Saturday, April 20, 2013


BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT

Khi mới thành đạo, đức Phật đã nói : “Lạ thay tất cả chúng sanh đều có đức tính trí huệ của Như Lai mà bị vô minh che lấp nên không phát hiện ra được”. Và bản nguyện của Phật là muốn khai thị cho chúng sanh ngộ nhập được tri kiến Phật của chính mình, nghĩa là đức Phật muốn chỉ cho chúng ta thấy trong chúng ta có tri kiến chẳng khác với Phật. Chính vì thế mà bổn phận của người học và tu Thiền là phải làm thế nào để nhận ra được, để hằng sống với tri kiến Phật của chính mình. 
Một vị pháp sư chuyên giảng về Duy Thức tìm đến hỏi chuyện ngài Huệ Hải: 
- Thiền sư dùng cái tâm nào để tu đạo? 
Hòa thượng trả lời rằng: 
- Tôi không dùng tâm nào để tu. Và cũng chẳng có đạo nào để tu cả.
Vị pháp sư hỏi tiếp: 
- Nếu nói không có tâm nào để dùng và không có đạo nào để tu vậy sao hằng ngày lại hợp chúng để thuyết pháp? 
Hòa thượng trả lời: 
 - Lão tăng không có đất cắm dùi chỗ nào mà hợp chúng, không có lưỡi thì lấy đâu mà khuyên ai? Hòa thượng đã phủ nhận tất cả, không công nhận cái thân tứ đại, cũng không nhận tâm vọng tưởng, không kẹt vào ngôn ngữ, không có tướng ta tướng người… Người nghe không biết đường nào để hiểu, chỉ vì Ngài sống với tâm tuy không có bóng dáng nhưng trùm khắp. Do vậy nếu chúng ta hằng sống với cái tâm thanh tịnh thì không cần dùng tâm nào và đạo nào để tu.

Trở lại với câu chuyện trên của thiền sư Huệ Hải. Khi nghe thiền sư Huệ Hải bảo là không có lưỡi để nói thì vị tăng này rất tức, cho rằng Ngài nói dối. 
Thiền sư bèn trả lời rằng: 
- Tôi không có lưỡi để nói thiệt thì lấy đâu để nói láo. 
Vị tăng nói: 
 - Thiệt là không hiểu được lời của thiền sư. Thiền sư Huệ Hải cũng trả lời: 
- Tôi cũng không hiểu. 
Thiền sư đã chỉ rất kỹ. Nói không hiểu, không biết là đã chỉ rất rõ. Bởi vì tâm là biết, là hiểu. Nó không phải là đối tượng để hiểu biết. Mọi tư tưởng, hành động của chúng ta đều từ cái tâm mà ra. Kinh Pháp Cú đã từng nói: Ý dẫn đầu các pháp Ý làm chủ, ý tạo. Nếu với ý ô nhiễm Nói lên hay hành động Khổ não sẽ theo sau Như xe theo vật kéo. Và: Những ai với ý thanh tịnh Nói lên hay hành động An lạc bước theo sau Như bóng không rời hình. Tâm làm chủ mà mình biết thì nó đã trở thành “đối tượng” chứ không phải là chủ nữa. Người muốn sống với đạo, muốn trở về với bản tâm thanh tịnh thì phải buông bỏ hết, bản tâm tự hiển lộ. Và khi đã nhận được bản tâm thì nói cũng được mà nín cũng được. Còn khi chưa nhận thì dù nín hay nói gì cũng sai hết. Cái khó là ở chỗ đó. Trong kinh Bát Nhã có câu: “vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý” có nghĩa là “không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý”. 
Ngài Ngưỡng Sơn lúc còn nhỏ, khi nghe tụng đến câu này bèn thắc mắc với hòa thượng. Vị hòa thượng không trả lời được và bảo ngài Ngưỡng Sơn đi hỏi các vị Thiền sư. Các vị Thiền sư mới nhắc lại là ý trên chuyên chỉ về Tâm, mà tâm đó không phải là thân, cho nên phải buông bỏ hết những thứ này mới nhận ra được bản tâm của mình.  
Trong “Tây du ký” có đoạn Tam Tạng đi thỉnh kinh khi đi qua một khu rừng, Tam Tạng nói với Ngộ Không rằng: 
 - Đồ đệ, coi chừng có yêu quái. 
Ngộ Không trả lời:
- Thầy tụng kinh Bát Nhã hoài mà Thầy không nhớ.
Tam Tạng bảo:
- Ta thuộc nằm lòng, làm sao mà có thể quên được.
Nghe vậy, Tôn Ngộ Không thưa:
- Thầy đọc nhưng mà Thầy quên, trong kinh Bát Nhã có câu “vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý”. Đã không có tai, mắt,, mũi, lưỡi, thân, ý thì cái tâm sợ ma này ở đâu mà ra? Lúc bấy giờ Tam Tạng mới giật mình, vì lo sợ cho thân mình mà quên bẵng đi rằng phải quên thân đi mới gặp được bản tâm. Vì thân này là thân tứ đại, được tạo ra do nghiệp. Nếu chúng ta tham luyến thân này quá, thì khi vừa mới ra khỏi thân này, mình sẽ chụp lấy cái khác để bám vào. Do đó sẽ cứ sanh tử luân hồi hoài, không thể sống với bản tâm thênh thang, bản tâm có thể tạo tất cả thế giới của mình.
Đức Phật cũng đã từng nói: “Ta từ thành đạo đến cho đến ngày nhập diệt chưa hề nói một chữ” để chỉ pháp thân không có nói năng, phải bặt hết ngôn ngữ, suy nghĩ mới nhận ra được bản tâm của mình. Chỉ thầm nhận thôi, nếu nói ra thì không phải nó nữa rồi.
Trong nhà Thiền, có những vị trả lời rất hay. Chẳng hạn như có một người đến hỏi Ngài Triệu Châu: - Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch. Có nói năng, phân biệt đều là giản trạch, như vậy là sao? Ngài Triệu Châu trả lời rằng: - Câu hỏi này có người hỏi đã năm năm nay mà lão tăng vẫn còn bối rối. Nghe câu trả lời này, chắc chắn có người sẽ tỏ ý nghi ngờ ngài Triệu Châu. Nhưng thật ra, ngài Triệu Châu đã trả lời rất rõ. Chỗ “bối rối” tức là chỗ ngôn ngữ không nói đến được, nếu nói ra thì không tới chỗ đó.
Ngài Nam Tuyền một hôm đến thăm hòa thượng ở núi Bá Trượng.
Ngài Bá Trượng mới hỏi rằng: - Chư thánh từ trước có pháp nào mà không thể nói cho người không?
Ngài Nam Tuyền trả lời: - Có.
Ngài Bá Trượng hỏi tiếp: - Thế nào là cái pháp chẳng thể nói?
Ngài Nam Tuyền trả lời: - Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật.
Ngài Mã Tổ có một câu nói rất hay khi chỉ đạo cho người ta: Tâm tức là Phật. Nghĩa là tâm thanh tịnh của chúng ta chính là Phật. Tâm đó ở ngay trong mỗi chúng ta. Do vậy, chúng ta không cần phải cầu, tìm đức Phật nào bên ngoài. Chúng ta lễ lạy, xưng tán những vị Phật bên ngoài là vì các ngài chỉ cho chúng ta thấy Phật trong tâm ta.
Có một người hỏi: - Tại sao không nên lễ Phật?
Một vị Thiền sư đã trả lời: - Không nên lạy những vị Phật bên ngoài bởi vì những vị Phật đó như là một mảnh mây trắng đẹp che mất cửa động, khiến cho những con chim quên mất đường về tổ.
Trong kinh Kim Cang cũng có viết: « Nhược dĩ sắc kiến ngã Dĩ âm thanh cầu ngã Thị nhân hành tà đạo. Bất năng kiến Như Lai ». Muốn thấy được Như Lai, chúng ta phải nhìn vào trong mình chứ còn nhìn ra ngoài dù là nhìn Phật thì cũng không thấy được. Những hình tướng bên ngoài đều là giả huyễn, cốt lõi là phải nhìn ra tâm mình. Dù là Phật đi nữa thì thân của Ngài vẫn là thân sanh diệt. Do vậy, khi ngồi Thiền, bất cứ hình ảnh nào tới cũng không chấp nhận. Nếu chúng ta tu giỏi, luôn luôn nhớ bản tâm của mình thì “Ma lai ma trảm, Phật lai Phật trảm” nghĩa là ma đến ma chết, Phật đến Phật chết, mình thì vẫn không lay động. Thêm nữa, nếu chúng ta sống được với bản tâm, sẽ thấy mình rất giàu có. Ngược lại, nếu ai chưa tin sẽ thấy mình thiếu thốn và cần đủ thứ. Cho nên trở về với bản tâm là con đường giải thoát duy nhất và đúng đắn nhất, không ai có thể giúp chúng ta ngoài chính mình.
Tất cả hiền triết dù Đông hay Tây cũng đều cho rằng: “Biết những người khác tạm gọi là khôn. Nhưng biết chính mình mới là người có trí”. Vì có biết chính mình thì mới chiến thắng được những cái xấu của mình để từ đó tạo ra hạnh phúc. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật cũng có dạy: “Chiến thắng ngàn quân không bằng tự chiến thắng mình. Chiến thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất.” Do vậy, trong cuộc sống, khi gặp phải những chướng ngại, chúng ta cần phải biết buông bỏ ngay để quay trở về. Cứ buông bỏ như thế, lâu dần chúng ta trở thành người có bản lãnh, điềm tĩnh trước mọi biến cố, và tâm thì luôn an lạc.
Dưới thời đức Phật, có một vị thí chủ hay đến cúng dường thức ăn cho tăng chúng. Một hôm, bà đang sai nữ tỳ đi phát thức ăn cúng dường. Người nữ tỳ lỡ tay làm rớt bể hũ mật. Cô sợ đến tái mặt. Thấy tội nghiệp, ngài Xá-lợi-phất khuyên bà chủ của cô đừng rầy la cô.
Nữ thí chủ ấy mới thưa rằng:
- Dạ bạch tôn giả, điều này không có đáng chi cả. Con không có bận tâm về nó. Những chuyện lớn lao hơn mà con còn chưa lung lay. Vì trong khi con đang sắp sửa ở đây thì được tin ở nhà, bọn cướp đã vào lấy hết tài sản và giết chết chồng con của con.
Người nữ thí chủ này đã quán vô thường thành công, thế gian bản chất là vô thường. Sức mạnh của sự tỉnh giác có thể làm cho chúng ta trở thành một con người mạnh mẽ. Cho nên, đạo Phật không phải “mời gọi” chúng ta tu để được lên Niết-bàn mà tập cho chúng ta có được sự bản lãnh để đón nhận mọi tai ương với một cái tâm bình thản.
Có một bài kệ như thế này: « Phiền não gia gia hữu Tai ương xứ xứ đồng Thị phi kiêm thành bại Nhất thiết tổng thành không ». Phiền não thì nhà nào cũng có, nước nào thì cũng có tai ương, và nếu chúng ta gẫm lại thì mọi sự thành bại, thị phi ở đời rốt ráo cũng đều là không. Khi nào chúng ta quán chiếu được như vậy đối với cuộc đời thì mình có thể chấp nhận dễ dàng mọi thứ đến với mình với một cái tâm bình an.
Ngày xưa, ở Trung Hoa có gia đình Bàng Uẩn – một gia đình rất nổi tiếng với hai vợ chồng và hai người con đều đắc đạo. Gia đình ông vốn rất giàu có, nhưng ông đã đem hết tiền vàng đổ xuống sông, chấp nhận cuộc sống nghèo khổ. Người con gái thì phải đan những tấm sáo để nuôi cha, còn người con trai thì phải đi cuốc đất để nuôi mẹ. Cả nhà lúc nào cũng hợp nhau lại bàn chuyện vô vi, cho nên họ sống rất khỏe và chết cũng rất khỏe. Linh Chiếu, cô con gái giành ghế cha ngồi chết. Bảy ngày sau, Bàng Uẩn dựa đầu vào đầu gối của Vu Địch mà chết. Bà vợ nghe tin, chạy báo cho con trai đang cuốc ruộng. Cậu ta liền chống cuốc đứng chết. Bà chôn con xong vào núi chết.
Nhà đang giàu có đem của bỏ xuống sông, rồi sống đời đạm bạc, người đời ắt cho là điên hoặc ngu. Nhưng vì họ đã tìm được kho báu trong tâm mình nên sẵn lòng đánh đổi. Trong khi đó những người xung quanh, người giàu thì cứ mải miết lo giàu thêm, người nghèo thì cứ than trời, trách đất. Chúng ta biết đạo rồi thì giàu nghèo gì tu cũng được. Tất cả chúng ta cần phải cố gắng nỗ lực để trở về sống với bản tâm. 
Đạt-ma khi qua Trung Hoa gặp Lương Võ Đế cũng vậy.
Lương Võ Đế hỏi: - Trẫm cất chùa, độ tăng, làm nhiều việc thiện. Như vậy có công đức gì không?
Tổ trả lời rằng: - Chẳng có công đức gì cả!
Mặc dù vua Lương Võ Đế vốn là người am hiểu Phật pháp, từng đứng ra giảng kinh cho triều thần nghe. Lúc vua giảng có mưa hoa rơi xuống. Nhưng trước câu trả lời của Tổ, vua cũng tỏ ra bối rối vì không rõ ý của nhà Thiền. Ở đây, chúng ta cần phải phân biệt công đức hoàn toàn khác với phước đức. Phước đức là những phước hữu vi, làm thiện thì có phước nhưng xài sẽ hết. Như vậy thì vẫn ở trong sinh tử luân hồi, không có công đức, tức là cái khiến cho chúng ta trở về được với Phật tánh chân thật của chính mình. Các vị Bồ tát tu tập, tạo những công đức vô vi để thấy chỗ nào chúng sanh cần thì thị hiện tới mà không bị nghiệp ràng buộc, tức là muốn đến thì đến, muốn đi thì đi. Trong khi tất cả chúng sanh đến đây đều do bị nghiệp lôi đi. Nếu nghiệp lành thì tạo ra những quả lành, an lạc. Còn nghiệp dữ thì sẽ tạo ra những quả dữ, quả ác. Nhưng nếu chúng ta biết cách tu, làm chủ được bản tâm của mình thì nghiệp sẽ biến thành nguyện. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, do bị chi phối mà nguyện của chúng ta lại bị trở thành nghiệp.
Trở lại với câu chuyện vua Lương Võ Đế. Nhà vua đã đặt câu hỏi tiếp theo với Tổ Bồ-đề Đạt-ma:
- Thế nào là đệ nhất thánh đế?
Tổ trả lời rằng: - Quách nhiên vô thánh. Nghĩa là: “Không có gì là thánh cả”.
Câu trả lời này đã khiến cho nhiều người hết sức ngạc nhiên. Vì chúng sanh vốn là những người phàm nên ai tu cũng muốn được chuyển phàm thành Thánh, thành Phật hết. Nhưng nếu chúng ta biết nhìn theo mặt khác là tất cả chúng sanh đều có sẵn tâm thanh tịnh cả thì chúng ta đâu cần phải phân biệt đâu là Thánh, đâu là phàm. Thật ra, Thánh cũng chỉ là một danh từ tạm dùng mà thôi. Kinh Bát nhã cũng có nói “vô chứng diệt vô đắc” tức là không có chỗ chứng đắc cho nên Bồ tát tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại cho nên không sợ hãi, vì không sợ hãi nên xa hẳn mọi điên đảo vọng tưởng và đạt đến cứu cánh Niết-bàn. Rồi ba đời chư Phật cũng theo pháp này mà được chứng vô thượng chánh đẳng, chánh giác.
Nói tóm lại, chúng ta sống trong trần lao, chúng ta cần phải nhận ra tâm Phật của mình thì ngay trong ràng buộc chúng ta cũng có được sự giải thoát. Và từ sự giải thoát này, chúng ta mới có được những quyến thuộc giải thoát và mới có thể bảo đảm là kiếp sau mình được sự giải thoát tiếp tục. Phải cố gắng tập tỉnh giác để có thể hóa giải mình, hóa giải bà con, hàng xóm, bạn bè mình, để kiếp sau gặp lại nhau trong sự an vui hạnh phúc chứ không bị nghiệp lôi. Và cuối cùng xin mượn câu kết trong chuyện vua Lương Võ Đế để kết thúc bài nói chuyện hôm nay.
Nhà vua hỏi tổ Bồ-đề Đạt-ma :
- Đứng trước trẫm là ai? 
Tổ Bồ-đề trả lời một câu rất gọn: 
- Không biết !
(Nguồn : Trích Biết và Không Biết / Ni Sư Hạnh Huệ)

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ