Monday, January 16, 2017

THIÊN NHIÊN BÍ ẨN

Những cảnh thiên nhiên đẹp dị thường 

Những cảnh tượng thiên nhiên kỳ lạ sau đây có lẽ làm chúng ta rất ngạc nhiên và hiếu kỳ đồng thời có cảm tưởng như ở vào một hành tinh nào khác ?

Vòng tròn bí ẩn dưới đáy đại dương 
Sâu thẳm dưới đáy đại dương được tìm thấy có những dấu vết kì lạ, bí ẩn mà nhiều người cho rằng người ngoài hành tinh đã thực sự đến Trái Đất và để lại những dấu tích đáng ngờ dưới đáy đại dương, nơi mà hầu như không ai có thể đến được.
Vòng tròn dưới đáy đại dương
Nhưng mọi việc đã dần sáng tỏ khi mới đây theo tin của Đại học ESF (Mỹ) các nhà khoa học đã bất ngờ khám phá ra rằng tác giả những chiếc vòng này không phải là người ngoài hành tinh mà là loài cá nóc mới có tên khoa học là Torquigener albomaculosus.
Chính xác hơn, những vòng tròn kỳ lạ này là “tổ ấm” do cá đực dựng nên bằng cách bơi và “quẩy” trên nền cát dưới đáy biển. Mỗi cái tổ chỉ được sử dụng một lần và chủ yếu con đực dùng để thu hút bạn tình của chúng.
Trước tiên, chúng bơi dưới đáy biển theo vòng tròn vài giờ đồng hồ, sau đó dùng vây vẽ nên những đường rãnh chỉ bằng một động tác giống nhau. Những cái tổ thường có 2 đường viền, và được chia đối xứng tâm. Thiết kế kỳ lạ này không chỉ để cho đẹp mà các khoa học gia sau một thời gian nghiên cứu đã phát hiện ra vòng tròn được loài cá này tạo ra nhằm giảm sức ảnh hưởng của dòng hải lưu, ngay chính giữa tâm. Điều này có thể bảo vệ trứng của cá nóc trong vùng biển đầy sóng gió và các động vật ăn thịt.

Thác máu ở Nam Cực

Victoria, vùng đất ngay dưới phía Nam của New Zealand, có một khung cảnh mang hơi hướng của phim hành động với dòng nước đỏ tươi tuông chảy triền miên, tô đậm trên bề mặt trắng xóa của của dòng sông băng Taylor dài hơn 56m. Màu đỏ như máu tạo cho khung cảnh thiên nhiên trở nên kinh dị. Thật ra, thác Máu không liên quan gì đến máu. Màu đỏ ấn tượng ấy là tác phẩm của loài vi sinh vật ăn lưu huỳnh sống ở sâu trong những hồ nước ngầm giàu sắt bên dưới sông băng. Chúng thải ra ô-xít sắt màu đỏ thẫm làm cho băng trắng đổi màu. Ngạc nhiên hơn, họ còn khám phá ra một loài vi khuẩn sống được 400 mét dưới lớp băng chỉ nhờ nguồn sắt và sulfur này.
Hầu nhưng không mấy người có cơ hội nhìn thấy thác Máu ngoài đời thật. Nhưng nhìn qua ảnh chụp cũng khá đáng sợ. Nơi này được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1911 do công trình của nhà địa lý Thomas Griffith Taylor trong một chuyến thám hiểm Nam Cực. Dòng sông băng được đặt theo tên ông. 

Hồ nước “ma” biến động vật thành đá
Hồ Natron ở Tanzania là một trong những hồ nước yên tĩnh nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, nơi đây cũng sản sinh ra những cảnh tượng giống như ảo ảnh nhưng lại là sự thật được biểu hiện qua hình ảnh của những động vật bị hóa đá sau khi đến gần hồ nước.
Những du khách khi đến hồ Natron sẽ không thể không kinh ngạc khi thấy những loài động vật bị bất động đầy bí ẩn tại nơi đó.


Hồ Natron
Chính vì hiện tượng kỳ bí này mà các nhà khoa học đã tiến hành một sự nghiên cứu và họ phát hiện ra độ kiềm trong nước hồ Natron có nồng độ pH rất cao, lên đến 10,5. Độ kiềm của nước hồ Natron có hàm lượng cao như vậy là do chất natri cacbonat và các khoáng sản khác từ các ngọn đồi xung quanh thấm vào nguồn nước của các con sông đổ về hồ.

Nồng độ pH này tương đương với độ kiềm của amoniac. Chính vì nguyên nhân này đã gây ra những cái chết đối với các loài động vật, bởi lẽ nó có thể đốt cháy da và mắt của chúng nếu chẳng may tiếp xúc với nguồn nước tại đây.
Chất natri cacbonat từng được người Ai Cập cổ đại sử dụng trong thuật ướp xác. Đây cũng là nguyên liệu chính đã giữ gìn nguyên vẹn xác của những loài động vật không may bị chết tại hồ Natron.
Đợt sóng dài nhất thế giới :
Sóng Pororoca
Cứ mỗi hai lần một năm, khoảng giữa tháng hai và tháng ba, vùng biển Đại Tây Dương lại “cuồng nộ” dâng làn sóng vĩ đại dài nhất trên thế giới trên sông Amazon, Brazil. Hiện tượng này được người Brazil gọi là Pororoca, khởi đầu do những cơn thủy triều ở Đại Tây Dương tràn về mép sông.
Thủy triều đã tạo ra những ngọn sóng cao gần 4m và kéo dài hàng giờ. Tên gọi Pororoca có nguồn gốc từ tiếng thổ dân Tupi, có nghĩa là ồn ào, tàn phá và hủy diệt.
Trước khi sóng đến gần người ta đã có thể nghe thấy âm thanh phát ra cách xa hàng chục kilomet, sóng tàn phá mọi thứ, kể cả nhà cửa, cây cối, xe cộ, không khác gì những cơn sóng thần.
Cơn sóng Pororoca năm 2003 đã kéo dài tới 37 phút, trên chặng đường dài 50km, gây thiệt hại trầm trọng cả một vùng rộng lớn.
Sóng Pororoca gần như xuất hiện mỗi năm nên người dân cũng đã có cách ứng phó để hạn chế tối đa thiệt hại. Từ năm 1999 họ cũng đã tổ chức những cuộc thi lướt sóng gọi là Pororoca.

Những hòn đá “máu sống”
Hòn đá máu sống
Nếu bạn có dịp đi dạo dọc bờ biển Chile hay Peru, bạn sẽ thấy rất nhiều hòn đá cuội, thế nhưng nếu có ai đó tình cờ xẻ nó ra làm đôi, có lẽ bạn sẽ không thể tin vào mắt mình khi từ những hòn đá này chảy ra những dòng máu đỏ tươi, nhiều người sẽ rùng mình khi biết đây là những sinh vật sống.
Loài sinh vật lạ thường này có tên khoa học là “Pyura chilensis” còn được gọi là những hòn đá sống, thật ra đây là một loại sinh vật biển đặc biệt thường sống dọc bờ biển Chile và Peru từ năm 1782.
Thức ăn của đá sống Pyura chilensis là các loại vi tảo được hấp thụ bằng cách lọc qua một vòi hút. Sinh vật này cũng có máu với thành phần đặc biệt bao gồm một chất bí ẩn cực hiếm có tên là vanadium.
Pyura chilensis được xem như một sinh vật ngoài hành tinh, khi sinh ra nó vốn là giống đực, nhưng lớn lên nó chuyển thành giống cái và giữ như vậy cho đến cuối đời.
Chúng tồn tại bằng cách sản xuất ra cả trứng lẫn tinh trùng thụ tinh tại nơi nhiều chất dinh dưỡng và hình thành nên những con nòng nọc nhỏ bám theo những rạng đá xung quanh để phát triển

"Cây mạng nhện" tại Pakistan

Sau một trận lũ kinh hoàng kéo dài và tàn phá trầm trọng, hệ thống mạng nhện bất ngờ xuất hiện và đặc biệt phủ kín toàn bộ cây cối tại một làng tại Pakistan tạo nên một cảnh tượng kỳ quái, dị thường tại nơi đây.
Trận lũ lụt này đã cướp đi mạng sống của 2.000 người và làm cho 20 triệu người phải chịu cảnh màn trời, chiếu đất.
Những Mạng nhện giăng kín làm giảm lượng ánh sáng cần thiết cho cây khiến chúng khô héo và chết dần.
Hầu như tất cả cây và bụi rậm nhô lên mặt nước đều trở thành nơi trú ẩn an toàn của loài nhện trong những ngày nước lũ hoành hành.
Nhưng mặt khác, một lượng muỗi lớn lại bị dính vào mạng nhện, nhờ đó mà nguy cơ mắc bệnh sốt rét của người dân tại đây lại được giảm đi.
  
Hoa băng tuyết cực hiếm
Hoa băng tuyết được hình thành trên biển băng mỏng khi không khí lạnh hơn nhiều so với lớp băng phía dưới. Thường sự khác biệt nhiệt độ giữa bề mặt băng và không khí chênh lệch ít nhất là 15°C.
Khi không khí ẩm ướt và ấm gặp lớp không khí lạnh nằm phía dưới sẽ trở nên bão hòa và có thể ngưng tụ thành những tinh thể sương muối trên bề mặt của nước.

Điều kiện để hoa băng tiếp tục phát triển đó là mặt nước phải luôn ẩm ướt và không được đóng băng. Khi băng phát triển quá dày, mặt trên của băng sẽ lạnh đi rất nhanh và hoa sương tuyết không thể phát triển.
Điều này có nghĩa là hoa băng thường chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong năm và chỉ tồn tại trong vài ngày đầu tiên của quá trình hình thành băng.

Thác nước rực lửa
Thác nước nham thạch nằm trong công viên quốc gia Yosemite tại Mỹ. Đây là hiện tượng thiên nhiên cực hiếm thu hút nhiều nhà khoa học và du khách đến tìm hiểu.
Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi của tháng Hai và chỉ có thể nhìn thấy trong một vài phút, vì vậy phải đòi hỏi sự kiên nhẫn và may mắn.
Theo các nhà khoa học, có thể đây chỉ là những ảo ảnh quang học khiến cho thác nước đã phản chiếu ánh sáng tuyệt vời của Mặt Trời.
Bài sưu tầm

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ