Friday, August 16, 2013

Tranh chấp biển Đông - Asean và Việt Nam


Quy tắc ứng xử COC
(Code of Conduct in the South China Sea)

Hội nghị cấp ngoại trưởng Asean vừa diễn ra tại một thị trấn nghĩ mát ven biển Hua Hin của Thái Lan trong hai ngày 13/8 và 14/8. Hiện diện gồm có chín ngoại trưởng, đại diện của các nước tham dự và đại diện của Campuchia ở cấp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao.

Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng của Thái Lan, ông Surapong Tovichakchaikul, nước chủ tịch luân phiên, và lần này các quốc gia thành viên Asean đã : « Có chung một tiếng nói thống nhất » trong việc tìm kiếm một « kết luận nhanh chóng về Bộ quy tắc ứng xử »


“Asean sẽ đồng lòng và đoàn kết. Điều này không có nghĩa là chúng tôi cùng chống lại ai đó,” lời của phát ngôn viên.

“Bộ Quy tắc ứng xử sẽ nhằm để cũng cố lòng tin giữa Asean và Trung Quốc...và ngăn chặn những biến cố đáng tiếc bất ngờ có thể xảy ra trên Biển Đông.”

Tiếp tục thúc đẩy tự do thương mại trong khu vực Đông Á bằng cách mở rộng Asean ‒ Trung Quốc, thỏa thuận thương mại tự do với RCEP (đối tác kinh tế toàn diện khu vực) », là ý kiến đồng thuận mà Asean đã đạt được trong cuộc họp về an ninh khu vực trong tháng sáu vừa qua.

Năm 2012, khi Phnom Penh đang làm chủ tịch luân phiên Asean, khối này đã không thể đạt đến một thỏa thuận chung về vấn đề Biển Đông tại cuộc họp thượng đỉnh.

Nhà cầm quyền Trung Quốc luôn đắn đo không muốn chấp nhận Bộ quy tắc ứng xử, sợ rằng những thỏa hiệp sẽ làm giảm trọng lượng những yêu sách của mình.

Tờ Bangkok Post dẫn lời ông Arthayudh Srisamoot, người đứng đầu cơ quan phụ trách các vấn đề Asean của Chính phủ Thái Lan cho biết các nước Asean rất mong muốn hoàn tất đàm phán COC.

Cuộc gặp không chính thức ở Hua Hin lần này cũng chuẩn bị cho Hội nghị ngoại trưởng Asean và Trung Quốc ở Bắc Kinh sẽ diễn ra từ 28/8 đến 30/8, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Asean.

Hội nghị này cũng sẽ dọn đường cho kỳ họp Thượng đỉnh lần thứ 16 giữa Asean và Trung Quốc vào tháng 10 tại Brunei.
(Theo AFP)

Nhận xét :

Từ hơn 10 năm qua, các nước ASEAN luôn cố gắng tìm kiếm một thỏa hiệp về an ninh với Trung Quốc thông qua một Bộ quy tắc ứng xử hợp lệ. Trong lúc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, kể cả những vùng biển nằm trong lãnh hải của các nước láng giềng nhỏ hơn.

Năm ngoái, các chiến hạm Trung Quốc đã chiếm giữ bãi cạn Scarborough của Philippine và đã bị nước này phản đối mạnh mẻ, không còn cách nào khác trước sự ngang nhiên của TQ, Philippine đã đệ đơn kiện TQ trước tòa án quốc tế xử về tranh chấp biển đảo.
Riêng đối với Việt Nam, Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của “thành phố Tam Sa” trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 21/7, phía Trung Quốc đã tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội nhân dân khóa I của “thành phố Tam Sa”. Họ chính thức biến Hoàng-Trường Sa của Việt Nam trở thành quận huyện của họ, trong khi theo bằng chứng về lịch sử lẫn pháp lý thì Hoàng Sa, Trường Sa đều thuộc chủ quyền nước Việt Nam.

Hàng loạt tài liệu, thư tịch, sắc phong, châu bản... từ thế kỷ 18 đến thời vua Bảo Đại, được công bố trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa, đều chứng minh sự cai quản liên tục của quốc gia Việt Nam ở quần đảo này.

14.10.1950, sau khi ký kết Hiệp ước Elysée, Pháp chính thức trao quyền kiểm soát Hoàng Sa – Trường Sa cho chính quyền Bảo Đại của quốc gia Việt Nam.

Ngày 7.9.1951, cũng tại hội nghị có phái đoàn 51 quốc gia tham dự tổ chức ở San Francisco (Mỹ), Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa” (dẫn theo “Các văn kiện chính thức xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Pháp thuộc đến nay”. Sau tuyên bố của phái đoàn Việt Nam, không có một đại biểu nào trong hội nghị bình luận gì.

50 phái đoàn quốc tế yên lặng nghe lời tuyên bố của phái đoàn Việt Nam, tức là lời tuyên bố dưới lá cờ quốc gia, ‘nền vàng ba sọc đỏ’, đã được hoàn toàn công nhận, không có quốc gia nào phản đối” (Việt Nam Cộng Hòa - Bộ Dân vận và Chiêu hồi. Hoàng Sa - Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 3-1974, trang 52).

Tại cuộc hội thảo về biển Đông được tổ chức từ 13 đến 15.3.2013 tại New York. Có sự tham dự của các học giả, chuyên gia luật từ các nước : Mỹ, Trung quốc, Philippine, Singapore, Việt Nam...Tướng Chu - hiệu trưởng đại học quốc phòng TQ đã dẫn ra Công hàm của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Cộng hoà Nhân dân Trung hoa (CHNDTH) Chu Ân Lai năm 1958 như là bằng chứng Việt Nam công nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là thế ‘mắc quai’ của đảng cầm quyền CSVN hiện tại trong tranh chấp về hai quần đảo này với TQ tại biển Đông !

Dựa về mặt pháp lý thì ai cũng biết là vào thời điểm ông Phạm văn Đồng ký công hàm gởi cho ông Chu ân Lai thì Hoàng – Trường Sa thuộc về lãnh thổ của Việt Nam dưới sự quản lý của chính quyền VNCH được công pháp quốc tế thừa nhận từ xưa cho tới 30/4/1975. Và hiểu ngầm là khi hạ bút ký cái công hàm 14. 9.1958, kể như ông thủ tướng của chế độ miền BắcVN không cần biết tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì kể như không phải của mình ?! Phải chi mà ông ấy biết được sẽ chiếm trọn miền Nam như bây giờ thì bảo đảm ông không dại gì viết một công hàm ‘tặng không’ lãnh thổ của tổ quốc do tiền nhân bao ngàn năm dựng xây cho ‘đồng chí đàn anh’ một cách dễ dàng như vậy – và trở thành tội danh ‘bán nước’ muôn đời !
Tại sao nhà cầm quyền của nước CSVN tức VNDCCH không dám có thái độ quyết liệt như Philippine hay Nhật để phản đối TQ khi lãnh hải (Hoàng – Trường Sa) bị xâm phạm, chính bởi vì ‘bị kẹt’ cái bản công hàm 1958. Tuy là họ đang tìm mọi cách để phủ nhận điều này. Nhưng ông bà mình có câu : “Bút sa gà chết”.   

Tháng 6 năm 1956, hai tuần sau khi Việt Nam quốc gia tái xác nhận chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa. Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Việt Ung Văn Khiêm nói với Li Zhimin, Xử lý Thường vụ Toà Đại Sứ Trung quốc tại Bắc Việt, rằng "theo những dữ kiện của Việt nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung quốc".

Ngày 4 tháng 9 năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố “bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðược áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác trên biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa), và các đảo khác thuộc Trung Quốc”. 

Mười ngày sau đó, Phạm Văn Đồng đã ký gởi cho Chu Ân Lai công hàm 14. 9.1958 như sau đây :

Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ:

Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố , ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.

Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa trên mặt bể.

Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

Hà-nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958

PHẠM VĂN ĐỒNG
Thủ tướng Chính Phủ
Nước Việt-nam Dân chủ Cộng Hòa


Hôm nay Việt Nam đã thống nhất và đặt dưới sự cai trị của nhà cầm quyền VNDCCH. Họ sẽ giải quyết thế nào khi muốn dành lại chủ quyền hai quần đảo, lãnh thổ, lãnh hải của tổ quốc Việt Nam đang bị TQ ngang nhiên bước vào - cũng bằng chính bằng chứng mà một thủ tướng của họ trong quá khứ đã giao nộp cho nước ‘đồng chí vĩ đại phương Bắc’ trong giai đoạn cần nhận viện trợ tối đa về mọi mặt từ Trung quốc để chiếm Miền Nam Việt Nam !?

16/8/13
Lạc Việt

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ