Monday, October 19, 2015

CUỘC CHIẾN  ‘CHỐNG KHỦNG BỐ’ VÀ ‘BỨC TRANH DÂN CHỦ’ THEO ‘MÔ HÌNH HOA KỲ’

Phần I
Với kế hoạch lâu dài của Mỹ trong vai trò bá chủ hoàn cầu, và nhất là sau biến cố trọng đại về vụ khủng bố đánh sập hai tòa tháp thương mại tại Newyork ngày 11/9/2001 ngay trung tâm nước Mỹ, là một cú ‘chấn động’ cho toàn thể quốc gia này. Ngoài sự tổn hại trầm trọng về nhiều mặt - nhân mạng, chính trị, kinh tế…hơn thế còn là một sự tổn thương sâu sắc đến ‘niềm tự hào dân tộc’ và vị thế một siêu cường quốc hầu như ‘bất khả xâm phạm’. Từ đó Mỹ đã đẩy mạnh chiến lược chống khủng bố từ bên ngoài nước Mỹ theo ‘kịch bản’ của mình và lôi kéo theo một số đồng minh phương Tây - ’Bằng cách trực tiếp hay gián tiếp họ đã can thiệp bằng quân sự hay kích động những cuộc ‘nổi dậy’chống ‘lãnh đạo chuyên chế’ từ trong lòng những nước nào mà Mỹ muốn đạt được mục tiêu chiến lược, chính trị và kinh tế, điều này đã kéo theo những hệ lụy là sự xáo trộn và bất ổn, nhất là tại Bắc Phi và Trung Đông vào đầu thế kỷ 21. Dường như ngược lại với quan niệm cố hữu về vai trò ‘ổn định trật tự và hòa bình thế giới’ của cường quốc này.
Sau sự kiện khủng bố 11/9/2001 tại Newyork - là ‘chấn thương’ sâu đậm cho hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Để trừng phạt và trả đủa sự khủng bố này, vào tháng 10/2001 với lý do quân khủng bố Taliban từ chối giao nạp thủ lĩnh Al Qeada là Ben Laden (chủ mưu sự kiện 11/9), Hoa kỳ cùng đồng minh đã phát động một cuộc chiến tranh đẩm máu kéo dài hơn một thập kỷ tại Afghanistan và lây sang Iraq với chiến dịch ‘tự do vĩnh cữu’ lúc đó được hầu hết các nước ủng hộ. Tổng thống Mỹ George Bush tuyên bố sẽ nghiền nát lực lượng Taliban và Al Qeada, cũng như chỉ là bước đầu của sự trừng phạt những nước nào có dính líu đến khủng bố. Lãnh tụ độc tài Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003, bị treo cổ năm 2006 bởi một chính quyền thân phương Tây. Thủ lĩnh Ben Ladin bị tiêu diệt năm 2011, nhưng cuộc chiến sa lầy gây bao chết chóc và tang thương cho người dân tại Afghanistan và Iraq vẫn chưa kết thúc. Ngày nay Afghanistan là bãi thử vũ khí đủ loại của Hoa kỳ và quân đội này vẫn còn đang chiếm đóng vì lẽ những vòi bạch tuột của quân khủng bố vẫn tiếp tục mọc trở lại, ngoài Taliban, Al Qeada, còn thêm quân khủng bố siêu cực đoan là IS đang vươn dài cánh tay từ Iraq, Syria hơn một năm qua.

Iraq cũng bị Mỹ chiếm đóng 8 năm và dựng nên một chính phủ theo chủ trương đường lối của mình nhưng thất bại, một thủ tướng mới là Abadi được thay thế, hiện nay lại có khuynh hướng xích gần Iran – Một Iraq của 1001 đêm huyền thoại xa xưa nay trở thành điêu tàn, hoang phế và chưa hề ngưng cuộc nội chiến tranh chấp về sắc tộc và tôn giáo triền miên, hiện nay đang bị quân khủng bố Hồi giáo cực đoan IS chiếm 1/3 lãnh thổ mà thành phố Mosul lớn thứ nhì Iraq, đã trở nên một địa ngục trần gian, nơi người dân phải sống dưới một sự kềm kẹp và luật lệ cực kỳ khắc nghiệt của quân khủng bố và hàng nghìn thiếu nữ bị bắt làm ‘nô lệ tình dục’ đang ngày đêm nếm mùi khổ đau tận cùng chờ mong được giải thoát.
Tiếp theo Afghanistan và Iraq là Libya, lãnh tụ nước này là nhà độc tài Gadhafi bị giết năm 2011, sau một cuộc nội chiến tương tàn cũng nằm trong chiến lược ‘chống độc tài, khủng bố’và gieo ‘hạt dân chủ’của ‘chú Sam’ với sự hậu thuẩn của các nước đồng minh phương Tây - "Tham vọng của các cường quốc là đóng vai trò chủ yếu trong việc xoay chiều các cuộc biểu tình ở Libya và rõ ràng, có những nước lớn đang tìm cách vẽ lại một bản đồ mới cho khu vực Bắc Phi và nam Địa Trung Hải. Sự kiện ở Libya đã tạo ra một cơ hội tốt cho phương Tây thực hiện kế hoạch và tham vọng của họ," nhà phân tích Abdullatif Haj Hussein đã nhận định như vậy.
Sau Libya, là ‘nội biến Ukraine’ bùng phát năm 2013, kể từ khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký một thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 21/11/2013. Một phong trào được gọi là 'Euromaidan' đòi gia nhập Liên minh châu Âu, và đòi ông Yanukovych từ chức. Phong trào này cuối cùng đã thành công năm 2014 sau một cuộc cách mạng đẩm máu. Ông Yanukovych và chính phủ của ông bị hạ bệ. Tuy nhiên, những người trong các vùng đa số nói tiếng Nga tại miền Đông và Nam Ukraine, không tán thành cách mạng đã nổi dậy phản đối và ủng hộ mối quan hệ với Nga. Các cuộc biểu tình đã bộc phát tại Crimea, ủng hộ việc tách rời Ukraine và gia nhập vào Liên bang Nga - Crimea với dân số gần 60 % gốc Nga, sau một cuộc khủng hoảng trong khu vực, với sự can thiệp quân sự của Nga và một cuộc trưng cầu dân ý, Crimea đã chính thức sáp nhập Liên bang Nga, sự kiện này là một nhân tố để liên minh châu Âu (EU) cùng Mỹ liên kết áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, trong kế hoạch bóp nghẹt, làm suy yếu và bao vây kinh tế nhằm loại bỏ Moskva khỏi thị trường dầu khí quốc tế - phương Tây đã áp dụng đến phương thức hành động cũ từng thành công 30 năm trước đây dưới thời Tổng thống Reagan. Với sự giúp đỡ của nước Ả Rập Saudi, Reagan đã đánh sụt giá dầu, tước đi nguồn thu nhập ngoại tệ đáng kể của Liên Xô. Với sự hỗ trợ đắc lực của EU, Tổng thống Reagan cũng đồng thời đã ngăn chặn việc xây dựng một hệ thống dẫn khí đốt thứ hai từ Liên Xô vào châu Âu.
Cựu Tổng thống Liên bang Nga Gorbachev bày tỏ: “Các nỗ lực cô lập hay phớt lờ nước Nga đều sẽ không thể thành công. Tôi chắc chắn rằng nước Nga sẽ vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Nhưng chúng ta cần phân tích một cách cẩn trọng những nguyên nhân đằng sau”.
Cuộc chiến ‘Bá chủ Năng lượng’
Syria là một miếng mồi ‘năng lượng’ hấp dẫn không chỉ trên phương diện chính trị mà còn cả trên lĩnh vực kinh tế. Nhờ vào địa hình, Damascus có thể trở thành một nhân tố quan trọng trong nguồn cung cấp dầu khí cho châu Âu. Theo Viện Chính sách Trung Đông của Washington (WINEP), Túi dầu Địa Trung Hải có trữ lượng khí đốt lớn nhất và chính Syria là nơi tập trung các mỏ quan trọng. Tiết lộ bí mật về nguồn tài nguyên dầu-khí của Syria đã khuấy động tham vọng của những cường quốc kinh tế. Ai kiểm soát Syria sẽ có thể kiểm soát được Trung Đông. Ngõ vào châu Á từ Syria sẽ dẫn đến nắm giữ “chìa khóa mở cửa ngôi nhà Nga”, điều mà Nữ hoàng Catherine đệ II từng khẳng định, cũng như khắc chế được một Trung Quốc đang trổi dậy thông qua “con đường tơ lụa”, kế tiếp là có khả năng trở thành bá chủ thế giới, bởi thế kỷ này là thế kỷ  'quyền lực năng lượng'. Với sự phát triển về khoa học, kỷ thuật đạt cao điểm, nhu cầu dầu-khí đã trở thành huyết mạch cấp thiết của tất cả các ngành công kỷ nghệ trên toàn cầu, do đó từ đầu thế kỷ 21 cuộc tranh giành ‘Năng lượng’ của các cường quốc đã dần rõ nét qua những biến động từ Bắc Phi đến Trung Đông và có cơ nguy đang bành trướng sang Trung Á mà cuộc nội chiến tại Syria đang chuyển sắc thái thành một cuộc ‘chiến tranh thế giới’ thu hẹp.
Không phải ngẫu nhiên khi ngày 16/8/2011 Bộ trưởng ngành Dầu hỏa Syria thông báo nước này phát hiện một mỏ khí đốt gần thành phố Homs, phía bắc thủ đô Damascus. Mỏ này sẽ có khả năng cung cấp 400.000m3 khí/ngày (146 triệu m3khí/năm) còn chưa kể đến trữ lượng khí đốt hiện có tại Địa Trung Hải.
Vào tháng 7/2011, một số thỏa thuận được ký kết liên quan đến việc vận chuyển khí đốt giữa Iran, Iraq và  Syria. Không khó hiểu khi Syria là trở ngại chính cho dự án Nabucco của phương Tây, là hệ thống dẫn khí đốt từ bắc Qatar sang châu Âu  nhằm cạnh tranh với hai dự án của Gazprom (Nga) là ‘North Stream’ và ‘South Stream’- Các đường ống North Stream và South Stream, sẽ giảm tầm ảnh hưởng và vô hiệu hóa các nỗ lực của Mỹ và châu Âu, làm thất bại chiến lược năng lượng của Mỹ và châu Âu đối với Iran và tại Địa Trung Hải. Mặt khác, Gazprom sẽ có thể trở thành một trong những nhà đầu tư hay khai thác lớn đối với các mỏ khí mới tại Syria hay Liban. Ngược lại dự án Nabucco sẽ là ‘một đòn’ nhắm vào Tập đoàn khí đốt Gazprom, từ đó Nga sẽ phải giảm mạnh việc cung cấp dầu cho châu Âu bởi nguồn khí đốt giá rẻ mà Qatar bán sang thị trường này. Vì một số lý do khiến Damascus không cho phép xây dựng đường ống dẫn dầu khí từ Qatar chạy qua lãnh thổ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ, đến bờ biển Địa Trung Hải và vận chuyển đi châu Âu. Ngày nào chính quyền Bashar al Assad chưa bị loại bỏ thì dự án dầu khí Nabucco không thể thực hiện được. Ngoài ra chưa kể chính quyền Bashar-Assade còn hậu thuẩn cho lực lượng Hezbolla tại Lebanon, kẻ thù không đội trời chung của đồng minh thân cận của Mỹ là Israel tại Trung Đông.
Cũng vào "Mùa xuân Arab" 2011 đã khiến cho một số lãnh tụ cầm quyền ở Trung Đông bị lật đổ. Vào tháng 2/2011 Syria đã rơi vào cảnh chiến tranh khói lửa như hôm nay từ việc một nhóm thanh thiếu niên bị bắt ở thành phố Daraa vì tội vẽ khẩu hiệu trên tường chống chính phủ, điều này đã biến thành ‘mồi lửa’ đưa Syria vào cuộc ‘chiến tranh nội loạn’, khi những cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền càng lúc càng bùng phát và bởi sự đàn áp của cảnh sát, một số Sỹ quan quân đội Syria đào ngủ cùng những thanh niên bất mãn chế độ đã thành lập đội quân du kích chống lại chính quyền. Cuộc đối đầu giữa quân đội của Tổng thống Bashar Assad với các lực lượng nổi dậy ngày càng phức tạp, chuyển sang màu sắc chiến tranh tôn giáo cực đoan giữa những người theo dòng Sunni chiếm đa số và những người theo dòng Shiite chiếm thiểu số trong giáo phái Islam. Trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này, cả hai phía đều có sự trợ giúp của những thế lực bên ngoài - chính phủ Assad thì được sự ủng hộ tích cực của nhóm phiến quân tại Lebanon là phong trào ‘Hezbollah’ và sự hổ trợ cố vấn quân sự, khí tài của Iran. Lực lượng du kích chống chính quyền Assad tại Syria ngày nay được gọi là 'quân tự do FSA', lúc đầu do những sỹ quan đào ngũ và thành phần bất măn chế độ, dần dần được thay thế bằng những phiến quân cực đoan, được sự hổ trợ huấn luyện và cung cấp vũ khí từ Mỹ, Arabia Saudi. Cuộc nội chiến Syria càng ngày càng vượt khỏi biên giới và lan ra các nước lân cận, Jordan, Lebanon, Turky và có nguy cơ sẽ phủ khắp vùng Trung Đông đồng thời với sự hình thành nhóm khủng bố IS, một lực lượng nguy hiểm và cực kỳ man rợ, tàn ác đã xâm chiếm một phần lãnh thổ của Syria mà Raqqah, thành phố lớn phía Bắc Syria giáp Iraq đã trở thành nơi chỉ huy đầu nảo của lực lượng khủng bố khét tiếng này.
Phải nói rằng lực lượng khủng bố IS (Islamic State) là một sản phẩm độc đáo từ những cuộc nội chiến tại Trung Đông bắt đầu từ 2003 sau khi nhà độc tài Saddam Hussein của hệ phái Sunni tại Iraq bị lật đổ, và IS là hậu duệ của khủng bố AQI (Al Qeada Iraq) - tách khỏi AQI năm 2014 dưới sự chỉ huy của Tân thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, tuyên bố đặt thủ đô tại Ar-Raqqah Syria, từ đó danh xưng IS trở thành nổi ám ảnh kinh hoàng của bạo lực và chết chóc bao trùm Iraq và Syria cũng như đang thành mối hiểm họa cho toàn thế giới khi mà lực lượng này càng ngày càng hung hăng bành trướng cho dù hơn một năm qua liên minh Mỹ gồm vài chục nước vẫn luân phiên không kích tại Iraq và Syria trong chiến dịch chống IS và hổ trợ cho ‘quân đội tự do Syria’ để lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad.
Cuộc chiến ‘đa cực’ hỗn loạn tại Syria càng lúc càng khốc liệt giữa quân đội của Tổng thống Bashar Assad cùng các nhóm phiến quân khắp nơi đổ về trong đó có cả AQI, Al Nusra (1chi nhánh Al Qeada), lực lượng kháng chiến do Mỹ hậu thuẩn, và IS, đã biến đất nước Syria thành đống đổ nát, hoang tàn - hàng trăm ngàn người chết, 4 triệu người khốn khổ, đi tỵ nạn khắp nơi sang các nước khác và làn sóng người tị nạn tại Bắc Phi và Syria hiện đang đổ về châu Âu chưa có dấu hiệu suy giảm một khi Syria nói riêng, Bắc Phi và  Trung Đông nói chung vẫn còn đầy biến loạn, bất ổn từ hơn một thập kỷ qua.
 Lạc Việt


No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ