Friday, February 28, 2014

Thái Lan xung đột kéo dài, bạo lực gia tăng - lối thoát ?

Được biết Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hiện đang tiếp tục công tác tại các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc, và đã được dân chúng địa phương chào đón nồng nhiệt. Trong đó có tỉnh Chiang Mai là quê hương của vị nữ thủ tướng này.
Trong khi tại Bangkok phong trào biểu tình do các thủ lĩnh đối lập cầm đầu vẫn tiếp tục bao vây những cơ quan của chính phủ, tuy số người tham gia càng ngày càng giảm đi đáng kể, một phần có lẽ vì tình trạng bạo lực gia tăng - từ hôm 26/2 liên tục có những hành động khủng bố do một nhóm người bịt mặt áo đen trà trộn vào đám đông bắn tỉa, tung lựa đạn… làm cho cả cảnh sát lẫn người biểu tình phần chết phần bị thương. Từ khi phong trào biểu tình phát động đến nay đã có hơn 20 người chết trong đó có 1 cảnh sát và 4 trẻ em và hơn 500 người bị thương - trong lúc lực lượng an ninh quốc gia không có quyền giải tán đám đông biểu tình vì những người biểu tình được Tòa án hiến pháp bảo vệ.

 Những người biểu tình ủng hộ chính phủ đang bao vây trụ sở NACC

Ngày 27/2 theo dự kiến thì Thủ tướng Yingluck được triệu tập tại Ủy ban chống tham nhũng (NACC) để nghe cáo buộc những tội trạng liên quan đến chương trình trợ giá gạo cho nông dân, tuy nhiên bà Yingluck đă bác bỏ sự buộc tội trên và đã cử luật sư đại diện đến làm việc cùng Ủy ban chống tham nhũng vì bà đang bận công việc tại các tỉnh. Bà Yingluck sẽ có 15 ngày để trình các bằng chứng là mình vô tội. Nếu bị buộc có tội, bà Yingluck sẽ phải ra trước Thượng viện và có thể bị cách chức đồng thời cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.
Ngày 26/2 các thành viên của đảng Mặt trận dân chủ chống độc tài (UDD), phe áo đỏ ủng hộ chính phủ, đã bao vây trụ sở Ủy ban chống tham nhũng (NACC). Họ áp dụng phương cách tương tự như Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC), phe biểu tình (áo vàng) đang áp dụng - dùng xích sắc khóa các cổng của cơ quan này không cho công chức vào làm việc, ai muốn ra vào phải xin phép họ, để phản đối những cáo buộc bất công của NACC đối với Thủ tướng Yingluck. Họ cũng ra thông báo đòi giải tán những cơ quan độc lập không do dân bầu như ‘Ủy ban chống tham nhũng’ hay ‘Tòa án hiến pháp’ vì cho rằng các cơ quan này đang âm thầm cấu kết với phe đối lập chống chính phủ (đang biểu tình) - nhằm lật đổ chính phủ hiện tại do dân bầu, với ý đồ muốn hủy hoại nền dân chủ tại đất nước này.

Ngày 27/2 một trong những thủ lĩnh biểu tình ông Suthep đã thách thủ tướng Thái Lan Yingluck tranh luận tay đôi, với điều kiện được trực tiếp truyền hình và truyền thanh cho mọi người nghe và xem. Đáp lại đề nghị trên của ông Suthep, Bộ trưởng Lao động Chalerm Yoobamrung, người chịu trách nhiệm giám sát tình trạng khẩn cấp được áp đặt hồi tháng trước, ngày 28/2 đã nói rằng Thủ tướng Yingluck là nhà lãnh đạo hợp pháp của đất nước và ông Suthep là đối tượng đang phải đối mặt với lệnh bắt giữ, và đã cầm đầu một phong trào biểu tình làm rối loạn xã hội, không tôn trọng luật pháp. Không có lý do gì Thủ tướng phải đàm phán với ông ta.

Trước tình trạng xung đột trầm trọng kéo dài đã 4 tháng qua mà không thể giải quyết, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Towichakchaikul đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Liên hiệp quốc. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại trước tình trạng bạo lực hiện nay của Thái Lan, ông Ki-moon cũng ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ Thái Lan tìm ra giải pháp cho tình trạng bế tắc đang diễn ra.

hhx475 (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ