Tuesday, April 21, 2015

Tâm linh

Truyện Thiền
Tách trà

Nan-in là một thiền sư Nhật sống vào thời đại Minh Trị (1868-1912). Ngày kia, ngài tiếp một giáo sư đại học đến tham vấn về thiền.
Thiền sư rót trà mời khách. Ngài rót đầy tách trà của khách rồi nhưng vẫn tiếp tục rót.

Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách trà tràn ra mãi, cho đến khi không dằn lòng được nữa phải kêu lên: “Đầy quá rồi, không thể rót thêm vào được nữa!”

Thiền sư nói: “Cũng giống như tách trà này, trong lòng ông đang chứa đầy những quan điểm và định kiến. Làm sao tôi có thể trình bày với ông về thiền nếu như trước tiên ông không làm trống cái tách của ông đi?”

Luận :

Mỗi chúng ta đều có một tách trà, và phần lớn là những cái tách đã đầy ắp. Vì thế, quá trình tiếp thu mỗi một tư tưởng mới thường bao giờ cũng là sự đối chọi, xung đột và tranh chấp với các tư tưởng cũ, chen chúc nhau trong một tâm thức ngày càng thu hẹp.
Thiền không chấp nhận tiến trình này. Các thiền sư không bao giờ tranh biện hay thuyết phục người khác tin theo mình. Họ chỉ giản dị sống và thể hiện thiền qua chính cuộc sống. Vì thế, sẽ không có bất cứ phương cách nào để bạn tiếp nhận thiền trừ phi bạn buông bỏ những quan điểm, định kiến sẵn có. Khi tách trà của bạn đã được làm trống, tâm thức bạn sẽ tự nhiên rộng mở và dòng nước thiền cũng tự nó dạt dào tuôn chảy. Tách trà ấy tự nó có thể chứa đựng cả ba ngàn đại thiên thế giới !

Thật thế sao?

Thiền sư Hakuin luôn được mọi người sống quanh ngài ca ngợi về nếp sống trong sạch, đạo hạnh. Gần nơi ngài sống có một cửa hàng thực phẩm. Hai vợ chồng người chủ cửa hàng có một cô con gái trẻ đẹp. Thật bất ngờ, một hôm hai người bỗng nhận ra cô con gái của mình đã mang thai!

Điều này làm cho cha mẹ cô gái bừng bừng nổi giận. Cô lại nhất định không chịu khai ra ai là tác giả cái bào thai đó. Tuy nhiên, sau bao nhiêu lần tra vấn hạch hỏi, cuối cùng cô lại chỉ đến thiền sư Hakuin!

Trong tâm trạng cực kỳ tức giận, cha mẹ cô lập tức tìm đến chỗ vị thiền sư. Sau khi nghe sự việc, ngài chỉ hỏi lại: “Thật thế sao?” Rồi chẳng biện bạch gì.

Sau khi đứa bé được sinh ra, người ta mang đến giao cho ngài. Vào lúc này, thanh danh của ngài chẳng còn gì nữa, nhưng ngài không màng đến điều đó. Ngài hết lòng chăm sóc đứa bé. Ngài đi xin sữa từ những người hàng xóm cũng như tất cả những thứ cần thiết để nuôi dưỡng nó.

Một năm sau, người mẹ trẻ không còn dằn lòng được nữa, liền thú nhận sự thật với cha mẹ nàng, rằng người cha thực sự của đứa trẻ là một thanh niên làm việc ở chợ cá. Cha mẹ nàng lập tức đến chỗ thiền sư Hakuin để tạ lỗi, cầu xin sự tha thứ của ngài, và xin được nhận đứa bé về.

Thiền sư vui vẻ chấp thuận. Khi trao lại đứa bé, ngài cũng chỉ nói mỗi một câu: “Thật thế sao?”

Luận :

Khi phải chịu đựng những sự oán giận hay chê trách về một sự việc mà mình không hề thực hiện, chỉ có thực hành nhẫn nhục mới có thể giúp ta vượt qua được với tâm trạng thản nhiên mà không có sự khổ đau, uất ức.
Thiền sư đã chứng tỏ một khả năng chịu đựng oan khuất gần như không giới hạn. Nhưng điều  đáng nói hơn nữa là ngài hầu như không tỏ ra vẻ gì cho thấy việc ngài đang phải chịu đựng. Hạnh nhẫn nhục của ngài đã thành tựu đến mức có thể chấp nhận mọi nghịch cảnh với một tâm thức an nhiên không lay động.

Không xa quả Phật

Một sinh viên đại học đến viếng ngài Gasan và hỏi: “Thầy đã bao giờ đọc Kinh Thánh của đạo Thiên chúa chưa?”
Ngài Gasan đáp: “Chưa, đọc ta nghe xem.”

Người sinh viên mở cuốn Kinh Thánh và đọc trong phần thánh Matthew: “...Và tại sao anh em phải lo lắng về áo mặc? Hãy suy xét việc những hoa huệ ngoài đồng mọc lên như thế nào. Chúng không làm lụng cực nhọc, cũng không kéo sợi. Tuy thế, Thầy bảo cho các anh em biết rằng, ngay cả vua Salomon dù vinh hoa tột bậc cũng không ăn mặc đẹp được như một trong các bông hoa ấy... Vậy nên đừng lo lắng về ngày mai, vì ngày mai cứ để ngày mai lo...”

Gasan nói: “Ai nói ra được những lời ấy, ta cho đó là một người giác ngộ.”

Người sinh viên tiếp tục đọc: “...Anh em cứ xin thì sẽ được cho, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì cửa sẽ mở. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ thì cửa sẽ mở ra cho.”

Gasan nhận xét: “Tuyệt lắm! Ai đã nói ra điều đó thật không còn xa quả Phật.”

Luận :

Chân lý không có sự phân biệt đông tây kim cổ. Những gì phù hợp với chân lý sẽ giống nhau dù ở bất cứ nơi đâu, dù thuộc về thời đại nào. Chỉ tiếc là con người thường dựa vào những yếu tố không thực sự cấu thành chân lý để định danh và phân biệt, từ đó mà tạo thành trăm sai ngàn khác !

Ngụ ngôn
Trong kinh điển, Đức Phật có kể lại một ngụ ngôn như sau:
Một người băng qua cánh đồng và gặp một con cọp. Anh ta bỏ chạy, con cọp đuổi theo. Chạy đến một bờ vực sâu, anh ta nắm chặt lấy một cái rễ dây leo và buông mình xuống vực. Con cọp đứng trên bờ vực gầm gừ ngó xuống. Run rẩy, anh ta nhìn xuống đáy vực và thấy một con cọp khác đang chờ để đớp lấy anh! Anh chỉ còn bám víu duy nhất vào sợi dây leo.

Nhưng rồi hai con chuột xuất hiện, một trắng một đen, bắt đầu gặm đứt dần từng chút một vào sợi dây leo. Anh ta chợt nhìn thấy một trái dâu rừng chín mọng ngon lành ở gần đó. Một tay nắm chặt sợi dây leo, anh ta đưa tay kia với hái lấy trái dâu. Ôi trái dâu thơm ngọt biết bao!
Luận :

Không chỉ ở bên trên và bên dưới, mà cuộc sống quanh ta bốn phương tám hướng đều là những con cọp hung dữ, sẵn sàng đẩy ta vào địa ngục để nhận chịu những ác nghiệp đã tạo ra. Sợi dây leo mong manh mà ta đang nắm lấy là mạng sống được duy trì trong từng hơi thở này, vốn dĩ thở ra không hẹn thở vào! Nhưng hai con chuột thời gian ngày và đêm đang kiên trì gặm đứt dần mạng sống, vì mỗi ngày trôi qua ta càng đến gần hơn với cái chết. Thế mà trái dâu ngũ dục vẫn làm cho ta ngày ngày vui thích, say mê không thức tỉnh. Ăn ngon, mặc đẹp, sắc dục, tiền tài... Nếu biết đó chỉ là một trái dâu rừng trong lúc mạng sống đang nguy cấp, sao còn có thể say mê quên cả hiểm nguy ?

(GCT)

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ