Sunday, November 22, 2015

CHIẾN TRANH ‘BÁ QUYỀN’; ‘KHỦNG BỐ’ VÀ ‘NHỮNG THẢM HỌA’

Phần I
Quyền ‘Bá chủ’ và biển Đông
Trong  vũ trụ này tất cả mọi việc đều có một tương quan mật thiết với nhau. Vào giữa tháng 10, sau khi Mỹ thông báo cho các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc về dự tính tuần tra quanh các đảo nhân tạo của nước này tại biển Đông trong khu vực Trường Sa có thể sẽ tạo ra căng thẳng , vốn đã là vấn đề tranh chấp từ bấy lâu nay giữa Trung Quốc và một số nước trong vùng - tiếp theo đó ngày 26/10  một chiến hạm của Mỹ là USS Lassen đã xâm nhập và hoàn thành nhiệm vụ trong vùng 12 hải  lý thuộc đảo nhân tạo TQ với sự yểm trợ của không quân (tin AFP). Kế đó là vào đầu tháng 11 Mỹ lại cho máy bay B52 lượn quanh khu vực gần đảo nhân tạo của Trung Quốc. Sau hai sự việc nói trên thì căng thẳng tại vùng giao thương ‘hàng hải quốc tế’ này càng được hâm nóng thêm.
Trong thực tế thì việc tranh chấp chủ quyền biển đảo và ranh giới ‘đường lưỡi bò’ do Trung Quốc vạch ra tại vùng hàng hải quốc tế này không phải mới xảy ra một sớm một chiều, mà đó là một vấn đề từng gây tranh luận, và như một ‘khối ung nhọt’ luôn gây nhức nhối cho toàn khối Đông Nam Á kể từ khi Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và hoạch định chiến lược để mở rộng lãnh hải về phía Nam - đầu tiên nhằm thoát khỏi thế kềm tỏa của Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, kế đến là tiện việc ‘tranh bá’ trong vị trí cường quốc Á châu tại vùng biển Thái Bình Dương rộng lớn và quan trọng,  vốn vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát của hạm đội ‘không đối thủ’ của ‘chú Sam’ từ bấy lâu.

Để thực hiện chiến lược này, một lý thuyết ‘Đường 9 đoạn’ được ra đời và từ đó là lộ trình để cường quốc mới  này theo đuổi mục tiêu chiến lược của mình, bất chấp dư luận quốc tế nhiều chỉ trích. Bằng những hành động lấn biển và bổi đắp nhiều bải đá cạn thành những đảo nhân tạo - sẽ là những trạm kiểm soát - và là căn cứ nền tảng tại phía Đông Nam Thái bình Dương của Trung Quốc, đã gây ra hoang mang, lo sợ cho những láng giềng nhỏ hơn tại đây như Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Đài Loan. Tuy nhiên trước những nổi lo sợ đó, Mỹ và Liên hiệp quốc luôn khuyên nhủ các quốc gia trong vùng hảy cùng nhau giải quyết trong ôn hòa theo luật biển 1982 (UNCLOS). Riêng Philippine có Mỹ đứng sau hậu thuẩn nên đã hăng hái nộp đơn kiện đàn anh Trung Quốc lên tòa án Quốc tế, sự kiện đang chờ xét xử. Có lẽ trong tương lai Việt Nam cũng ao ước làm được như Philippine nếu quan hệ với Mỹ gắn bó hơn và Mỹ cảm thấy cần hợp tác chặt chẻ hơn với VN cho diễn tiến này, như việc hai nước đã xóa bỏ hận thù ‘Sinh Bắc tử Nam…đánh đuổi đế quốc Mỹ !’ để trở thành bạn tốt hôm nay - tất cả chỉ là chu kỳ tái diễn của lịch sử ‘Ngã tư quốc tế hàng hải’, tuy là bao xương máu người Việt cả hai miền Nam - Bắc đã tô thấm cả dãy cơ đồ hình chữ S suốt hơn nữa thế kỷ qua - và mối ‘lương duyên’ giữa cường quốc biểu tượng của ‘Tự do - Dân chủ’ với tiểu quốc ‘Cộng sản – Đảng trị’ đã được xây thành có lẽ nhờ bà mai ‘Trung Quốc’. Cách đây 40 năm mối ‘tình duyên’ giữa VNCH và Mỹ bị ‘lừa dối, phản bội’ tức tưởi cũng bởi vì Mỹ xây duyên mới với ‘người tình phì nhiêu TQ’ - tất cả là một vòng xoay lập lại tròn trịa. Dân chủ hay Độc tài chẳng qua chỉ là danh từ ngụy trang cho những lợi ích chính trị và kinh tế, tuy nhiên có những kẻ cho rằng mình có quyền sử dụng nó như một định lệ bởi vì mình có bổn phận ‘giữ gìn trật tự’ hay ‘đảo lộn trật tự’ của thế giới theo kiểu đơn phương.
Sự kiện Biển Đông và ‘Đường chín đoạn’do Trung Quốc vạch ra đã dây dưa từ nhiều năm nay nhưng các nước láng giềng yếu hơn thì chỉ biết phản đối miệng và lo mua vũ khí phòng thủ - riêng trong mắt Mỹ thì trước đây Trung Quốc chưa phải là đối thủ ngang tầm cở, nên chỉ lên kế hoạch ‘kềm chế’ mà thôi - việc thị trường chứng khoáng của Trung Quốc vừa qua bị đánh ‘xiểng liểng’,  hay việc khoảng 20 nhà máy hóa chất lớn tại lục địa liên hoàn thay nhau nổ (Thiên Tân, Liêu Ninh, Đông Dinh, Cam Túc, Chiết Giang, Giang Tô…) hoặc những trạm tàu  điện bị khủng bố (Côn Minh, Tân cương…) bị tấn công chết hàng chục người quả là những thảm họa không nhỏ cho xă hội và nền kinh tế đang lên của Trung Quốc. Ngoài ra giữa hai cường quốc ‘mới-cũ’  này còn có những liên quan thương mại đáng kể trong một thập niên qua - Do đó việc chính quyền Mỹ mạnh dạn quyết định cho chiến hạm  đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc như một thách thức -  so với chính sách đối ngoại vốn dè dặt của chính quyền TT.Obama tại biển Đông - không hẳn vì đã tới lúc nơi đây cần thiết có sự tham dự quân sự của Mỹ - mà lý do dây chuyền ở đây :
- Chính là do sự tham dự quân sự tích cực của Nga vào chiến trường Syria. - Chiến lược quân sự của Nga tại Syria mà trong mắt Mỹ là sẽ sa lầy và thảm bại đã được trả lời bằng hành động thực tế. - Qua gần 2 tháng liên kết tác chiến chặt chẻ giữa Không lực Nga và Bộ binh của quân đội Cộng Hòa Syria cùng đồng minh - được triển khai cùng các vũ khí thiết bị hiện đại của Nga - đã diễn ra khốc liệt trên khắp lãnh thổ, cho thấy Quân đội chính quyền Damascus đang từ thế thụ động vì bị vây bốn phía đã chuyển thành chủ động và cùng với đồng minh Iran, Hezbollah bắt đầu phản công và tấn công các nhóm quân khủng bố cực đoan như ‘Jabhat al Nusra’ và IS - tiến chiếm lại nhiều phần đất cũng như một số căn cứ chiến lược cùng những tuyến đường huyết mạch của quốc gia - điển hình là kiểm soát lại các tuyến đường cao tốc nối liền Aleppo với Damascus, Latakia, Hama…trước đây đều bị những nhóm phiến quân hổn hợp và IS kiểm soát. Giải vây và giành lại căn cứ không quân Kuweires đã bị IS công hảm nhiều năm  nay, cũng như chiếm lại  một vùng lãnh thổ rộng lớn gồm 50 quận huyện tại các tỉnh Aleppo, Latakia, Idlib, Homs và Damascus, trong đó Aleppo là thành phố lớn thứ nhì sau thủ đô Damascus và có dân số trên 2 triệu người.
Cho dù còn hơi sớm để nói đến thành công hay thất bại trong công cuộc chống và tiêu diệt các lực lượng khủng bố và đặc biệt là lực lượng bạo tàn, nguy hiểm ‘Nhà nước hồi giáo IS’ đang lây lan mọc rể, không chỉ tại Syria hay Iraq mà là khắp toàn cầu.Tuy nhiên những chiến thắng cụ thể đạt được trong hai tháng qua của liên minh quân đội chính phủ Damascus phải nói rằng nhờ vào sự yểm trợ tối đa bằng những vũ khí tối tân của nước Nga không chỉ về không, thủy lực - mà trên hết là yếu tố tâm lý - bởi sự quyết tâm hổ trợ của TT.V.Putin là một động lực quan trọng giúp nâng cao sĩ khí của quân đội Syria và đồng minh. Đây là một đáp án khá rỏ ràng cho thời gian 2 năm dài mà liên minh Mỹ gồm nhiều nước liên kết trút bom xuống Iraq và lãnh thổ Syria như ‘chổ không người’ nhưng hầu như không thể ngăn chặn bước tiến vững chắc của lực lượng khủng bố IS.
Cần nhắc lại là kể từ sau khi TT.Vladimir Putin quyết định gởi không quân tham chiến theo lời yêu cầu của đồng minh Syria kể từ ngày 30/9 thì liên tiếp có những luận điệu xuyên tạc của một số người cho rằng Nga chỉ muốn duy trì chế độ TT Assad và không kích vào quân do Mỹ hổ trợ chứ không phải tấn công IS : "Bằng cách tấn công những nhóm không cực đoan, Nga, một cách sai lầm, đã thúc đẩy sức mạnh tương quan của ISIL, nhóm đã lợi dụng chiến dịch này bằng cách chiếm giữ thêm lãnh thổ mới ở vùng nông thôn Aleppo." theo Đại sứ Mỹ tại LHQ, Samanantha Power.
Trước những phê phán chủ quan, thiếu tính xây dựng, vào giữa tháng mười, trong bài phát biểu tại thủ đô Moscow, Tổng thống Putin đã thật sự tức giận đáp trả “Tôi cho rằng, một vài đối tác của chúng tôi đơn giản là đầu óc ngớ ngẩn. Họ không hiểu chuyện gì thực sự đang xảy ra và họ cũng không biết chính họ đang tìm kiếm mục tiêu gì”.
TT V.Putin một lần nữa khẳng định về quyết định của Nga khi tham dự quân sự theo yêu cầu của chính quyền Damascus là nhằm giúp ‘Ổn định chính quyền hợp pháp của Syria và tạo điều kiện cho việc tìm kiếm một sự thỏa hiệp về chính trị’ tại đây, "Chúng tôi không nỗ lực để tìm kiếm vị trí lãnh đạo ở Syria". Ông cũng luôn nhắc nhở rằng vận mệnh của nước Syria hảy để cho người dân Syria định đoạt bởi chính lá phiếu ‘tín nhiệm hoặc không’ của họ chứ không ai có quyền quyết định thay thế họ. Trong thời gian qua chúng ta để ý sẽ thấy là có một số lãnh đạo các quốc gia tự cho mình là cường quốc Dân chủ, Tự do - tuy nhiên họ đang làm ngược lại với quy chế Dân chủ bằng việc đòi hỏi lãnh đạo của nước khác phải ‘từ nhiệm’ hoặc ‘bị lật đổ’ thì mới chịu hợp tác cho tiến trình hòa bình của nước này - bất chấp chiến tranh đã tàn phá và máu xương những Dân tộc Trung Đông trước đây và hiện tại là Syria đã đổ ra quá nhiều, và sẽ còn tiếp tục - chỉ vì họ muốn ‘Tổng Thống Assad phải ra đi’ - chứ không phải vì muốn giúp Syria ổn định và tìm kiếm hòa bình! Tuy nhiên họ quên rằng còn có một thế lực khủng bố cực kỳ nguy hiểm là IS -  ‘siêu sản phẩm’của chính sách ‘lật đổ độc tài’ tại Afghanistan, Iraq và Libya mà Mỹ theo đuổi bấy lâu -  đang lớn mạnh song song. Chủ trương xen vào ‘quyền tự quyết’ của các Dân tộc trên cũng như coi rẻ sinh mạng và hạnh phúc của họ là nguyên nhân phát sinh biến loạn, ‘hận thù’, kết hợp thành những lực lượng khủng bố càng lúc càng biến thái, nguy hiểm, gieo rắt chết chốc, kinh hoàng lan tràn khắp thế giới hiện nay.
Ngược lại với luận điệu tuyên truyền mà Mỹ và châu Âu công kích Nga về việc chống IS tại Syria, những diễn tiến lạc quan tại đây chỉ trong gần hai tháng đồng thời đã làm cho một vài nước Trung Đông như Iraq  hay Afghanistan có ý định nhờ Nga hợp tác chống IS, đây là một ‘cú đau’ cho Mỹ - đã dẫn đến việc Tướng Joshep Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ bất ngờ bay sang Iraq ngày 20/10 để đặt điều kiện với chính phủ Iraq (hiểu ngầm ‘nếu nhờ Nga thì sẽ không có Mỹ’). Tuy nhiên Iraq vẫn thành lập ủy ban trao đổi và hợp tác tình báo cùng Nga để chống lực lượng khủng bố IS, một hệ thống khủng bố đã chiếm gần phân nữa lãnh thổ Iraq mà liên quân Mỹ không thể ngăn chặn bước tiến của họ cho dù vũ khí của Mỹ rất dồi dào và hiện đại không thua kém Nga.
Cho đến nay những thành quả mà quân đội chính phủ Syria đạt được tại chiến trường nhờ sự can thiệp quân sự của TT. V.Putin là điều làm cho Mỹ và NATO ‘rất khó chịu’. Ngoài việc dùng thông tin để tấn công, bóp méo sự thật về sự hiện diện của quân đội Nga, họ cảm thấy cần làm  một điều gì đó cụ thể hơn để cũng cố vị thế ‘của mình’ trên thế giới thay vì cứ hô hào và lên án ‘vị lãnh đạo Nga’ một cách ‘độc điệu’- Đó là động lực thúc đẩy Mỹ có thái độ cứng rắn hơn tại biển Đông mà một đồng mình của Nga hiện nay là Trung Quốc đang là mối đe dọa cho tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng ở Đông Nam Thái Bình Dương.
Có một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng -  là cũng vì ảnh hưởng dây chuyền từ sau khi TT.V.Putin quyết định can thiệp quân sự vào Syria - song song với tình hình biển Đông sôi sục đã làm cho mối bang giao giữa Nga và Trung Quóc trở nên gần gủi hơn -  bởi bản năng phòng vệ trước những chuyển biến khó lường, và trước tham vọng không ngừng của một nước Mỹ luôn muốn cũng cố ngôi vị ‘độc tôn’ của mình - qua việc thực hiện kế hoạch chia nhỏ Trung Đông, -  làm chủ năng lượng và kiểm soát khu vực - trong chiến dịch ‘chống khủng bố’ được phát động từ 2001 cho tới nay - mà Syria cũng chỉ là một kich bản với cuộc nội loạn kéo dài gần 5 năm qua - chỉ vì Mỹ muốn lật đổ TT.Bashar-al-Assad với lý do là vị lãnh đạo Syria ‘độc tài’ -  thật ra nguyên nhân sâu xa là vì ông này  không chịu dưới sự sai khiến của Mỹ. Thảm họa của những quốc gia Bắc Phi và Trung Đông hầu như cùng một đạo diễn, tuy nhiên có một yếu tố đột xuất ngoài dự tính đó là - sự ‘thai nghén’ một ‘Nhà nước khủng bố IS’ ngoài ý muốn - từ những ‘thảm kịch’ tại đây - và đứa con ‘biến thái’ tàn bạo nhất  là IS đang thật sự trở thành một ‘hiểm họa’ lây lan như ‘bệnh dịch’ - cực kỳ nguy hiểm đang đe dọa tại Trung Đông cũng như toàn thể thế giới mà chưa có thuốc trị. Sự phát triển nhanh chóng và quy mô của tổ chức với ý thức hệ tôn giáo cực kỳ cuồng tín, cuồng sát và cũng có tham vọng trở thành ‘bá chủ’- thành lập một Đế chế hồi giáo ‘Caliphate’thống lĩnh toàn cầu, hiện đang tạo ra một mặt trận mới mà cả Mỹ, châu Âu, Nga và Trung Quốc cùng các nước khác đang phải đối mặt trong một ‘tình trạng khẩn cấp’.
Ngoài ra còn một điều đã khiến cường quốc đương kim ‘bá chủ’ là Mỹ vừa ‘nhức nhối’ tại Trung Đông, vừa không dám xem thường sự tranh chấp tại biển Đông -  là quan hệ giữa Trung Quốc và Nga kể từ sau việc Nga bị NATO áp đặt lệnh trừng phạt và cô lập kinh tế thì đã được mở rộng trên mọi mặt - gần như đang trở thành đồng minh chiến lược - điều này là một hệ quả tất yếu của sự tiến hóa bởi vì trong vũ trụ này không ai có thể ‘một tay che trời’. Còn một khía cạnh khác khá thú vị, có lẽ thích hợp với câu ‘Tái ông mất ngựa’, bởi vì sau khi Không lực Nga thi triển trên chiến trường Syria, trong thực tế đã chứng minh vũ khí Nga rất hiện đại và đạt năng suất cao, điều đó vô tình hình thành cho Nga một thị trường giao dịch mới qua việc ký kết hợp đồng bán Vũ khí lên đến hàng chục tỷ với một số quốc gia như Ấn Độ, Iran, Saudi Arabia và Trung Quốc. Cần nhấn mạnh ở đây là với vũ khí tân tiến của Nga thì Trung Quốc đã lấp được vào chổ khuyết của mình về lãnh vực quốc phòng và điều này cũng góp phần vào việc làm thay đổi lập trường của chính quyền Obama tại vùng biển Đông Nam Á. (còn tiếp)
Lạc Việt

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ