Friday, October 16, 2015

TLTG

VÔ THƯỜNG VÀ HẠNH PHÚC

Vô thường là một trong tam pháp ấn của đạo Phật (Vô thường,Vô ngã, Khổ). Hai chữ vô thường nghe gọn ghẽ, giản dị này cho chúng ta một khái niệm về sự không thường tồn của vạn vật và biến chuyển không ngừng trong quá trình hình thành vũ trụ vật chất mà chúng ta đang sống trong đó.
‘Trong các dấu chân thì dấu chân voi là lớn hơn cả. Trong các phép quán niệm xứ thì niệm vô thường là hơn cả’.
(Kinh Đại Bát Niết Bàn).
 Hoa Vô Ưu
Khi nói đến vô thường đa số chúng ta nghĩ liền đến khía cạnh không mấy lạc quan, hiểu theo nghĩa đơn thuần thì vô thường chỉ ra một điều gì đó đã đổi dời, không tồn tại trong đời sống. Với quan niệm sâu hơn về vô thường thì đó là sự biến chuyển sinh, diệt không ngừng trong từng nguyên tử, là một tổng thể luân chuyển, biến thiên làm nền tảng cấu tạo nên thế giới vật chất này. Hiện hữu nhưng lại cũng rất hư huyễn, có đó, mất đó như một cơn ảo mộng.

Vô thường đồng nghĩa với thay đổi, và mất mát…Theo thời gian từ khi sinh ra và lớn lên, chúng ta đã trãi qua bao thăng, trầm, được, mất. Không gian, thời gian, hoàn cảnh, bạn bè, người thân...mới ngày nào, nay đã không còn, đã lần lượt bỏ ta đi. Chúng ta đã tranh đấu không ngừng để tạo dựng mọi thứ vật chất cũng như tình cảm, và luôn muốn sở hữu, bảo vệ, gìn giữ chúng, mong rằng sẽ được dài lâu. Chúng ta cảm thấy được an toàn khi bao bọc bởi những tiện nghi, vật chất xung quanh. Chúng ta cảm thấy hụt hẩng, hải sợ khi một biến cố nào xảy đến và tướt đoạt khỏi tầm tay ta những gì quen thuộc, yêu thích.
Làm sao tránh khỏi thái độ của chúng ta khi rất sợ phải đối diện với vô thường, bởi vì mọi thứ trong cuộc sống, nhất là trong thế giới tân tiến hiện tại, nền khoa học và kỷ nghệ gần như tiến đến tột đỉnh. Loài người đang sống và được bao bọc bởi mọi thứ tiện nghi vật chất, luôn được cải thiện, cập nhật nhanh chóng. Có thể nói chỉ cần có tiền là có được tất cả mọi thứ. Do đó ý niệm đầu tiên của con người trong thế giới hôm nay là ráng làm mọi cách, ráng kiếm cho thật nhiều tiền. Chúng ta đang vướng vào một mạng lưới tinh xảo được giới chủ nhân ông công, kỷ nghệ gia giăng bủa xung quanh bằng những kỷ thuật tuyên truyền nhan nhản, quyến rũ khắp mọi nơi. Chúng ta đang được nền văn minh hiện đại dâng tặng cho một ly nước muối khuấy vào đại dương ham muốn vô tận, vốn dĩ đã là bản chất muôn đời, mà khi càng uống thì khiến ta càng thêm khát khao, ray rứt ! Có lẽ đó cũng là nguyên nhân mà con người ngày nay, dù sống trong ê hề vật chất, nhưng dường như ít ai tìm thấy được sự an bình, hạnh phúc đích thực. Tuổi trẻ thì vô tư tận hưởng, đôi khi hoang phí và nổi loạn, mất định hướng tương lai.

Thời gian vẫn trôi đi, và đời ta đang tiến về phía trước nói theo quan niệm duy vật, hoặc tiến đến cuối đường, nói theo duy tâm. Đôi khi chúng ta quay nhìn lại quá khứ, một chuỗi dài bao biến cố, biến chuyển sau lưng đã dần dần mờ nhạt như một giấc chiêm bao. Tất cả chỉ còn lại trong ý niệm, và dường như ý niệm cũng đang phai dần theo năm tháng. Người đời có câu : ‘Thời gian là liều thuốc chữa lành mọi vết thương’. Có lẽ không sai ở đây.
Vậy, nếu vô thường là sự biến đổi không ngừng, làm cho mọi vật trong thế gian này không thể tồn tại dài lâu, làm cho chúng ta sống để chứng kiến những tàn phai, mất mát và nuối tiếc… khổ đau, thì trong trường hợp như câu nói trên : ‘Thời gian là liều thuốc chữa lành mọi vết thương’ có nghĩa như vô thường lại cũng chính là một liều thuốc vô hình giúp cho con người có thể chữa trị được những khổ đau bằng ‘sự quên lãng’ ! Có phải đây là khía cạnh khác của vô thường mà chúng ta ít khi để ý đến.
Phương cách mà nền y khoa hiện đại đã áp dụng để chữa trị cho những người bị bệnh về tâm lý vô tình đã trùng hợp ở khía cạnh áp dụng vô thường vào cái tâm con người. Sự khác biệt là khoa học thực nghiệm đã dùng thuốc an thần v.v…nói đơn giản là để làm tê liệt miền vận động của thần kinh nảo tủy của bệnh nhân, để họ không thể vận dụng trí óc như trước, để họ quên đi những ý niệm nào đó do bị khích động, tổn thương, ám ảnh… đã khiến họ bị bệnh, bị rối loạn nội tâm. Tuy nhiên những thứ thuốc an thần đó lại luôn có tác dụng phụ làm cho người bệnh dùng lâu ngày, hệ thần kinh não tủy sẽ bị lệ thuộc vào thuốc và bị nghiện. Ngày nay một số nước văn minh tiến bộ về y học đã biết sự nguy hại của phản ứng phụ này và họ đang kết hợp để chửa trị bằng phương pháp chạy điện. Có những trường hợp nhẹ chỉ cần được tránh xa khỏi môi trường, hoàn cảnh mà người bệnh bị làm tổn thương, với sự cảm thông, giúp đỡ của người thân, xoa dịu, an ủi bằng tình thương…thì sau một thời gian người bị bệnh về tâm lý sẽ lành bệnh một cách tự nhiên khi nội tâm của họ được ổn định lại, và những ý niệm đau thương, đã kích trước kia được xóa nhòa lần khỏi tâm thức của họ. Đây là phương thuốc tự nhiên, cũng nhờ bản chất vô thường của tâm. Đúng với câu : ‘Tâm bệnh thì cần có tâm dược’ !
Nếu một lúc nào đó chúng ta ngồi tĩnh lặng, tập trung lắng nghe nội tâm mình để chợt khám phá ra rằng cái ‘Tâm’ của tôi mà ta hằng cưng quý, hảnh diện và bảo vệ bằng mọi giá, sao mà đôi khi hư vô và trống rỗng, chẳng biết tìm đâu ra ! Điều này chỉ thoáng qua và sau đó thì ta vẫn cảm thấy cái tâm của mình hiện hữu qua thân thể, qua những thói quen suy nghĩ lập đi lập lại, qua những ý tưởng luôn nảy sinh không ngừng mà đạo Phật gọi là qua từng sát na (1/10.000 s.).
Đối với chúng ta thì vô thường là người đồng hành mà ta bị bắt buộc phải chấp nhận cho dù chúng ta luôn muốn lẫn tránh, vì dường như theo quan niệm cố hữu thì đó là biểu hiện của bất trắc, bất an và thay đổi. Từ nỗi lo âu trước những đổi thay, bất định, vô tình khiến chúng ta nảy sinh thói quen bám, chấp vào những thứ đang có và muốn bảo vệ, duy trì nó. Chính sự bám víu vào những vật chất, hay tình cảm của một thế giới huyễn tượng, không thường hằng mà chính chúng ta cũng là những thành phần được tổ hợp thành, và cũng sẽ thay đổi, tan biến ! Cho nên chúng ta đối diện với kẻ thù của hạnh phúc là khổ đau ! Trong khi mục đích của con người là mưu cầu hạnh phúc.

Cũng như trên đã đề cập là vô thường luôn có hai tác dụng.Tùy thuộc vào ý niệm của chúng ta thì ta sẽ có thái độ lạc quan hay bi quan về vô thường. Dĩ nhiên để có một ý niệm và sống thường xuyên với nó thì không phải ai cũng giống nhau hay từ thói quen cố hữu mà thay đổi trong một sớm một chiều. Đây cũng là thái độ mà mỗi con người có quyền tự do chọn lựa cho mình.
Chúng ta đa số muốn lãng quên vô thường vì sợ đối diện với mất mát, đổi thay. Tự ru ngủ mình bằng cách bám víu vào cái hiện tại đang có. Tự xoa dịu bản ngã bằng ý niệm tự hào khi ta tạo dựng được danh vọng, tiền tài, vật chất, những biểu tượng của thành công và sẽ hạnh phúc với nó. Những nhà triệu phú, tỷ phú, họ có thể đạt được mọi nhu cầu, mong muốn. Nhưng rỏ ràng họ cũng không ngừng lại ý muốn làm giàu. Có thì càng muốn có nhiều hơn. Và họ cũng thừa biết rằng khi chết không mang theo được gì cả !
Bây giờ chúng ta thử tập sống và thâm nhiễm quan niệm về vô thường, trực nhận nó một cách sâu xa, bởi vì càng nhận thức rỏ rệt về sự hiện hữu vô thường thì ta sẽ càng tiến gần đến tinh thần buông xả, một khi hiểu rỏ rằng chúng ta sẽ không giữ được bất cứ thứ gì, tất cả, cho dù quý giá nhất, trong sự biến dịch và thay đổi không ngừng của vũ trụ này. Mọi quan niệm bám víu chỉ dẫn chúng ta đến thất vọng và khổ đau mà thôi, một khi đã ý thức điều này thì vô thường sẽ không còn là nỗi đe dọa và bất an, sợ hải của chúng ta nữa mà trở nên một người bạn, người thầy thường xuyên bên cạnh, nhắc nhở ta trong một kiếp người ngắn ngủi, trên con đường dài sinh, tử…Giúp ta biết sửa chữa những lỗi lầm, khuyết điểm, để học hỏi và tiến hóa thật sự về tâm linh, trí tuệ. Để biết quay trở lại cội nguồn của chân hạnh phúc, mà mọi thành đạt, vật chất có được từ bên ngoài chỉ khiến con người càng đi xa và…lạc mất, bởi sự ích kỷ và trói buộc !

Nếu chúng ta có thể bắt đầu sống với tinh thần buông xả thì tâm con người sẽ từ từ rộng mở, vị tha hơn và dễ dàng chấp nhận mọi hoàn cảnh, đầu tiên ta sẽ cảm thấy thoải mái, an bình hơn. Khoảng cách giữa người và mình cũng dần dần được xóa bớt. Khi không còn sự so sánh sai khác giữ chủ và khách thể thì mọi người sẽ dễ dàng tha thứ, chấp nhận nhau. Trong cộng đồng, ngoài xã hội, giữa các quốc gia mọi tranh chấp, đối nghịch cũng sẽ dễ giải quyết, dung hòa. Khi chúng ta không còn sự vị kỷ và chiếm hữu thì đồng thời ta cũng không còn gì để phải sợ mất, ta dễ dàng chia sẻ và cho ra hơn là chỉ muốn được nhận ! Ta nhìn mọi thứ trong đời đến và đi một cách tự nhiên như quy luật vốn dĩ của nó. Không còn bám chấp chúng ta sẽ từ từ giải thoát mình ra khỏi cái bản ngã nhỏ nhoi vốn không thực có, để có thể hòa nhập vào khoảng không gian bao la, bát ngát kia như vẫn luôn hiện diện, tồn tại từ vô cùng và còn mãi vô tận !

21/5/13
Diệu Thành

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ