Monday, February 10, 2014

Những biến cố chính trị khuynh đảo nước Thái

Sau đợt tổng tuyển cử bầu hạ nghị viện ngày 2/2 được diễn ra tại Thái Lan trong tình hình phức tạp vì phe biểu tình chống đối chính phủ vẫn tuần hành và cô lập một số khu vực tại thủ đô và một số tỉnh, giam thùng phiếu và phiếu bầu. Số cử tri đi bầu được xem là thấp trên cả nước, theo số liệu chính thức của Ủy ban bầu cử là 46,79%.
Ngày 7/2, Ủy ban Bầu cử (EC) của Thái Lan đã quyết định tổ chức đợt bỏ phiếu mới để bổ túc cho hoạt động bỏ phiếu sớm diễn ra hôm 26/1, và cho 10.284 điểm bỏ phiếu từng bị người biểu tình phong tỏa trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra hôm 2/2.
Theo Ủy viên EC Somchai Srisuthiyakorn, đợt bỏ phiếu mới sẽ được tổ chức tại 7 tỉnh gồm Rayong, Yala, Narathiwat, Pattani, Satun, Phetchaburi và Prachuap – nơi các địa điểm bỏ phiếu bị người biểu tình phong tỏa hôm 2/2.
Ngoài ra, EC cũng yêu cầu chính phủ tạm quyền ấn định thời điểm bầu cử mới cho 28 điểm bỏ phiếu tại 8 tỉnh không có ứng cử viên đăng ký do bị người biểu tình cản trở.
Theo Bangkok Post của Thái Lan dẫn lời Tổng Thư ký EC Puchong Nutrawong cho biết, ủy ban này sẽ gửi thư tới Thủ tướng tạm quyền Yingluck trước ngày 11/2 để đề nghị chính phủ ban hành một sắc lệnh hoàng gia ấn định ngày bầu cử mới. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể để tiến hành đợt bỏ phiếu mới này hiện vẫn chưa được công bố.
Những người nông dân biểu tình đòi chính phủ thanh toán tiền trợ giá lúa gạo bị chậm trể
Trong một động thái gây sức ép lên chính phủ lâm thời, một nhóm nông dân biểu tình ở Bangkok đã đặt thời hạn chót yêu cầu chính phủ Thái Lan phải thanh toán tiền mua gạo chậm nhất vào ngày 15/2 tới. Ngoài ra, những người này cũng đệ đơn lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia kiện chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra liên quan đến chương trình trợ giá gạo.
Lực lượng biểu tình chống chính phủ đã lợi dụng thời cơ cố tình lôi kéo những nông dân khiếu kiện chính phủ vào phe của họ, cho biết sẽ có các hoạt động quyên tiền để hỗ trợ cho những nông dân này.  
Nhằm xoa dịu sự bất mãn của người nông dân, Thủ tướng Yingluck cho biết, tất cả các nông dân tham gia chương trình trợ giá sẽ được nhận đủ số tiền thanh toán và chính phủ sẽ tìm các nguồn vay tài chính để trả cho nông dân trong thời gian sớm nhất. Bà cũng cho rằng, vấn đề thanh toán tiền mua gạo chậm vì quốc hội đã bị giải tán, chính phủ tạm quyền không thể huy động nguồn lực tài chính vì không đủ thẩm quyền.
Trước đó, ngày 6/2, Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ thành lập lực lượng chuyên trách gồm 12 thành viên để bắt giữ 19 thủ lĩnh PDRC theo lệnh của Tòa án Hình sự nước này.
Trong khi đó, Trung tâm Duy trì hòa bình và trật tự Thái Lan cũng cho biết đang xin lệnh bắt 39 thủ lĩnh khác thuộc PDRC vì vi phạm lệnh tình trạng khẩn cấp.
Ngày 10.2, một thành viên chủ chốt của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân Thái Lan (PDRC Ông Sonthiyan Chuenruthainaitham - lãnh đạo PDRC, chủ sở hữu hãng tin T-News và kênh truyền hình vệ tinh - bị cảnh sát bắt vào 13h30, khi đang ăn trưa tại Central Department Store ở Lat Phrao. Ông này được đưa tới trụ sở cảnh sát quận Khlong Luang ở Pathum Thani.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanatabut nhận định hôm 9/2 rằng,"Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) sẽ không thể tiếp tục cuộc biểu tình tới Tết Songkran vào tháng 4 này".
Theo đó, tuyên bố tiếp tục biểu tình cho tới Tết Songkran vào tháng 4 này của phe biểu tình chỉ là nỗ lực đẩy mạnh tinh thần đang dần suy yếu của nhóm biểu tình.
Ngoài ra, ông Paradorn còn tiết lộ thêm rằng, hiện thời các nhóm hỗ trợ PDRC phục vụ cho chiến dịch biểu tình ngày càng “nhỏ giọt” bởi các nhà chức trách ngày càng thắt chặt hoạt động của các nhóm này.
Chưa kể, các nhóm tài trợ này cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thực tế là các địa điểm biểu tình đều tập trung ở các khu vực kinh doanh của họ.
“Khả năng, các nhóm này có thể sẽ bị ngăn chặn hoàn toàn trước dịp Tết Songkran”, ông Paradorn nói.
hhx475 (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ