Monday, March 17, 2014

Y học thường thức

PHÒNG NGỪA BỆNH XỐP XƯƠNG
Chúng ta tìm hiểu và phòng ngừa căn bệnh xốp xương từ ngay khi còn trẻ và ngừa té ngã khi chúng ta có tuổi; xốp xương và té ngã là hai yếu tố dễ đưa đến gãy xương khi chúng ta có tuổi.
Calcium và sinh tố D
Ngừa bệnh xốp xương nên bắt đầu từ thời niên thiếu. Trẻ em mỗi ngày cần 800 mg chất calcium, chúng ta khuyến khích các em uống sữa, dùng các thực phẩm chứa nhiều calcium.
Người lớn chúng ta cần ít nhất 1.000 mg calcium, phụ nữ sau khi mãn kinh và các vị có những yếu tố dễ đưa đến bệnh xốp xương cần đến 1.200 mg calcium mỗi ngày.
Trong thực phẩm của người Việt Nam chúng ta, đa số chúng ta không được cung ứng đủ chất calcium theo nhu cầu kể trên. Để tăng lượng calcium cần cho cơ thể, ta nên ăn uống những thức chứa nhiều chất calcium, hoặc dùng thêm các thuốc trong có calcium. Sau đây là một số thực phẩm chứa nhiều calcium :
- Sữa: 1 tách sữa (cup), nonfat hay whole fat, có 300 mg calcium.
- Cheese (1 oz): chứa 195 đến 335 mg calcium tùy loại.
- Cottage cheese (1/2 cup): 130 mg.
- Yogurt (8 oz): 274-452 mg calcium. Nonfat yogurt có nhiều calcium nhất.
- Nước cam (with calcium, 8 oz): 300 mg.
- Tofu with calcium (đậu hũ với calcium, 1/2 cup): 435 mg.
- Soy milk (sữa đậu nành, 1 cup): 100 mg.
- Ice cream hay frozen yogurt (1/2 cup): 100 mg.
- Beans, cooked (đậu nấu chín, 1/2 cup): 60-80 mg.
- Dark, leafy green vegetables, cooked (các loại rau xanh nấu chín, 1/2 cup): 50-135 mg.
Nhiều vị không thích ăn những thực phẩm chứa nhiều calcium, hoặc uống sữa, ăn yogurt, … bị tiêu chảy. Trường hợp này nên uống thuốc calcium. Tums, Os-Cal là những thuốc chứa chất calcium carbonate rất tốt, lại rẻ. Thuốc Tums dạng nhai rẻ nhất, chỉ vài đồng mỗi tháng. Thuốc calcium nên uống lúc đang dùng bữa, hoặc ngay sau khi ăn, để tăng sự hấp thụ.
Sinh tố D cũng rất quan trọng, giúp sự hấp thụ chất calcium qua ruột vào người chúng ta tốt hơn, và sinh tố D còn khiến các bắp thịt làm việc dẻo dai, hữu hiệu giúp chúng ta khỏi té ngã. Nhu cầu sinh tố D cho người trẻ mỗi ngày khoảng 400-600 đơn vị (international unit). Phụ nữ sau khi đã mãn kinh cần ít nhất 800 đơn vị mỗi ngày. Các viên thuốc multivitamin (đa sinh tố) thường chứa đủ lượng sinh tố D này. Hoặc ta dùng thuốc chứa cả calcium lẫn sinh tố D, như Os-Cal with vitamin D.
Ngoài calcium và sinh tố D ra, chúng ta cũng nên ăn uống các thực phẩm cung ứng đầy đủ năng lượng cho cơ thể mỗi ngày, tránh suy dinh dưỡng.
Thường xuyên vận động
Vận động không những khiến xương chắc, các bắp thịt ta cũng dẻo dai, mạnh mẽ, phản ứng mau lẹ, ta ít té ngã. 
Các thể dục đặt sức nặng của cơ thể trên xương, như đi bộ, đều tốt. Đi bộ ít nhất 3 lần một tuần, ít nhất 30 phút mỗi lần, nhiều hơn càng tốt. Chúng ta nên tập thói quen vận động, và chọn môn thể dục nào chúng ta ưa thích để vận động được thường xuyên và lâu dài, vì ngưng vận động, các lợi ích của vận động trên xương sẽ mau chóng mất.
Tránh những thuốc có thể gây rỗng xương
Đang hút thuốc lá chúng ta nên bỏ hút, vì thuốc lá độc cho xương, như độc cho các cơ quan khác. Rượu uống nhiều không tốt, do có thể gây suy dinh dưỡng, say sưa đưa đến té ngã.
Một số thuốc dùng với lượng cao hoặc dùng lâu ngày có thể làm xương xốp, rỗng, như các thuốc Prednisone, Nexium, Omeprazole, sinh tố A, các thuốc chống kinh giật phenytoin, carbamazepine, primidone, phenobarbital, valproate. Nếu có thể, chúng ta nên ngưng thuốc hoặc giảm lượng thuốc đi nếu không ngưng được.
Tránh té ngã
Trừ trường hợp bị gãy xương sống hay xảy ra âm thầm, làm còng lưng và người cứ thấp bé dần, các gãy xương khác (xương hông, xương cổ tay, ...) ở người cao niên hay xảy ra do té ngã.
Trong nhà, nên để đèn đủ sáng để thấy rõ lúc ban đêm khi phải thức giấc đi đâu đó. Các dây điện lòng thòng, hoặc những chỗ thảm lỏng lẻo, trơn trượt nên được gỡ bỏ. Chùi sàn cho bóng, nên dùng những loại thuốc chùi sàn không trơn trượt. Trong phòng tắm, nên làm những tay vịn để vịn nắm cho vững trong lúc tắm rửa.
Không nên ra vườn lúc ban đêm tăm tối. Nên tránh đi bộ vào những chỗ lạ chúng ta không quen thuộc.
Những yếu tố khác hay làm té ngã là tai nghe không rõ, mắt kém, bước đi không vững. Nếu có thể, sửa chữa những khiếm khuyết này, cũng làm té ngã ít xảy ra hơn. Chẳng hạn, mổ chữa cườm mắt khi cườm mắt đã đến độ làm mắt nhìn kém. Dù mắt còn khỏe, cũng nên đi khám mắt mỗi một hai năm.
Các thuốc dùng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc gây té ngã. Nhiều thuốc khiến đầu óc mông lung, kém chú ý, đi lại mất thăng bằng. Có thuốc gây chóng mặt, có thuốc lại khiến đi tiểu đêm. Thực nguy hiểm cho các cụ cao niên khi phải lần mò trong bóng tối, đường đi đầy những vướng víu (nhà mới có party, bàn ghế lỏng chỏng, lon bia vung vãi dưới đất), vào trong phòng tắm trơn trượt, không có tay vịn. Nhất là mới dùng thuốc ngủ vào đầu đêm, còn nửa mê, nửa tỉnh.
Nhiều bác sĩ ngại ngùng, không dùng thuốc ngủ cho các vị cao niên là vì vậy. Dùng thuốc ngủ liên tục để chữa chứng mất ngủ kinh niên của các vị, không hữu hiệu, hại nhiều hơn lợi. Ngoài thuốc ngủ, các thuốc khác cũng vậy , khi dùng cho các vị cao niên, bác sĩ cũng cần rất nhiều cân phân, trước khi đặt bút biên toa. Nguyên tắc chữa trị trong y khoa: càng ít thuốc càng tốt, chỉ dùng những thuốc cần, tránh dùng những thuốc vớ vẩn, bác sĩ cho để người bệnh vui lòng, không có chỉ định y khoa (thí dụ, các thuốc chữa bệnh lẫn như Aricept, Namenda không có chỉ định dùng chữa chứng hay quên ở người lớn tuổi; hay quên không phải là lẫn).
Xin chào tạm biệt bạn. Người viết ra ngoài vận động chút, kẻo bị xốp xương sau này.
Sưu tầm (tài liệu Y học) 


No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ