Wednesday, November 9, 2016

Tin thế giới - Tổng thống thứ 45 của Mỹ

Tổng thống thứ 45 của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ - Cú ‘chấn động, nghich đảo chính trị’ ngoạn mục - Donald Trump

Những cử tri ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, người tràn đầy triển vọng sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ, đã bật khóc và thất vọng ê chề khi kết quả cuối cùng được công bố - ông Donald Trump vị tỷ phú, nhà kinh doanh bất động sản đã đắc cử tổng thống thứ  45 của nước Mỹ, đạt số phiếu đại cử tri vượt khỏi tiêu chuẩn 270.
Sau hơn một năm cạnh tranh vô cùng gây cấn và quyết liệt trong cuộc vận động bầu cử giữa hai Ứng cử viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa, mà trong mắt của truyền thông thế giới và dư luận trong nước từng mệnh danh là đầy ‘kịch tính’ và có một không hai này, cuối cùng đã có kết quả. Một kết quả ngoài dự đoán của các chuyên gia và đa số các cơ quan thông tin tại Mỹ, cũng như trên thế giới, vì xác xuất thăm dò, cho đến ngày cuối cùng vẫn nghiêng sự ủng hộ và ưu thế về phía nhà chính trị ưu tú là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton.
Sau khi đắc cử, tân tổng thống Donald Trump đã có bài phát biểu về ‘Hàn gắn những vết thương, và kêu gọi sự đoàn kết nước Mỹ’, ông cũng đã nhận xét về bà Clinton như sau :
‘Tôi vừa nhận được điện thoại từ bà Clinton. Bà ấy chúc mừng chiến thắng của chúng ta…Bà ấy đã làm rất tốt. Hillary đã làm việc rất nhiệt thành và bền bỉ trong suốt một thời gian dài. Chúng ta nợ bà ấy lòng biết ơn vì những gì bà ấy đã làm cho nước Mỹ’…Giờ là lúc để hàn gắn những vết thương mà chiến dịch tranh cử đã để lại…Tôi cam kết với mọi công dân rằng tôi sẽ trở thành tổng thống của tất cả người dân Mỹ’.
Sự chiến thắng của vị tân tổng thống hầu như thiếu hẳn kinh nghiệm chính trường Donald Trump, cũng đồng thời là một hiện tượng ‘đảo ngược’ quan điểm, cái quan điểm suy nghĩ và phán xét theo một thói quen cố hữu của kinh nghiệm nhưng hầu như bị đóng khung trong kiến thức.

Thực tế sự lựa chọn tổng thống qua luật bầu cử đặc biệt tại Mỹ phải thông qua số phiếu đại cử tri, được quy định cho mỗi tiểu bang, và Ứng cử viên đạt 270 phiếu đại cử tri sẽ trở thành tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump đã được công bố là người thắng cuộc chạy đua vào ‘ngũ giác đài’- tuy nhiên các đại cử tri sẽ tập họp và bỏ phiếu bầu như một thể thức vào ngày 17.12. 2016, rồi sau đó đầu tháng 1.2017 quốc hội sẽ họp và vào ngày 20.1.2017, tân Tổng thống sẽ chính thức vào ‘Bạch cung’ cũng là lúc tổng thống tiền nhiệm, ông Barack Obama sẽ ra đi. 
Mặc dầu sau kết quả, đúng theo quy định của luật bầu cử Mỹ đã được công bố, nhưng những người ủng hộ và mong chờ sự chiến thắng của bà Clinton đã không chấp nhận sự đắc cử cuả ông Donald Trump, phát động biểu tình các nơi trên đất Mỹ. Không có gì ngạc nhiên khi họ tức giân vì bao sự xây đắp và kỳ vọng đặt vào vị ‘Tổng thống tương lai’ của họ bổng chốc bị sụp đổ. Dù sao trong cuộc tranh cử và ngay cả sau khi có kết quả thì ông Donald Trump vẫn là một ‘biến cố đặc biệt’ của nước Mỹ và thế giới.
Những điểm cốt lõi của chính sánh mà tân Tổng thống Trump đã đề ra trong chặng đường tranh cử suốt thời gian qua, chính là một điều gì đó khác biệt và sẽ va chạm quyền lợi của nhiều thành phần cả trong và ngoài nước. Người ta nói chính trị biến hóa khó lường, do đó cái gì cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên nhìn thực tế về sự chiến thắng của nhà chính trị non trẻ và giàu có do kinh doanh đang sắp chính thức bước vào ‘trung tâm quyền lực’ của Washington, chúng ta cũng cảm thấy là phân nữa dân Mỹ muốn có một sự đổi mới và táo bạo, có tính hơi phiêu lưu trong đời sống xã hội lẫn chính trị và kinh tế của họ, hầu như đang bị khủng hoảng nhiều về niềm tin. Và cuộc bầu cử lần này bị đánh giá là gay cấn nhất từ trước tới nay khi mà cả hai Ứng cử viên đều bị kéo vào một cuộc chiến ‘vạch trần’ đối phương hầu như để đạt chiến thắng!
Dù rằng dưới mắt các nhà chính trị chuyên nghiệp thì tân tổng thống Trump ‘không phù hợp’ để làm tổng thống, tuy nhiên trong mắt người dân Mỹ ủng hộ ông ta thì có lẽ chính sự không bị ‘đóng khung’ trong bối cảnh cổ điển của đường lối chính trị quá khứ của Mỹ, là một điểm thu hút cử tri. Cho dù ông ta đã phát biểu theo cảm tính nhiều hơn là sắp đặt lý trí bài bản, nhưng chính điều này khiến ông ta có vẻ ngây ngô, chân thật hơn những chính trị gia sạn sỏi, đồng thời sự nhiệt tình, sôi nổi bị coi là khích động và bất thường nơi ông ta cũng tạo cho người nghe một cảm giác về sự ‘dám nói, dám làm’ ? Song song với những điều trên còn cho thấy người dân Mỹ hôm nay muốn nước Mỹ rút chân ra khỏi chính sách đối ngoại vốn được duy trì từ sau đệ nhị thế chiến, và nhất là từ đầu thế kỷ này, một chính sách không có gì mới lạ mà bà Hillary Clinton từng tuyên bố, đó là sẽ giữ cho nước Mỹ luôn là cường quốc số một trên thế giới và chế độ ‘Ô dù’ vẫn tiếp tục duy trì. Sự thắng lợi của ông Trump là một thông điệp của những người Mỹ muốn một nước Mỹ hùng mạnh nhưng tập trung vào nội bộ hơn là can thiệp khắp nơi ở bên ngoài vì ngôi vị bá chủ hoàn cầu. Điểm qua một vòng quá khứ về khía cạnh này, phải chăng sự can thiệp có chủ ý của Mỹ vào nội bộ các nước khác mà nguyên nhân sâu xa là để đối đầu với Nga, đã tạo ra một Trung Đông chiến tranh và bạo lực triền miên. Chủ nghĩa khủng bố cực đoan điển hình là IS nảy nở và lan rộng. Các nước châu Âu đang đối diện với làn sóng tị nạn và di cư ồ ạt dẫn đến tình trạng xáo trộn và xung đột xã hội càng ngày càng trầm trọng. Sự đối nghịch giữa Nga, Mỹ gia tăng thì chiến cuộc Syria càng kéo dài, và châu Âu cũng càng căng thẳng với Nga theo phản xạ dây chuyền, mà các bên vẫn cứ cho rằng mình đang tự bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, phòng chống một sự xâm phạm !
Sự chiến thắng của ông trùm bất động sản và cũng sẽ là Tổng thống mới của một cường quốc mạnh nhất trên thế giới, đã thật sự gây ‘chấn động’ trong và ngoài nước Mỹ. Trong nước thì dấy lên làn sóng lo sợ về quyền nhập cư, quyền của những người đang cư trú không chính thức, quyền về bảo hiểm y tế qua chương trình ‘Obamacare’ có thể bị thay đổi…Ngoài nước thì lo ngại về chương trình ‘biến đổi khí hậu’ toàn cầu mà Mỹ có thể rút sự ủng hộ tài chính hàng tỉ dollas, rút chiếc ‘Ô dù’ bấy lâu che phủ cho một số các nước châu Á như Đại Hàn, Nhật Bản và một số đồng minh châu Âu nếu không có điều kiện nào đó phù hợp. Riêng hiệp ước đối tác ‘TPP’ có lẽ sẽ không thể xúc tiến. Ngoài ra một số lãnh đạo châu Âu, thuộc NATO, đồng minh Mỹ đang căng với Nga ở phía Đông, đã lộ rõ sự thất vọng và nghi ngờ về chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ, và xem chiến thắng của ông Trump là một cú ‘Brexit’ như của Anh.
Dù sao cũng hảy còn quá sớm để phán đoán mọi việc, nhất là phạm vi rộng và phức tạp của chính trường, vì một tổng thống họ không làm việc và quyêt định cá nhân mà còn có rất nhiều người giỏi và chuyên môn cố vấn bên cạnh, ngoài ra mỗi dự định của họ đều phải thông qua quốc hội trước khi thành dự luật thay đổi hay ban hành. Hy vọng rằng tất cả sẽ được trả lời trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của tân tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dù thắng hay bại những người Mỹ luôn có tinh thần yêu nước cao độ, và sự thượng tôn pháp luật của họ là một giá trị tuyệt đối của Dân chủ, và làm nên sự hùng mạnh của Hiệp chủng quốc Mỹ - qua lời phát biểu sau đây của Ứng cử viên thua cuộc Hillary Clinton là một chứng minh, và đáng cảm phục.
"Đêm qua, tôi đã chúc mừng Donald Trump và đề nghị được làm việc với ông ấy vì đất nước của chúng ta. Tôi hy vọng ông ấy sẽ là một tổng thống thành công vì mọi người dân Mỹ,"…Bà nhấn mạnh rằng việc chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử là một điều rất quan trọng : "Donald Trump sẽ trở thành tổng thống. Chúng ta nợ ông ấy một sự cởi mở về tư tưởng và một cơ hội được lãnh đạo". Bà Clinton cũng nói ngoài việc tôn trọng cuộc bầu cử, “chúng ta phải bảo vệ” các giá trị của luật pháp.
Mong rằng các vị tổng thống Mỹ đều sẽ làm được những điều hữu ích nhất cho nước Mỹ, cũng như đóng góp vào sự ổn định và hòa bình chung của thế giới.
Lạc Việt

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ