Monday, April 7, 2014

Phe Áo Đỏ kết thúc cuộc đại biểu tình 3 ngày tại Thái Lan


Cuộc đại biểu tình phát huy tinh thần Dân chủ chống độc tài của Phe Áo đỏ (UDD), nhằm ủng hộ Thủ tướng Yingluck, tại ngoại ô Bangkok từ ngày 5 – 7/4 đã kết thúc trong không khí ôn hòa không có biến cố gì nghiêm trọng xảy ra.
Tuy nhiên, theo lời Chủ tịch UDD ông Jatuporn Promphans cho biết thì những người Áo Đỏ sẽ tập trung có thể còn đông đảo hơn lần này và tiến vào Bangkok, vào ngày mà tòa án Hiến pháp Thái Lan đưa ra phán quyết đối với Thủ tướng Yingluck Shinawatra, nhằm biểu dương sức mạnh lòng dân sẳn sàng bảo vệ nền Dân chủ, và chính phủ Dân cử của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, trước nguy cơ bà bị Ủy ban phòng chống tham nhũng định tội, điều này sẽ dẫn đến việc đình chỉ quyền Thủ tướng tạm thời của bà Yingluck. Và có thể một Thủ tướng mới không qua dân bầu sẽ được chỉ định. Tuy nhiên Ủy ban phòng chống tham nhũng vẫn còn đang xem xét hồ sơ về việc này.
Phe Áo đỏ biểu tình ủng hộ chính phủ tt.Yingluck

Theo dự tính của UDD thì cuộc đại biểu tình vừa qua sẽ có thể quy tụ khoảng 500.000 người tuy vậy theo giới quan sát thì số lượng người biểu tình tham dự chỉ độ hơn 100.000, nhưng được tổ chức rất chặt chẻ. Được biết số người tham dự không nhiều như yêu cầu ban đầu, có lẽ vì tòa án và các tổ chức độc lập chưa có quyết định về tương lai của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, mặt khác vì những người biểu tình tham dự một cách trực tiếp theo kêu gọi của chủ tịch UDD chứ không kết hợp với mạng lưới cơ sở của đảng cầm quyền Vì nước Thái (Puea).
Chủ tịch UDD, ông Jatuporn Promphans đã phát biểu trong cuộc biểu tình: Những người Áo Đỏ sẽ tiến thẳng vào Bangkok, ngày mà tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ chính thức tuyên bố quyết định đối với vai trò của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, mà theo dự kiến tòa sẽ xét xử vào khoảng cuối tháng Tư. Trả lời phóng viên VOV tại Thái Lan, Tổng thư ký UDD Nattawut Saikua, người phụ trách về đường lối, chính sách của UDD có đề cập đến "giới hạn đỏ", tùy theo đó mà lực lượng này sẽ quyết định về sự tranh đấu nhằm bảo vệ thể chế Dân chủ của đất nước này.
Ông Nattawut Saikua cho biết: "Chúng tôi sẽ cương quyết thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền dân chủ Thái Lan nếu Chính quyền hiện tại bị lật đổ hoặc bản hiến pháp hiện nay bị xé bỏ và một Thủ tướng ngoài luật pháp được lập nên. Chúng tôi quyết tâm không chấp nhận những gì mà cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban đang tiến hành và chúng tôi sẽ chiến đấu nếu ngày đó xảy ra."
Đồng thời, Ông Suthep Thausuban cũng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc biểu tình lớn cùng ngày mà lực lượng Áo Đỏ sẽ kéo vào Bangkok. Họ cũng kiên quyết sẽ biểu tình đến cùng nếu Thủ tướng không bị đình chỉ chức vụ bởi phán quyết của Tòa Tư pháp.
Phát biểu của lãnh đạo hai phe biểu tình đã tạo ra sự căng thẳng tại Thái Lan. Theo một cuộc thăm dò thì đa số mọi người lo ngại một cuộc nội chiến có thể xẩy ra nếu các bên không thể kiểm soát được người của phe mình, và gây ra xung đột.
Phía cảnh sát Thái Lan cho biết, họ sẽ thành lập một kế hoạch an ninh đặc biệt trong ngày tòa án Hiến pháp ra quyết định, nhằm thích nghi với tình trạng đối đầu của hai phe Ủng hộ và chống đối trước phán quyết quan trọng của Tòa án về việc ‘ở lại hay ra đi’ của Thủ tướng.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra hiện cũng đang đối mặt với một vụ kiện về việc bà đã thuyên chuyển Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia, ông Thawin Pleansi sang chức vụ khác. Vụ việc được bắt đầu khi Tòa án Tối cao mới đây cho rằng việc thuyên chuyển này là không phù hợp và buộc chính phủ phải trả lại vị trí này cho ông Thawin. (Có lẽ chỉ có nước Chùa vàng mới có hệ thống pháp lý đặc thù này).

Nước Thái Lan luôn bất ổn về chính trị dẫn đến tình trạng bất ổn về an ninh, trật tự xã hội và ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế. Trong quá khứ đã từng xảy ra 18 cuộc đảo chính đều do quân đội thực hiện. Lần cuối là năm 2006, cuộc đảo chính đã lật đổ chính quyền của Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra.
Mọi xáo trộn xảy ra đều do sự chia rẻ sâu sắc của các phe phái chính trị. Trong đó phải đề cập đến sự chia rẻ trầm trọng giữa hai khuynh hướng xã hội. Một bên là các thế lực của thành phần Thượng và trung lưu được sự ủng hộ của hoàng tộc vả quân đội. Một bên là đại đa số người dân nghèo, nông dân, lao động ủng hộ chính sách Dân túy, ‘mỗi người dân một lá phiếu’ xây dựng nền Dân chủ, do cựu Thủ tướng Thaksin chủ xướng. Mặc dầu chính sách Dân túy đã giúp cho đảng Puea ‘Vì nước Thái’ luôn đạt thắng lợi trong các cuộc bầu cử từ 1992 đến nay, nhưng  đồng thời đảng này cũng luôn bị các phe nhóm Đối lập của thành phần giàu có Thái Lan, trong đó có thế lực quan trọng của đảng ‘Dân chủ đối lập’ luôn có ý đồ muốn lật đổ, dựa vào một vài điểm yếu của đảng cầm quyền chỉ vì quyền lợi phe phái, thay vì cùng hợp tác để cải cách và xây dựng, để đưa đất nước tiến lên, ổn định và tạo đời sống yên bình ấm no cho dân tộc. Chính sự chia rẻ và tranh đoạt quyền lực là lòng ích kỷ đã làm suy yếu nước Thái Lan, tạo ra thảm họa bất ổn triền miên suốt bao thập kỷ qua.

hhx475 (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ