Thursday, November 17, 2016

Tâm linh

CON ĐƯỜNG TRỐNG KHÔNG

Quyển sách này là một trong những nguồn tài liệu quý giá về cuộc đời của thiền sư Ryokan. Trong quyển sách ấy có một đoạn  như sau:
Vị Thầy quả thật không giống với một ai cả. Tuy không có ai lại không nhìn thấy cái tâm thức vượt bực của ông, nhưng thật ra thì tất cả mọi người lại bị thu hút mạnh hơn bởi một cái gì đó thật dịu dàng và êm ả thoát ra từ con người của ông.
Có một lần ông lưu lại trong gia đình chúng tôi vài hôm. Buổi tối khi hàn huyên, lời ông thốt ra thật tinh khiết, hình như trực tiếp thoát ra từ tim ông. Ông không giảng gì cả về Phật pháp, cũng không nói chuyện văn chương, những lời dạy bảo về đạo đức lại còn hiếm hoi hơn nữa. Tuyệt nhiên ông không nói đến những chuyện ấy. Có hôm ông vào bếp nhóm lửa, có hôm lại ngồi thiền rất lâu trong phòng khách. Luôn luôn bình thản và thư giãn, cái dịu dàng thoát ra từ con người ông lây sang cả mọi người chung quanh. Mỗi khi ông hiện ra, khung cảnh vụt trở nêm êm dịu lạ thường. Mỗi người trong gia đình đều cảm thấy trong lòng phát hiện một sự hài hoà sâu xa toả lộ ra bên ngoài, cái không khí hài hòa đó vẫn tiếp tục tỏa rộng trong không khí gia đình dù rằng ông đã ra đi từ nhiều ngày trước đó. Thật là một điều hết sức khó để giải thích”.
 Con đường Thiền
Ý thức được vô thường trong thế gian này, nên tôi rời tổ ấm,
Bỏ lại mẹ cha và đàn em nhỏ.
Chẳng qua cũng giống như một đám mây trôi ngang,
Giữa những đám mây khác, lang thang và vô định.
Tôi ngao du lấy cỏ làm gối,
Lúc giã biệt mẹ, tôi nói với mẹ rằng:
“Biết đâu đây là lần cuối cùng, mẹ con ta nhìn nhau”.
Mẹ tôi khóc, nắm lấy tay tôi và nhìn tôi thật lâu.
Gương mặt mẹ vẫn còn đó trước mắt tôi.
Khi bước vào chào cha, cha nói với tôi rằng:
“Con nhớ đừng để cho thiên hạ bảo rằng con từ bỏ thế tục
 một cách vô ích”
Tiếng cha tôi vẫn còn văng vẳng bên tai.
Con đường thiền
Năm 1779, Ryokan được 21 tuổi và được phong sa môn, và cũng vào cuối năm ấy có một vị thiền sư già từ xa đến và lưu lại để thuyết giảng vài hôm. Khi vị sư mới bước chân vào cổng chùa, thì hình như cả một chân trời mở rộng đang hiện ra trước mắt Ryokan, bóng dáng của ông vững chắc như một quả núi làm cho Ryokan có cảm giác được an tâm, được che chở và nương tựa.
Vừa nhìn thấy nhau, hình như tâm thức của ông đã bắt gặp tâm thức tôi, một sự cảm phục lẫn nhau phát hiện, gần như là một thứ xúc cảm của thương yêu và quý trọng, nhưng không vướng mắc một chút bám víu nào.
Sau những ngày nghe giảng và tham thiền dưới sự chủ trì của vị sư này, Ryokan càng thấy quyết tâm của mình rõ rệt hơn và rồi chính Ryokan đã thực sự trở thành bám víu, bám víu vào vị thiền sư xa lạ. Cũng có thể đây là một cái nghiệp đã đưa Ryokan bước vào một khúc quanh khác trên con đường tu tập, vì khi vị thiền sư từ biệt ra đi thì Ryokan nhất định xin theo, cứ nắm chặt lấy tay áo cà-sa của ông và nhất định không buông ra. Vị thầy của Ryokan đành cho phép, và vị sư già cũng nhận Ryokan làm đệ tử và cả hai cùng nhau đi về phương Nam.
Vị sư già tên là Kukonen, trụ trì ngôi chùa Entsuji thuộc vùng Tamashima tận miền Nam nước Nhật, cách ngôi làng của Ryokan hơn một nghìn cây số. Cuộc hành trình thật gian nan kéo dài nhiều tháng, hai thầy trò tuy có dịp thăm viếng nhiều chùa chiền, nhưng đồng thời cũng phải đi qua những nơi lan tràn bịnh dịch, những vùng đói kém, vượt qua những chỗ có nhiều giặc cướp. Trên đường phải tá túc trong các chùa chiền, nhưng cũng có khi phải ngủ giữa trời hay dưới gốc cây trong rừng.
Hai thầy trò mất nhiều tháng để về đến nơi, cả hai gầy nhom và kiệt lực. Đứng trước cổng chùa vị sư già cất lời với Ryokan như sau:
– Con quả là một niềm khích lệ cho ta trước những thử thách vừa qua. Mong rằng cuộc hành trình của một nhà sư phiêu bạt như con vừa thấy sẽ đủ để tượng trưng cho những gì con phải cố gắng kể từ hôm nay cho đến ngày chấm dứt cuộc hành trình của con trên hành tinh này. Con đã sẵn sàng chưa?
– Thưa Thầy, con đã sẵn sàng, dù phải gặp những khó khăn nào đi nữa, con cũng sẽ đi đến đoạn cuối của con đường và con sẽ không bao giờ lỗi hẹn.
Tuy miền Nam nắng ấm, bầu trời thường trong trẻo, nhưng không phải vì thế mà Ryokan được hưởng một cuộc sống an nhàn của một người tu hành. Thức dậy vào ba giờ sáng, đi ngủ chín giờ tối, ngoài những buổi ngồi thiền, nào là việc đồng áng, bếp núc, vườn tược và tu sửa trong chùa... Về việc tu học thì vị thầy Kukonen không phải là người ưa chuộng lý thuyết, nghiên cứu để chiêm ngưỡng những gì tinh anh và trong sáng của thiền tông, ông lại càng không thích những nghi thức và lễ lạc, kể cả việc say mê khía cạnh thuần lý của triết học.
Kukonen thường lôi Ryokan trở về với sự an bình trong tâm thức, bước vào chốn hoang vu của yên lặng. Hai thầy trò song hành bên nhau như thế cả bên trong tâm thức của hai người và cả trong thực tế của ngoại cảnh bên ngoài. Có những hôm Kukonen dẫn người đệ tử trẻ của mình đi bộ cả ngày dưới ánh nắng như thiêu đốt, đi ngang những nơi um tùm rắn rít, bắt gặp muông thú trên đường. Họ chịu khát, chịu đói, có lúc hoa mắt và nhìn thấy những ảo giác khi mệt lã, nhưng tuyệt đối Kukonen không hé môi nói một lời nào. Nếu người đệ tử rớt lại phía sau thì hắn sẽ lạc đường, nếu hắn cố đi cho nhanh để sớm đến đích thì hắn sẽ kiệt sức, nếu dừng lại hắn sẽ chết, nếu hắn hỏi liên miên thì nước uống mang theo sẽ cạn. Chốn hoang vu không tha thứ và không nhân nhượng một ai cả, những ai bước vào con đường đó phải trông cậy nơi sức lực của chính mình. Chiều về đến cổng chùa, Kukonen mới thốt lên vài lời: “Thật là một ngày tuyệt vời, một ngày thật bình dị!”.
Nhưng những phút giây tuyệt vời nhất của Ryokan là có những hôm xong bổn phận, vào buổi tối được thêm một lúc rảnh rỗi để ngồi thiền. Những giây phút đó không có gì để suy nghĩ, không có gì để chờ đợi, Ryokan lắng chìm trong một sự yên lặng lạ lùng, sự yên lặng mà Thiền học gọi là “tiếng hát của sự giác ngộ lặng im”. Dù những gì xảy đến, cứ xảy đến, người ngồi thiền vẫn cứ ngồi im để lắng nghe tiếng hát vang lừng trong yên lặng mênh mông.
Nhưng thật ra mục đích của người ngồi thiền không phải chỉ để lắng nghe tiếng hát của yên lặng, nhưng để xoá hết những gì của chính mình để trải rộng từ bi đến muôn loài chúng sinh. Tiếng hát không phải vang lên từ bên ngoài mà từ nơi tận cùng của con tim người hành thiền, vì tiếng hát ấy chính là tiếng hát của từ bi.
Suốt mười một năm hai Thầy trò đi bên nhau trong yên lặng, khi già yếu Kukonen giao phó trọng trách hướng dẫn tăng đoàn cho Ryokan, với chức sư trưởng của chùa. Tuy nhiên sau khi thầy Kukonen mất được một năm, Ryokan cũng giã từ tăng đoàn để chọn một cuộc sống phiêu bạt, lang thang khất thực hay ẩn dật trong những chiếc am cỏ nơi chốn rừng hoang.

Cầu an
Thầy của Ryokan là Thượng tọa Kukonen viên tịch vào năm 1791, lúc ấy Ryokan được ba mươi ba tuổi. Và từ lúc đó, ngoài việc quản lý chùa, Ryokan còn phải hướng dẫn tăng đoàn và tiếp rước Phật tử xin cầu an, cầu siêu và tư vấn đủ mọi chuyện. Quả thật đấy là những việc không phù hợp chút nào với ông.
Một hôm có một cụ già đến chùa xin cầu an. Cụ già nói với Ryokan như sau:
– Xin thầy làm lễ cầu an cho tôi. Quanh tôi thiên hạ thay nhau chết, tôi khiếp sợ vô cùng. Xin thầy làm lễ cầu an để tôi được sống lâu.
– Được, cụ cứ yên tâm, một khoá lễ cầu an thì cũng chẳng khó nhọc gì. Nhưng này, cụ được bao nhiêu tuổi rồi?
– Tôi đã được tám mươi.
– Cụ còn trẻ chán. Có một câu tục ngữ nói rằng từ bé đến bốn mươi hay năm mươi tuổi con người vẫn giống như một đứa hài nhi, từ sáu mươi đến tám mươi mới đúng là tuổi yêu thương.
– Đúng thế, vậy thầy giúp tôi một khoá cầu an thật trịnh trọng nhé.
– Thế cụ muốn sống đến bao nhiêu tuổi?
– Một trăm tuổi có lẽ cũng tạm đủ phải không thưa thầy?
– Tham vọng của cụ quả thật còn quá nhỏ. Nếu sống đến một trăm tuổi thì cụ chỉ còn hai mươi năm nữa thôi, như thế thì quả thật ngắn lắm đấy. Tôi mà cầu an thì linh ứng vô cùng, đúng một trăm tuổi thì tất cụ sẽ chết.
Cụ già bỗng hoảng hốt, sự sợ hãi hiện lên nét mặt, cụ run run nói với Ryokan:
– Nếu thế thì xin thầy cố gắng cầu an cho tôi sống đến một trăm năm mươi tuổi nhé.
– Cũng được thôi, nhưng hiện nay cụ đã tám mươi, thế thì cụ đã đi được hơn một nửa đoạn đường mà cụ muốn sống. Cụ có biết rằng nửa đoạn đuờng đầu tiên thì giống như trèo lên núi, vì thế phải ra sức rất nhiều và cũng mất nhiều thì giờ, nhưng nửa đoạn đường còn lại toàn là đổ dốc, nhanh lắm đấy? Nếu mà tuột dốc thì bảy mươi năm còn lại của cụ sẽ vụt qua như một giấc mơ mà thôi.
– Thế thì xin thầy cầu an cho tôi sống đến ba trăm tuổi vậy.
Ryokan đáp lời cụ già như sau:
– Tham vọng của cụ bé quá, chỉ vỏn vẹn có ba trăm năm hay sao?
Người xưa bảo rằng loài hạc sống đến một vạn năm. Súc vật còn sống lâu đến thế, huống chi là người, có thật là cụ chỉ muốn sống có ba trăm năm hay sao?
– Nhưng sống được đến đấy cũng là khó lắm rồi. Thế thầy cầu an cho tôi sống nhiều nhất được bao nhiêu tuổi?
– Hỏi như thế có nghĩa là cụ không muốn chết, có đúng vậy không? Sao cụ lại chỉ biết nghĩ đến một mình cụ như thế .
– Nhưng làm thế nào bây giờ? Thôi, thầy cứ cầu an cho tôi được sống mãi chẳng bao giờ phải chết.
– Cũng được, nhưng khó lắm đấy và phải kiên nhẫn vì mất nhiều thì giờ lắm.
Cụ già liền đáp:
– Khó cách mấy tôi cũng cố gắng, mất bao nhiêu thì giờ cũng được.
– Thế thì cụ tập đọc kinh với tôi ngay hôm nay xem sao và sau đó thì mỗi ngày cụ đến đây để tôi dạy cụ ngồi thiền và tụng niệm. Nếu cụ cố gắng và chuyên cần thì đến một ngày nào đó cụ sẽ cảm thấy mình không còn chết nữa.
Kết cuộc là Ryokan đã mượn sự sợ hãi cái chết của cụ già để hướng cụ bước vào con đường Thiền. Tuy nhiên người ta cũng có thể tự hỏi Ryokan có nói dối với cụ già về sự bất tử hay không? Nếu thật sự ta hiểu Thiền là gì thì ta sẽ không cho rằng Ryokan đã nói dối, vì đối với Thiền ta đang chết trong từng giây khắc một và ta cũng đang sinh ra trong từng giây khắc một. Mỗi khoảnh khắc của thời gian tuy tiếp nối nhau nhưng đồng thời cũng độc lập với nhau, khi ta nắm bắt đuợc từng khoảnh khắc của thời gian ta sẽ cảm nhận được hiện thực. Cảm nhận được hiện thực tức là vượt ra khỏi yếu tố của thời gian, vượt lên trên cái sống và cái chết. Ryokan tin rằng một ngày nào đó, cụ già sẽ ý thức được việc ấy và thực hiện được việc ấy, tức cảm nhận được bản-thể-của-Phật sẵn có trong lòng cụ.
Cửa hiệu bán mì và nước tương
Trong thôn Nagaoka gần làng Izumozaki có một cửa hàng bán mì sợi (miso) và nước tương. Người chủ quán tên là Denbei, rất say mê bút pháp của Ryokan, nhưng không dám xin, hoặc cũng không mấy khi có dịp để xin và cũng chưa chắc đã xin được, vì nhiều người nài nỉ và chạy theo Ryokan, ông không thể nào viết xuể hoặc có khi ông bảo rằng ông quên cả các chữ mà họ muốn ông viết. Thật vậy, viết thư pháp thông thường phải tập trung tâm thức, sức mạnh và sinh khí, đâu phải cứ cầm bút là viết được.
Người chủ quán nghĩ ra một kế, anh ta tự viết lấy nhãn hiệu của quán và cố tình viết thật vụng về rồi treo ở cửa. Một hôm Ryokan đi khất thực ngang đấy, anh chủ quán chạy ra cố van nài Ryokan bước vào nhà và anh đã nói với ông như sau:
– Thưa ngài, quán của con mới mở được ít lâu, nhưng ít khách quá, có lẽ vì bảng hiệu vụng về. Ngài giúp con viết mấy chữ may ra có thể giúp thiên hạ chú ý đến cái quán của con. Ông do dự một tí rồi bảo người chủ quán mang giấy mực cho ông. Người chủ quán đem ra hai tờ giấy và nghiên mực mài sẵn, Ryokan giữ yên lặng vài phút để tập trung sự trầm tĩnh và viết lên hai tờ giấy: “Tiệm bán mì và nước tương”.
Một thời gian sau, có một vị viết thư pháp là Kameda Bosạ, cũng là bạn của Ryokan, đi ngang đấy và thấy nhãn hiệu của cửa tiệm, ông liền bước vào và gọi anh chủ quán ra rồi chỉ vào bảng hiệu của tiệm và hỏi:
– Có phải đây là thủ bút của nhà sư Ryokan không?
Anh chủ quán Denbei rất hãnh diện và trả lời rằng:
– Đúng thật như thế, đấy là thủ bút của Ryokan.
– Này tôi bảo cho ông biết nhé, những tờ thư pháp như thế không phải để treo bên ngoài cửa hiệu. Nó là của vô giá đấy, phải quấn lại để giữ gìn trong nhà. Ta viết cho chữ khác.
Denbei mừng lắm, đem giấy mực ra và Bosa viết cho tấm bảng hiệu khác: “Tiệm bán mì và nước tương”.
Vài năm sau đó, có một nhà thư pháp nổi danh là Maki Ryôkô từ thủ đô Edo về thăm làng quê của ông ở Echigo, và tình cờ đi ngang đấy. Ông thấy tấm bảng hiệu của quán, liền bước vào để gọi người chủ để hỏi:
– Có phải tấm bảng hiệu ngoài cửa là do vị thầy thư pháp là Kameda Bosạ viết hay không?
Anh chủ quán liền đáp ngay:
– Đúng thế, đúng thật như thế, đấy là thủ bút của thầy Bosạ.
– Này ta bảo cho mà biết, không nên treo một tác phẩm như thế ở ngoài cửa. Đem vào nhà mà cất cho cẩn thận. Đưa giấy mực ra đây ta viết cho tờ khác.
Denbei mừng lắm, hối hả đem giấy mực ra. Miki Ryôkô phóng bút và viết: “Tiệm bán mì và nước tương”.
Nhiều năm sau đó, lại đến lượt một nhà thư pháp nổi danh khác là Tomikawa Taikui đi ngang tiệm và cũng giật mình vì cái bảng hiệu treo lủng lẳng trước cửa. Ông bước vào cửa hiệu và hỏi to lên rằng:
– Này cái bảng hiệu ngoài kia có phải là thủ bút của Ryôkô hay không?
Taikui lại thuyết phục Denbei đem cất cái tác phẩm ấy đi để ông viết cho tấm khác: “Tiệm bán mì và nước tương
Nhờ thế mà anh chủ quán bán mì sợi và nước tương có bốn tờ thủ bút của bốn nhà thư pháp danh tiếng nhất của nước Nhật thời bấy giờ. Ngày nay cả bốn tấm bảng hiệu “Tiệm bán mì và nước tương” người ta vẫn còn giữ được và đã trở thành gia tài văn hoá của nước Nhật.
Câu chuyện trên đây chỉ là một trong vô số giai thoại về những mẹo vặt mà người đương thời tìm cách để xin thủ bút của Ryokan. Tuy nhiên câu chuyện được chọn lọc không phải vì mục đích đề cao cái khôn khéo và mưu mô của một người chủ quán, nhưng cố ý nêu lên sự khiêm tốn và nhún nhường của những kẻ thực tài, họ chỉ nhìn thấy giá trị và sự tuyệt vời nơi kẻ khác, cũng giống như những vị Bồ tát đã quên cả chính mình và chỉ nhìn thấy cái Phật tính nơi tất cả chúng sinh để trân quý và ngưỡng mộ.
Ba tấm bảng hiệu “ Tiệm bán mì và nước tương ” do Ryokan, Bosạ và Ryôkô viết (bảng thứ tư do Tomikawa Taikui viết không tìm thấy trong các tài liệu hiện có khi viết bài này). 
Giọt nước mắt
Ngôi làng Izumosaki, nơi sinh trưởng của Ryokan, vào những năm sau này đã trở nên đông đúc và đổi thay nhiều. Người em út của Ryokan là Yushi làm xã trưởng phải từ chức vì dân làng không vừa lòng, khiến gia đình ngày càng nghèo túng, nhất là từ khi vợ ông qua đời trước đó không lâu. Tuy Ryokan sống ẩn dật trong núi rừng, nhưng cũng thương xót cho thân phận của người em và thỉnh thoảng hay viết thư thăm hỏi.
Yushi có một đứa con trai tên là Umanosuke mà ông đã đặt hết hy vọng là sau này sẽ kế nghiệp ông để bảo tồn truyền thống và phong cách gia đình. Thật vậy, gia đình Ryokan chỉ có bốn người con trai, hai người em của Ryokan về sau cũng đi tu. Một người trụ trì một ngôi chùa lớn, ông rất giỏi về văn chương và thi phú nhưng đã chết lúc vừa ba mươi tuổi. Người thứ hai cũng là một nhà sư thi sĩ nổi tiếng, đã từng được đích thân hoàng đế Nhật bản yêu cầu ông làm thơ, và vị này cũng đã mất lúc mới hai mươi bảy tuổi. Chỉ có Yushi lập gia đình và giữ chức vụ xã trưởng, nhưng không may người con trai là Umanosuke lại là một đứa trẻ vị thành niên ngỗ nghịch và hư hỏng. Họ hàng rất lo buồn và có người nảy ra ý định nhờ Ryokan khuyên nhủ và dạy dỗ cho Umanosuke. Họ dọ hỏi và tìm được Ryokan.
Khi nghe câu chuyện hư hỏng của cháu, Ryokan rất đau buồn và vì thương em nên đã quyết định rời am vài hôm để về làng xem sao. Ngày đầu tiên về nhà người em, Ryokan không nói một lời nào cả. Hôm sau, họ hàng đến thăm và xì xầm với nhau rằng: “Nhất định hôm nay Ryokan sẽ giảng cho thằng Umanosuke một bài học”, nhưng rồi ông vẫn tiếp tục giữ yên lặng và không hé môi một chút nào cả. Sang ngày thứ ba, mọi người lại hy vọng Ryokan sẽ ngỏ lời khuyên bảo đứa cháu, nhưng Ryokan lại vẫn bình thản và yên lặng.
Sáng ngày thứ tư, Ryokan chuẩn bị trở về am và trước khi đi ông chắp tay cáo biệt từng người rồi bước ra phía cửa. Ông cúi xuống cầm hai chiếc dép rơm, ngồi vào một chiếc ghế và quay lại nói với Umanosuke rằng:
Này Umanosuke, con đừng phiền Bác nhé, con giúp Bác buộc lại đôi dép được không? Bác đã già rồi, sáng hôm nay Bác không khom xuống được để buộc dép”.
Mọi người chờ đợi phản ứng vô lễ của Umanosuke, thì bất ngờ trước những lời nói ôn hòa và dịu dàng của Ryokan, Umanosuke đã quỳ xuống đất để buộc dép cho Ryokan. Bỗng nhiên cậu cảm thấy có gì ươn ướt trên gáy, đưa tay rờ cổ và ngẩng đầu lên, cậu chợt nhận thấy gương mặt của Ryokan chan hòa nước mắt. Ông đã khóc và một giọt nước mắt đã vô tình rơi lên gáy của Umanosuke. Cậu ta cúi xuống tiếp tục buộc dép. Ryokan đứng lên và lẳng lặng ra đi, không nói thêm một lời nào nữa.
Nhưng từ đó, gương mặt nhạt nhoà với đôi mắt tràn đầy từ bi và giọt nước mắt của Ryokan đã hoàn toàn biến cải Umanosuke. Cậu bé bỗng nhiên trở nên ngoan ngỗn và hiền lành, khiến cho gia đình và cả làng ai cũng mến yêu, nhất là cậu lại chịu khó học hành. Sau khi con thành đạt thì Yushi cũng cạo đầu đi tu. Thế là cả bốn anh em trai trong gia đình đều xuất gia. Sau này, khi Yushi qua đời được vài năm thì Umanosuke được dân làng đề cử lên làm xã trưởng, giữ chức vụ giống như cha và ông nội của cậu khi xưa.
Lúc Ryokan hấp hối, ngoài ni sư Teishin, chỉ có Yushi và một người nông dân hàng xóm là Motouemon là những người thân chứng kiến những phút giây cuối cùng của đời ông.
DT (Trích đoạn /Cô đơn trên đường trống)

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ