Sunday, July 14, 2013


Quan hệ đối tác Việt Mỹ ‒ Vấn đề nhân quyền được chú trọng hàng đầu

Hôm 11/07/2013, tòa Bạch Ốc ra thông báo cho biết là tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đón tiếp chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang vào ngày 25/07 tới. Theo thông báo này thì tổng thống Obama sẽ thảo luận với chủ tịch Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong khu vực, đồng thời cũng cố hợp tác giữa các quốc gia ASEAN.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cùng phu nhân, bà Michelle Obama chụp hình kỷ niệm với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và phu nhân, bà Mai Thị Hạnh, trước khi khai mạc thượng đỉnh APEC tại Hawaï ngày 12/11/2011.

REUTERS/Larry Downing

Đây là lần thứ hai, một nguyên thủ quốc gia của Việt Nam viếng thăm Tòa Nhà Trắng kể từ khi hai nước bình thường hóa bang giao. Chuyến đi của chủ tịch Trương Tấn Sang diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Mỹ ngày càng thêm nhiều lợi ích chung.
Việc ông Trương Tấn Sang sẽ thăm Washington, sau khi vừa kết thúc chuyến công du tại Trung Quốc, cho thấy là Hà Nội thật sự lo ngại trước tham vọng bành trướng chủ quyền về lảnh hải của Bắc Kinh trên Biển Đông. Do đó việc tăng cường hợp tác với phương Tây và nhất là Mỹ là một việc cần thiết trong thế thăng bằng quyền lực chính trị.
Theo tinh thần của thông cáo thì ông Barack Obama và ông Trương tấn Sang sẽ thảo luận những vấn đề quan trọng về khu vực trong đó có sự chuyển đổi khí hậu. Vấn đề về nhân quyền tại Việt Nam và nhất là hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP).
Trong quan hệ càng ngày càng xích lại gần hơn giữa Việt Nam và kẻ đại thù trước đây «đế quốc Mỹ», một số dân biểu quốc hội Mỹ đã chỉ trích chính quyền Obama thiếu cứng rắn, về vấn đề nhân quyền đang càng ngày càng kém tại Việt Nam.
Qua một cuộc điều trần vào tháng trước tại Quốc hội, một số quan chức chính quyền Mỹ nhận định là Hà Nội đã bắt và cầm tù khoảng hơn 120 nhà hoạt động ôn hòa, là các blogger bất đồng chính kiến trong thời gian vừa qua. Song song là việc tìm cách kiểm soát và ngăn chặn truyền thông trong nước, nhất là mạn Internet.
Qua nhận định của một số các học giả về tình hình biến chuyển chính trị tại Việt Nam gần đây, trong đó có Giáo sư Jonathan London từ City University of Hong Kong, cho rằng nhân quyền là một trong những rào cản trong quan hệ Việt-Mỹ. Ông nói Việt Nam cần có bước đột phá trong quan hệ với Hoa Kỳ, và để làm điều này thì Đảng CSVN phải có những đổi thay thực sự. Cũng theo ông thì thay đổi hữu hiệu nhất mà lãnh đạo Việt Nam có thể làm là "cho phép toàn dân tham gia vào cuộc sống chính trị của đất nước một cách công bằng, chấm dứt đàn áp, và phát triển thể chế dân chủ ở trong nước".

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ