thuốc lá làm nghẽn luôn các mạch máu ngoại biên. Người tiểu đường, đã có sẵn những hư hoại gây do tiểu đường, tuyệt đối nên giã từ thuốc lá. Nếu người tiểu đường cũng có cao áp huyết, việc chữa trị bệnh cao áp-huyết cần sớm và mạnh.Tiểu đường và cao áp huyết lại hay đi đôi với nhau. Thuốc chữa cao áp huyết nhiều loại. Có loại làm đường cao thêm trong máu, do ngăn cản sự tiết insulin từ tụy tạng. Có loại làm mỡ trong máu (cholesterol, triglycerides) lên cao. Thường bác sĩ sẽ tránh dùng những loại thuốc này cho bạn, nếu bạn vừa cao áp huyết, vừa bị tiểu đường.
2. Biến chứng ở mắt:
Mắt giống một máy ảnh, giúp ta nhìn thấy các hình ảnh của thế giới bên ngoài. Trong mắt có một màng lót nằm ở phía sau gọi là võng mạc (retina), hoạt động như phim của máy ảnh. Võng mạc nối liền với thần kinh thị giác. Các hình ảnh khi vào mắt, chiếu lên võng mạc. Võng mạc thu nhận các hình ảnh, và thần kinh thị giác biến những hình ảnh này thành những tín hiệu truyền về óc. Nếu phim trong máy ảnh xấu, hư, ảnh rửa ra tất nhòa, không rõ. Tương tự như vậy, nếu võng mạc bị hư hoại, các hình ảnh thu nhận trên võng mạc bị mờ. Thần kinh thị giác dù tốt, cũng chỉ trung thực truyền những tín hiệu mờ trên võng mạch về óc, và kết quả là ta không nhìn thấy rõ. Khi võng mạc hư hoại nhiều quá, ta bị mù. Ở Mỹ, xứ không có chiến tranh và ít các bệnh nhiễm trùng mắt nguy hiểm, tiểu đường là nguyên nhân dẫn đầu gây mù lòa. Khám đáy mắt có thể thấy những tổn thương do tiểu đường gây trên võng mạc.
Biến chứng hư hoại võng mạc mắt tùy thuộc vào tuổi của người bệnh lúc mới bị tiểu đường, cũng như thời gian mang bệnh. Càng sớm bị, thời gian mang bệnh càng lâu, càng nguy. Khoảng 85% người tiểu đường sau sẽ có biến chứng tổn thương võng mạc. Tổn thương võng mạc do tiểu đường có cách chữa: bắn tiaLaser đốt những vết thương trên võng mạc (photocoagulation). Bị tiểu đường, nên đi khám bác sĩ mắt hàng năm.
Ngoài hư hoại võng mạc, tiểu đường còn gây bệnh tăng áp suất trong mắt (glaucoma), đục thủy tinh thể (cataract). Dù các biến chứng vừa kể không xảy ra, khi đường lên cao, mắt cũng hay mờ.
Mang bệnh tiểu đường, chúng ta nên đi khám mắt hàng năm, và thường xuyên thay kính; kính quan trọng ở người tiểu đường, vì giúp mắt nhìn rõ hơn trong việc tự săn sóc cho mình hàng ngày (lấy thuốc uống, chích insulin, tự khám bàn chân mỗi ngày, ...). (Các vị có Medi-Medi nay phải gia nhập các tổ hợp y tế như Eassy Choice, Central Health, Health Net mới đi khám mắt làm kính được.)
3. Biến chứng suy thận:
Ở Mỹ, khoảng nửa số người suy thận là do tiểu đường. Suy thận là nguyên nhân dẫn đầu gây tử vong và tàn tật cho những vị bị tiểu đường.
Suy thận thường xảy ra 12 năm sau khi tiểu đường bắt đầu xuất hiện. Bệnh thận càng tiến triển mau lẹ nếu có cao áp huyết đi cùng. Suy thận ở giai đoạn cuối cần lọc thận hay thay thận. Chữa trị tiểu đường cẩn thận có thể làm chậm tiến triển của suy thận. Bị thêm cao áp huyết, cao áp huyết cần được kiểm soát chặt chẽ. Một số thuốc chữa cao áp huyết có thêm tác dụng làm giảm sự tiến triển của bệnh thận gây do tiểu đường.
Nhiễm trùng đường tiểu (urinary tract infection) làm thận người tiểu đường suy nhanh hơn, nên nếu xảy ra, cần được chữa trị tới nơi tới chốn. Một vấn đề nữa: các thuốc có thể hại cho thận, như những thuốc chống đau nhức Advil, Ibuprofen, Motrin, Naprosyn, ..., nên tránh dùng nếu không thực sự cần thiết.
4. Tổn thương ở hệ thần kinh:
Tiểu đường còn làm thương tổn hệ thần kinh ở khắp nơi trong cơ thể, có lẽ chỉ trừ trên óc. Các tổn thương tuy không thực sự nguy hiểm, nhưng khiến ta khó chịu:
- Khi các thần kinh nhỏ ở tay, chân tổn thương, sẽ gây tê, đau ở tay hay chân, thường là cả hai bên. Cái đau như điện giật, cảm thấy sâu trong xương, nặng hơn về đêm.
Sự chữa đau không dễ. Đầu tiên, chúng ta nỗ lực đưa đường máu xuống mức bình thường. Nếu không ăn thua, dùng các thuốc như Elavil, Tegretol, Neurontin, Lyrica có thể giúp giảm đau. Những thuốc này có tác dụng xoa dịu những cái đau gây do thần kinh. Với những cơn đau dữ dội, có khi phải cần đến thuốc giảm đau mạnh chứa chất nha phiến.
Người tiểu đường cũng có thể bất ngờ liệt bàn chân, bàn tay, không nhấc bàn chân, bàn tay lên được, hoặc mắt tự nhiên lé. Những biến chứng này từ từ sẽ bớt. 
- Khi các thần kinh tự động (autonomic nervous system) điều khiển sự hoạt động của các cơ quan bên trong cơ thể bị tổn thương, nhiều triệu chứng xảy ra. Thường nhất là các triệu chứng tiêu hoá: khó nuốt, đầy hơi sau khi ăn, bón hoặc tiêu chảy. Tiêu chảy hay xảy ra về đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ. May thay, các thuốc cầm tiêu chảy thường dùng có thể kiểm soát được tiêu chảy do tiểu đường. Với tiểu đường, bệnh dội ngược bao tử - thực quản (gastro-esophageal reflux, các thức trong bao tử dội ngược lên thực quản sau khi ăn) cũng hay xảy ra.
Bình thường, khi ta đứng lên ngồi xuống, hệ thần kinh tự động nhanh chóng điều chỉnh hệ thống tim mạch, để áp huyết luôn ở trạng thái cân bằng, và lúc nào cũng có đủ máu lên óc ta. Khi hệ thần kinh tự động đã hư hoại vì tiểu đường, cơ chế điều chỉnh áp huyết bị xáo trộn. Đang nằm hoặc ngồi mà đột ngột đứng lên, áp huyết hay bất ngờ hạ thấp, khiến người bệnh thấy chóng mặt, có khi ngất xỉu. Trường hợp này, người bệnh được khuyên nằm ngủ với đầu giường nâng cao (bằng cách chèn gỗ hoặc vật cứng dưới đầu giường). Người bệnh cũng nên tránh đứng dậy nhanh buổi sáng lúc mới thức. Ngược lại, nên ngồi dậy chầm chậm, và ngồi ở cạnh giường một lát trước khi đi lại. Các vớ chân đặc biệt (giúp máu từ chân về tim nhiều hơn) cũng giúp làm giảm triệu chứng. Khi hệ thần kinh tự động hư hoại, bọng đái hay làm việc bất thường, gây khó tiểu hoặc không kiểm soát được nước tiểu.
5. Các vết loét và nhiễm trùng ở chân:
Một trong những biến chứng quan trọng khác của tiểu đường là những vết loét ở chân và bàn chân. Tiểu đường làm hư hoại các dây thần kinh cảm giác ngoại biên, nên chân người tiểu đường ít, hoặc không cảm thấy đau khi bị vật lạ đâm vào. Chân dễ thương tổn, do người bệnh không cảm thấy đau nên không để ý, tìm cách tránh né các vật làm hại. Giầy không vừa chân cũng hay làm bỏng phồng, trầy lở da chân, gây các vết loét. Phần khác, như ta đã biết, tiểu đường làm hỏng các mạch máu ngoại biên dẫn máu đến nuôi chân và bàn chân. Các vết loét vì thế lâu lành và hay bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng nếu nặng, có thể đưa đến cưa bàn chân hay chân.
Những phương cách sau được xem là hữu hiệu để ngừa các vết loét và nhiễm trùng bàn chân khi bị tiểu đường: mỗi ngày bạn nên tự thăm khám chân, bàn chân và để ý những dấu chứng:
- Sưng, đỏ, đau, có mủ, có đường đỏ chạy dài từ bàn chân lên chân.
- Các chỗ da chai cứng (corns, calluses): da dưới những chỗ này hay bị thương tổn.
- Móng chân dài quá, cần cắt ngắn bớt.
- Những vùng đau ở chân gây do giầy chật. Những vùng hay bị sót, thường không được để ý kỹ là vùng gót chân và giữa các ngón chân.
Nếu mắt bạn kém, nhìn không rõ, bạn có thể nhờ người nhà xem xét bàn chân hộ. Đồng thời, nhờ bác sĩ khám chân cho bạn ít nhất mỗi năm 1 lần.
Mỗi ngày bạn rửa chân với xà-bông nhẹ và nước ấm, sau đó dùng lotion chống khô da thoa chân giúp da chân khỏi khô (da khô dễ tổn thương và nhiễm trùng).Bạn tránh dùng nước nóng, và nhớ dùng tay thử trước, xem nước nóng đến mức độ nào trước khi nhúng chân vào bồn tắm. Đừng đi chân đất bạn ạ, dù ở nhà, và nên đi giầy thật vừa vặn hầu tránh bị trầy lở chân, hoặc có những chỗ chai cứng gây do giầy. Bạn nhớ bỏ giầy ra ít nhất 1 lần mỗi ngày. Khi mang giầy mới, những ngày đầu, bạn chỉ nên mang giầy tối đa 1 tiếng mỗi ngày để khỏi phồng da chân. Có nhiều loại giầy được chế tạo đặc biệt để bảo vệ chân, tốt cho chân của người tiểu đường. Nếu không, bạn có thể dùng các giầy thể thao cũng tốt. Trước khi xỏ chân vào giầy, bạn nhớ xem xét cẩn thận, tìm các vật lạ trong giầy có thể làm thương tổn chân bạn. Vớ nên thay mỗi ngày. Dùng những loại vớ đặc biệt giúp tránh phồng da càng tốt. Khi cắt móng chân, bạn nên cắt ngang các móng chân, thay vì cắt vanh tròn. Cắt vanh tròn theo ngón chân dễ phạm phải thịt.
Với bệnh tiểu đường, có nhiều vấn đề về bàn chân chúng ta phải cần đến podiatrist (bác sĩ chuyên săn sóc bàn chân). Podiatrist giúp cắt bỏ các chỗ da bàn chân dầy cứng, những móng chân mọc bất thường, đâm sâu vào thịt. (Các vị có Medi-Medi nay phải gia nhập các tổ hợp y tế như Eassy Choice, Central Health, Health Net mới đi khám podiatrist được.)
6. Các biến chứng nhiễm trùng khác:
Ngoài những nhiễm trùng ở chân, người tiểu đường cũng dễ bị nhiễm trùng ở những nơi khác trong cơ thể, vì sức kháng cự của cơ thể giảm. Một vài bệnh nhiễm trùng, do vi trùng hay nấm, ít xảy ra ở người bình thường, hay xảy ra nơi người tiểu đường. Chẳng hạn, bệnh lao, bệnh nấm âm đạo (gây ngứa âm đạo), bệnh viêm tai ngoài rất nguy hiểm do vi trùng Pseudomonas.
Như ta thấy, bệnh tiểu đường đưa đến nhiều biến chứng quan trọng. Sự chữa trị ngoài mục đích làm giảm các triệu chứng do tiểu đường gây ra (mệt mỏi, xuống cân, tiểu nhiều, tiểu đêm, khát nước, ...), còn nhắm ngăn ngừa các biến chứng.


PHÒNG BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

Bệnh tiểu đường thực sự nguy hiểm vì khó phát hiện, vì vậy nếu bạn đọc bài viết này hãy lưu ý các mục sau để phòng tránh bệnh tiểu đường, phòng bệnh tiểu đường hơn chữa bệnh tiểu đường.

 

Giảm cân

Bệnh tiểu đường có tỉ lệ xuất hiện ở người béo cao hơn, do đó, giảm cân cũng chính là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh tiểu đường. Theo nghiên cứu của chương trình Ngăn ngừa bệnh tiểu đường quốc gia Mỹ, bệnh tiểu đường sẽ phát triển chậm để dễ điều trị hơn nếu bệnh nhân giảm được 5-7% trọng lượng của cơ thể. Giảm cân và hoạt động thể thao thường xuyên cũng giúp cơ thể có khả năng sản xuất insulin cao hơn – nguyên nhân chính để không mắc bệnh tiểu đường.

Chế độ ăn uống phù hợp

Bạn hãy chọn thực phẩm ít chất béo, đường và natri, thức uống nên chọn những đồ uống ít calorie. Bạn hãy thay thế các thực phẩm làm từ gạo trắng bằng ngũ cốc hoặc gạo lứt, nếu điều kiện không cho phép, hãy cố gắng ăn ít các chất trên.

Bỏ thuốc lá và các chất kích thích

Thuốc lá và các chất kích thích bao giờ cũng là một phần nguyên nhân làm tăng các loại bệnh. Thuốc là và các chất kích thích tác động trực tiếp vào phổi, thẩm thấu vào máu gây rối loạn cân bằng cơ thể tự nhiên. Bạn hãy bỏ dần những thói quen này để cuộc sống lành mạnh, tốt hơn.

Kiểm tra huyết áp, cholesterol và máu thường xuyên

Bệnh nhân tiểu đường typ 2 thường bị cao huyết áp và lượng cholesterol cao. Hiệp hội tiểu đường Mỹ khuyên bạn nên duy trì huyết áp ở mức thấp hơn 130/80mmHg để ngăn ngừa các bệnh đi kèm bệnh tiểu đường.
Kiểm tra máu thường xuyên là cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, nhất là typ 2. Bạn hãy tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng một lần để phát hiện sớm bệnh tiểu đường và cả các bệnh khác, điều trị bệnh tiểu đường sớm bao giờ cũng tốt và dễ hơn.

Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường

Trong bệnh tiểu đường týp 1, vì các tế bào beta tuyến tụy bị huỷ hoại (thông qua cơ chế rối loạn đáp ứng miễn dịch được gọi là tự miễn) nên không tiết ra insulin được, cần phải điều trị bằng insulin – một protein gồm 51 axít amin phân làm hai chuỗi polypeptide (chuỗi A gồm 21 axít amin, chuỗi B gồm 30 axít amin) được nối với nhau bởi hai liên kết dusulfid. Trong bệnh tiểu đường týp 2, hiện tượng thiếu chất insulin do ba bất thường: giảm tiết insulin, kháng insulin (vì giảm tác động của insulin lên các tế bào mô đích, nhất là các tế bào cơ) và tăng sản xuất glucose từ gan. Do đó, chữa trị bệnh tiểu đường phải dùng các nhóm thuốc hạ đường huyết loại uống như sau:
Làm cho cơ thể tăng sản xuất chất insulin: dùng thuốc trị bệnh tiểu đường có nhóm sulfonylure (glibenclamid, glicazid, glimepirid) và nhóm glitinid (repaglinid, nateglinid).
Làm giảm tình trạng kháng insulin: dùng thuốc tiểu đường có nhóm biguanid (chỉ có metformin) và nhóm thiazolidinedion (TZD, gồm hai thuốc rosiglitazon – đã bị cấm – và pioglitazon).
Ngăn ngừa hiện tượng hấp thu carbohydrat ở ruột: có nhóm thuốc tiểu đường làm ức chế men alpha-glucosidase như acarbose, voglibose, miglitol.
Ngoài những loại thuốc trị bệnh tiểu đường kể trên, gần đây xuất hiện những loiaj thuốc mới như thuốc tăng cường hoặc bắt chước incretin (exenatid), thuốc ức chế enzym DPP-4 (sitagliptin, vildagliptin).

12 Bí quyết để điều trị bệnh tiểu đường

Để điều trị bệnh tiểu đường một cách tự nhiên, bạn phải giảm sử dụng đường, fructozo , bánh mỳ trắng, và các loại đồ ngọt như bánh ngọt, nước ngọt, kẹo... Bệnh tiểu đường cũng có thể được chữa trị mà không cần sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Có rất nhiều phương pháp tự nhiên khác nhau để đề phòng bệnh tiểu đường mà không cần tới sự trợ giúp của bất kỳ dược phẩm nào, bao gồm:
1. Nước ép của các loại rau quả như chanh hoặc bầu, quả roi, cà chua, cà rốt, cải bắp, rau bi-na, dưa chuột và đậu tây, giúp giảm độ đường huyết rất tốt vì chúng có đặc tính chống tiểu đường.
2. Sử dụng quế ngâm giảm độ đường huyết và do đó sẽ phòng ngừa được tiểu đường.
3. Sử dụng tỏi sống hàng ngày cũng giúp kiểm soát độ đường huyết đến một mức độ nào đó.
4. Bạn cũng có thể ăn sô-cô-la đen có chứa hàn lượng ca cao lớn vì chúng có các chất chống oxi hóa. Cố gắng tránh sô-cô-la sữa.
5. Tập thể dục thường xuyên và tập Yoga, ngồi thiền cũng đã chứng minh có nhiều lợi ích cho bệnh nhân tiểu đường vì tập thể dục có thể tăng cường tuần hoàn máu và giảm độ đường huyết trong khi Yoga và ngồi thiền giúp chống lại stress. Yoga cũng là một trong những bài tập rất có tác dụng giúp các gia đình tránh xa bệnh hiếm muộn
6. Các thực phẩm đa dinh dưỡng như quả hạch nên được thêm vào trong chế độ ăn hàng ngày vì chúng có rất nhiều magiê. Tuy nhiên đừng nên ăn quá nhiều.
7. Bằng cách tạo lập thói quen ăn uống phù hợp cùng với tập thể dục thể thao đều đặn, bạn có thể đảo ngược được căn bệnh. Nhai thức ăn một cách thích hợp ít nhất 15 lần để kiểm soát căn bệnh. Bạn nên có một chế độ dinh dưỡng cân bằng phù hợp, không bỏ bữa. Ăn từ 5 – 6 bữa nhỏ mỗi ngày và bao gồm một số thành phần protein trong các bữa ăn để duy trì cơ bắp và năng lượng. Cũng nên sử dụng các viên vitamin chất lượng cao và viên bổ sung chất khoáng.
8. Thực hiện các bài tập rèn luyện sức mạnh cơ bắp. Các bài tập tăng sức khỏe cho tim như đi bộ, đạp xe, leo cầu thang... giúp bạn giảm cân và đốt mỡ.
9. Bơi lội là một môn thể thao rất tốt cho người bị tiểu đường.
10. Các loại thực phẩm xanh như lúa mạch, cỏ linh lăng... cũng giúp điều trị căn bệnh.
11. Tinh dầu chuối hoặc trà chuối giúp điều trị tiểu đường rất tốt.
12. Ngủ ít nhất 7-8 tiếng mỗi ngày giúp giảm stress và rất có lợi cho người bị tiểu đường.


Bệnh tiểu đường và cách chữa trị bằng dầu dừa

Nguồn : ‘Coconut Cure’/Dr.Bruce
Tiểu đường là một bệnh gây nguy cơ lớn cho tim vì máu kém lưu thông và có khuynh hướng phát triển xơ vữa động mạch. Từng tế bào trong cơ thể cần sự tiếp tế không ngừng của đường glucose hay acid béo để cung cấp năng lượng cho sự chuyển hóa và nuôi dưỡng các tế bào. Nếu các tế bàokhông có đủ glucose thì sẽ suy yếu đi và chết. Khi tế bào chết, mao quản và mạch máu xuống cấp và xơ vữa động mạch hình thành. Nội tiết tố insulin quan trọng vì nó đem glucose và acid béo trong máu đến các tế bào. Không có insulin, glucose không thể vào trong tế bào được. Tế bào của người bị bệnh tiểu đường không thể nhận đủ dinh dưỡng cần thiết cho chúng.

Có hai loại tiểu đường. Loại 1 xảy ra khi tuyến tụy không thể cung cấp đủ insulin cho nhu cầu của cơ thể. Loại 2 tuyến tụy có thể cung cấpmột lượng insulin bình thường, nhưng các tế bào không đáp ứng với insulin. Điều này gọi là đề kháng insulin.

Trong cả hai loại tiểu đường, các tế bào bị cướp đi các chất dinh dưỡng. Thiếu dinh dưỡng nên tế bào suy yếu và chết, mạch máu thoái hóa gây vấn đề cho lưu thông máu. Mạch vành bị thương tổn nên phát triển xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ - hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong của bệnh tiểu đường. Tổn thương đến mao quản nuôi dây thần kinh sẽ hủy hoại dây thần kinh. Bệnh đau thần kinh do tiểu đường thường ảnh hưởng đến chân và bàn chân, gây tê và đau nhức, nếu không điều trị, sẽ bị viêm loét và hoại tử. Máu không lưu thông đến mắt đủ để nuôi dưỡng mắt dẫn đến mù lòa; không đủ cho thận, sẽ làm suy thận.

Dầu dừa là thức ăn tốt nhất cho ngưởi tiễu đường

Bác sĩ khuyến cáo người tiểu đường chỉ nên ăn ít chất béo, vì chất béo được cho rằng gây béo phì và bệnh tim, cả hai bệnh này có quan hệ với bệnh tiểu đường.  Nhưng dầu dừa lại là một trong những thức ăn tốt nhất cho người tiểu đường.

Glucose cũng như acid béo chuỗi dài cần insulin để đi vào trong tế bào. Acid béo chuỗi trung bình (ABctb) trong dầu dừa không cần insulin cũng có thể đi qua màng tế bào cách dễ dàng.
ABctb cũng tự thấm qua thể hạt sợi (mitochrondia) nữa. Mitochrondia là cơ quan sản xuất năng lượng của tế bào, chúng nhận glucose hay acid béo rồi chuyển thành năng lượng mà tế bào cần để thi hành tiến trình chuyển hóa vàduy trì sự sống của tế bào. Mitochrondia có hai màng làm cho glucose và acid béo khó đi vào nếu không có sự trợ giúp đặc biệt của chất chuyên chở gọi là carnitine transferase. ABctb có thể thấm qua màng mitochrondia mà không cần sự trợ giúp của enzyme này.

Vì vậy ABctb cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào dù có insulin hay không. Khi bạn ăn dầu dừa, bạn làm cho tế bào được tăng năng lượng. Nếu tuyến tụy không sản xuất đủ insulin (tiểu đường loại 1), hay nếu tế bào đề kháng insulin (tiểu đường loại 2), không thành vấn đề. ABctb vẫn có thể nuôi tế bào. Việc này giữ cho mao quản và mạch máu khỏemạnh, sống động, và giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch. Vì vậy dầu dừa làm tăng lưu thông máu và tăng sức khỏe tim mạch cho người bị tiểu đường.


Vài dẫn chứng cụ thề của Bác Sĩ  B.Fife

*Sau khi xuất bản cuốn “The Coconut Oil Micracle” (Dầu Dừa Kỳ Diệu), tôi nhận được điện thoại của ông Bill S. ở California. Ông bị bệnh tiểu đường. Ông gọi để cám ơn tôi đã giới thiệu dầu dừa cho ông. Ôngđọc sách và thử uống dầu dừa. Ông nói rằng vì máu huyết kém lưu thông do tiểu đường, hầu như ông đã không còn cảm giác ở chân nữa. Trongnhiều tháng ông thấy chân ông như đã chết, giọng ông trở nên xúc độnghơn  “Khi tôi bắt đầu uống dầu dừa, tôi thấy sự sống trở lại nơi hai chân.” Sự lưu thông máu của ông đã tăng cường tới mức hai chân ôngdần dần trở lại bình thường 

*Từ đó tôi nghe nhiều tường trình kể lại kinh nghiệm tương tự như vậy.

Edward kể: “Tôi bị tiểu đường loại 2, đường của tôi ở mức 600. Tôi bị một vết cắt nhỏ ở bàn chân phải cả mấy tháng nay mà vẫn chưa khỏi. Vợ tôi nói đó là vết thương đáng sợ. Sáu năm trước tôi bắt đầu bị tê chân, ngón chân cái tê trước, và theo năm tháng, chân càng ngày càngtê nhiều hơn. Khi tôi uống 3-4 muỗng canh dầu dừa mỗi ngày, trong vòng10 ngày, vết thương khỏi hoàn toàn. Tôi mừng lắm vì bây giờ chân tôi có cảm giác trở lại, ngày càng khá hơn. Sau này ông kể thêm: “Trongvòng 5 tuần, tôi sụt 20 pounds. Tôi muốn giảm cân thêm nữa. Da tôi đẹp ra, chưa bao giờ được như vậy. Da chân chai cứng đã làm tôi xấu hổ vì
nó trước đây, nay đã trông khá hơn nhiều rồi.”

Ngọc thanh Tư (theo nhiều tài liệu y học)

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ