Tuesday, April 18, 2017

Lạc Việt

MỸ TRỞ LẠI 'VẾT XE LĂN'
'Armageddon đang mở cửa'?
Chính phủ Mỹ đang đi một ván bài chiến lược ‘nóng’ nguy hiểm, tương tự với tính chất của tân tổng thống - xét cả về cương vị, uy tín của một quốc gia Dân chủ tiến bộ cần coi trọng công pháp quốc tế, và cả về đối sách cân bằng với tình hình rối loạn hiện tại của thế giới, khi tổng thống Trump đã đơn phương cho tấn công sân bay Shayrat tại Syria với 59 hỏa tiển Tomahawk ngày 6 tháng Tư vừa qua - gọi là để trả đủa chính quyền Syria vì đã tấn công khí độc làm chết thường dân trong vùng do quân nổi loạn kiểm soát.
Cuộc tấn công bất ngờ trực tiếp này vào chính quyền Syria được xem là lần đầu tiên sau hơn sáu năm nội chiến tại Syria, khi mà máy bay của liên quân Mỹ lượn trên không phận Syria như chổ không người để rãi bom hổ trợ cho quân nổi dậy do Mỹ và đồng minh hậu thuẩn. Sự tập kích hỏa tiển Tomahawk của chính quyền Trump vừa qua đã nhận được sự ủng hộ của các nước theo Mỹ và thù địch với chính quyền Syria. Tuy nhiên đồng minh của Syria cực lực phản đối và hứa sẽ đáp trả nếu Mỹ còn tiếp tục gây hấn. Ngoài ra có một số chính khách châu Âu và các nước trung lập lại không tán thành hành động có tính gây chiến này với Syria, trong lúc sự thật chưa được điều tra chính thức để quy trách nhiệm của vụ tấn công vũ khí hóa học nói trên.
Chính quyền tổng thống Assad đã lên tiếng phủ nhận - riêng phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga bà Maria Zakharova cũng nhắc cho thế giới nhớ về việc liên hiệp quốc đã giải trừ vũ khí hóa học của Syria năm 2013.
Theo một nguồn tin của Nga thì không quân Syria đã thả bom trúng một kho vũ khí hóa học của quân khủng bố được chế tạo tại Idlil nhằm cung cấp cho chiến trường Iraq. Mọi việc còn đang trong vòng nghi vấn và điều tra.
Trong khi chưa có bằng chứng chính xác, có lẽ các bên tham chiến tại Syria nên bình tĩnh chờ kết quả điều tra của Liên hiệp quốc - không nên loại trừ khả năng đang có âm mưu tạo cớ về vũ khí hóa học để đổ lỗi cho chính quyền Assad. Một đất nước hoang tàn và hỗn loạn, trừ một số khu vực còn nằm trong sự kiểm soát của chính phủ Syria, ngoài ra đều bị chia năm sẻ bẩy và nằm dưới quyền các nhóm khủng bố phức tạp luôn trà trộn trong quân nổi dậy, tất cả đều có thể là thủ phạm. Ai nói rằng IS hay các nhóm khủng bố khác không mướn chuyên gia nước ngoài để chế tạo vũ khí hóa học. Không cứ gì là vũ khí hóa học bị giải trừ còn tồn tại mà là những vũ khí mới được chế tạo ?
Hảy thử đặt giả thuyết một âm mưu thâm độc đang được tiến hành để nhằm dứt điểm chính quyền Syria - dĩ nhiên ai cũng có thể đang dùng bàn tay ma quái vì ông Assad có quá nhiều kẻ thù dòng Sunni chiếm đa số tại các quốc gia hồi giáo này, và hơn nữa là thế lực phương Tây luôn muốn lật đổ ông suốt bao năm qua. Trong tình hình rối loạn, vô kiểm soát như hiện nay thì để thực hành âm mưu kể trên đâu có gì khó. Đang bị thế giới buộc tội và bị Mỹ tấn công chưa lâu thì mới đây lại có tin là chính quyền Assad lại thả bom chứa vũ khí hóa học tại một làng ở phía Bắc gần Hama. Hình như có một cái gì đó không được bình thường. Cho dù chính quyền của ông Assad có bạo gan đến đâu cũng không thể lập lại cùng một hành động thách thức như vậy chỉ trong vài ngày, và chắc rằng Nga cũng không thể ngồi nhìn đồng minh mà mình đang hết sức giúp đỡ về mọi mặt lại làm những điều thiếu thông mình như vậy. Trừ khi những kho vũ khí hóa học của phía khủng bố bị phát hiện hoặc bị thả bom trúng.
Cả kẻ thù trong khu vực và phương Tây đều luôn chờ cơ hội để chính quyền Mỹ và Nga sa lầy vào một cuộc thế chiến ở bàn cờ rối Syria - và ngay cả những thế lực diều hâu Mỹ cũng không nằm ngoài. Trước khi tổng thống V. Putin quyết định giúp chính phủ Syria tồn tại và giữ sự vẹn toàn lãnh thổ thì Syria là con đường của một Iraq hay Libya không thể tránh. Tuy nhiên dưới chính quyền cựu tổng thống Obama, cho dù với sự thúc đẩy của Anh và phương Tây, cũng như dùng tiêu chuẩn kép nhằm loại bỏ chính quyền ông Assad suốt 4 năm nhưng bởi sự hiện diện của Nga nên chủ trương của Mỹ tại Trung Đông đã không thành công, mà chỉ làm cho tổ chức khủng bố IS lan rộng thêm.
Hiện tại trong thời chính quyền Trump, ngay từ đầu cá nhân ông Trump cũng không hề có ác cảm với Nga, mà thật sự ông ấy muốn có một đường lối đối ngoại mới cho nước Mỹ đúng như ông ta từng tuyên bố khi tranh cử. Một nước Mỹ không vì ngôi bá chủ mà đi thao túng, tham dự vào nội bộ các quốc gia khác vừa hao tốn tiền của, nhân lực và đôi khi phạm vào lỗi lầm khó tha thứ là mang lại những hậu quả tai hại - điển hình là Việt Nam, Trung Đông trong quá khứ, hoặc Syria hiện tại. Ông Trump muốn có một cái nhìn khác với các đối tác NATO về Nga, Ukrain hay Syria. Tuy nhiên trong thực tế khi nắm chính quyền và bắt đầu xoay theo guồng máy khổng lồ dưới ảnh hưởng của những thế lực hùng mạnh và đen tối vốn luôn thống trị nước Mỹ thì cho dù một D.Trump đầy ngạo mạn, lớn gan và có tầm nhìn thoáng về một thế giới mới không còn đơn cực, nhưng ông ta đang bị khống chế - bằng chứng là ở cương vị một tổng thống nhưng lời nói trước khi thắng cử và bây giờ hành động của D. Trump mọi người đều thấy là đã hoàn toàn trái ngược. Tổng thống Mỹ đang áp dụng triệt để câu : ‘Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói lại là quân tử khôn !’ – Ông đang lật ngược tất cả quan điểm - với Brussels, NATO, hay với Trung Quốc và dĩ nhiên cũng thay đổi hoàn toàn với Nga - nơi có vị tổng thống mà ông Trump khi còn hồn nhiên biểu lộ theo cảm tính đã không hề che đậy mối thiện cảm. Đến nỗi Nga bị mang tiếng là nhúng tay vào bầu cử Mỹ.
Chính quyền Trump đang còn mới mẻ thì phải đối diện với một loạt vấn đề - cả về chính sách đối ngoại, nhập cư và sự tranh chấp nội bộ - mà một trong những vụ việc có tầm ảnh hưởng quan trọng đến quốc gia và cá nhân tổng thống đó là vấn đề các cố vấn cao cấp của ông bị cáo buộc có dính líu với một vài nhân vật cao cấp Nga - mà trong đó có cả con rể của ông, người chồng quý của cô con gái rượu Ivanka, từng là cánh tay đắc lực luôn giúp ông từ bước đầu tiên đến chiếc ngai vàng Dân chủ ‘tổng thống’. Có phải chăng để giải tỏa áp lực, hoặc bên trong đã có một thỏa thuận ngầm nào đó trong chính quyền Trump và các thế lực khác - đã dẫn đến vụ khí độc tại Syria - chính phủ Assad bị cáo buộc - Trump dưới sự cố vấn của ai đó đã cho nã 59 hỏa tiển vào sân bay Syria, một công đôi việc - vừa lúc chào mừng chủ tịch Trung Quốc họ Tập sang thăm Mỹ - vừa chứng tỏ sự cứng rắn - sẳn sàng không nể mặt Nga khi trừng phạt Syria - mà Mỹ thừa biết là lập trường của tổng thống Putin sẽ không thay đổi tại đất nước Trung Đông đang bị cày nát bởi chiến tranh này - từ đầu và vẫn chưa hề lay chuyển ?
Về việc Mỹ buộc tội chính phủ Assad và lập tức có hành động khiến cho người ta rùng mình liên tưởng tới chiến tranh vùng vịnh năm 2003. Chính phủ George Bush lúc đó cũng đã cùng Anh, dưới thời thủ tướng Tony Blair hoàn toàn ủng hộ Mỹ như Theresa May hiện tại - đã ngụy tạo chứng cớ vu cho Sadam Hussein tàng trữ vũ khí hóa học để huy động quân đội và đồng minh ào ạt tấn công Iraq mà mục đích chính là lật đổ chế độ Saddam Hussein. Cuộc chiến tranh còn được gọi là ‘cuộc chiến vùng vịnh 2’ này là một ‘quả độc’ được lịch sử cận đại mệnh danh là một ‘tội ác’, khi hàng trăm ngàn người dân thường đã mất mạng dưới bom đạn, vũ khí hiện đại của quân lực Mỹ cùng đồng minh.Và chứng cớ vũ khí hóa học thật ra chỉ là tin ‘tình báo ngụy tạo’ mà sau này cựu thủ tướng Tony Blair với chút điểm lương tâm còn sót lại - đã lên tiếng xin lỗi Iraq, tuy nhiên chỉ đơn giản như vậy sau khi một đất nước giàu đẹp đã thành đống tro tàn, với máu xương bao nhiêu người dân Iraq vô tội đã vĩnh viễn chôn vùi ! Diệt một lãnh tụ độc tài nhưng sau hơn một thập niên, Dân chủ, Tự do, cơm no, áo ấm đâu không thấy, giống như Afganishtan và Libya, những đất nước ấy vẫn chỉ là những lãnh thổ nghèo đói, bất công và đầy bạo lực trong một nền tảng xã hội sụp đổ. Hơn thế lại trở thành nơi sản sinh ra những tổ chức khủng bố đầy hận thù, nguy hiểm và đáng sợ nhất là khủng bố IS càng lúc càng lớn mạnh, khuynh đảo cả thế giới.
Có lẽ những người yêu chuộng hòa bình và mong muốn nhìn thấy một thế giới đa cực, từng đặt kỳ vọng vào tổng thống Trump, người sẽ có thể mở ra một kỷ nguyên mới mà mọi quốc gia đều có thể hợp tác trong tinh thần tôn trọng, bình đẳng và trách nhiệm. Cùng nhau chống khủng bố IS nhưng sẽ không ai chơi kiểu tiêu chuẩn kép. Đồng thời tân tổng thống Mỹ có thể áp dụng đường lối, chính sách mà ông từng đề cập lúc ban đầu đó là hợp tác với Nga một cách khách quan, ôn hòa để thật sự cùng giải quyết cuộc nội chiến tương tàn và diệt chủng tại Syria suốt sáu năm qua ! Cuộc nội chiến được xem như là một trận thế chiến biến thể với sự tham dự của nhiều nước thứ ba, cả thù địch lẫn ủng hộ chính quyền tổng thống Basah-al-Assad. Một cuộc ‘nội chiến thế giới’ luôn là ngòi nổ cho một trận ‘đại chiến thế giới’ nếu thiếu sự hợp tác hữu hiệu của các bên tham dự mà đặc biệt là Nga và Mỹ.
Tuy nhiên, cho dù tổng thống Mỹ và ban tham mưu của ông ta có những dự tính gì khác nhưng qua cuộc tấn công tên lửa ồ ạt vào căn cứ không quân của quân đội Syria ngày 6 tháng Tư vừa qua đã làm cho mọi người cảm thấy chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ mới đang đi vào ‘con đường cũ’ và còn cứng rắn, ‘nguy hiểm’ hơn trước, có thể chỉ cần một sơ suất mà không ai muốn, sẽ là nguyên cớ cho một cuộc chiến tranh tàn khốc - không chỉ tiêu diệt nước Syria mà còn sẽ cướp đi vô số sinh mạng vô tội khác khắp nơi trên thế giới !
Có một điểm nên khách quan nhìn nhận - dù thích hay không thích chính quyền Assad, nhưng quân đội Syria cùng dân quân các nước đồng minh như Nga, Iran, Iraq, Hezbollah suốt hơn năm năm qua đang ngày đêm chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố tàn bạo là IS. Nếu các tướng tá châu Âu và Mỹ vẫn ăn ngủ yên lành cùng vợ con thì trên chiến trường đỏ lửa Syria, từng giây phút những người lính trung thành của ông Assad cùng đồng minh đang đối diện với cái chết cận kề, có những vị tướng Iran đã hy sinh nơi chiến trận. Họ đang là những lực lượng nồng cốt và thật sự thiện chiến để đương đầu với quân khủng bố IS.
Hảy thử nghĩ nếu tháng chín năm 2015- Mỹ và các đồng minh Ả rập và châu Âu theo Mỹ đã lật đổ được chính quyền của ông Assad theo đúng với kế sách mà họ hoạch định - thì một chính quyền ‘bù nhìn mới’ đã được thành lập bao gồm tất cả các phe phái tranh dành tại Syria - dĩ nhiên trong đó có cả ‘khủng bố ôn hòa’ và ‘cực đoan IS’, mà Mỹ và châu Âu khó phân biệt - chính phủ mới đó sẽ đã bị nuốt bởi thế lực tàn bạo IS, và có lẽ đến nay thì đất nước này đã trở thành vương quốc Hồi giáo của IS - và có lẽ các nước láng giềng cũng đang từ từ được nhuộm đen. Nếu kịch bản trên đã xảy ra thì tại châu Âu khủng bố đã lan tràn khắp nơi. Các lãnh đạo phương Tây đang đầu tắt, mặt tối lo tăng cường an ninh và ổn định sự rối loạn xã hội. Có lẽ không ai được yên ổn như bây giờ để lại tiếp tục ‘kịch bản’ mới với chính quyền Mỹ mới – nhưng vẫn dựa trên phiên bản cũ là bằng mọi giá phải loại bỏ ‘Basah-al-Assad’.
Có phải quyền lực và danh vọng dễ làm cho con người mù quáng. Họ chỉ muốn giữ vững vị trí và đạt được mục đích chính trị của mình. Có những kẻ luôn kêu gọi hòa bình, lên án chiến tranh nhưng đồng thời không ngại dùng mọi thủ đoạn, mưu chước để thúc đẩy guồng máy chiến tranh. Mỗi ngày có biết bao là người Iraq, Syria vô tội, vô danh chết một cách dễ dàng không ai cần biết. Trong khi trên thế giới làn sóng tị nạn vẫn tuông chảy - và tại các nước từ Âu sang Á - bọn khủng bố vẫn lộng hành. Xã hội Âu châu càng lúc càng bất an, rối loạn.
Basah-al-Assad mà họ luôn cho là một Sadam Hussein hay Kadafi. Không hẳn vì các ông này là độc tài vì trên thế giới thiếu gì chế độ độc tài còn tàn bạo hơn nhưng đâu có ai làm gì được. Nguyên nhân sâu xa là bởi vì những nhà lãnh đạo khối Trung Đông đó ở trên 'túi dầu khí' phong phú mà lại không chịu theo Mỹ và phương Tây. Tổng thống Assad lại còn độc tài hơn là bởi vì ông ta chẳng những chống hẳn hòi, mà lại còn thân Nga. Ông ta còn tồn tại và đất nước Syria chưa trở thành một Iraq hay Libya thứ hai là nhờ tổng thống V.Putin - người có một lập trường kiên định, ông ta hiểu rỏ về Trung Đông hơn Mỹ và châu Âu, và hiểu rỏ việc mình làm, cũng như danh nghĩa của nó - cho dù dưới sự khuyến dụ hay bị áp lực - vẫn luôn dốc sức giúp chính phủ hợp pháp của Syria bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ - chống lại những âm mưu muốn biến Syria thành đất nước vô chính phủ, bị phân chia - trở thành miếng mồi ngon cho sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố.
Nếu chịu khó dùng cái nhìn khách quan ở khía cạnh tích cực thì sẽ thấy là Nga và dân quân các nước đồng minh của Syria, họ giúp cho Syria, cũng chính là giữ vững tiền phương chống giùm cho thế giới trước loại virus khủng khiếp là IS suốt hơn năm năm qua.
Sau vụ tấn công vũ khí hóa học mà chính phủ Syria bị quy tội - và sau khi Mỹ pháo kích hỏa tiển trừng phạt Syria. Thế giới phương Tây đã họp và cùng Mỹ ngỏ ý muốn tổng thống Nga đứng về phía họ, bỏ rơi chính quyền Assad. Một lần nữa Mỹ và đồng mình lại đánh giá sai vị tổng thống nước Nga. Có những người lãnh đạo khác với đa số, dù họ có những khác biệt về chủ trương, đường lối chính trị đối nội hay đối ngoại, nhưng họ là những vị lãnh đạo lớn, biết đặt quyền lợi của Tổ quốc và Dân tộc lên trên hết, ngoài ra họ có những nguyên tắc riêng, có nghĩa là họ luôn quý chữ tín và danh dự của mình chớ không bán rẻ một cách dễ dàng như người khác. Đồng minh với họ sẽ không chỉ là ‘con tốt’ thí khi cần mà sẽ là người bạn được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Cổ nhân có câu chí lý: ‘Hùm chết để da, người ta chết để tiếng’.
Cuộc nội chiến tại Syria tưởng rằng sẽ có thể được giải quyết một khi Mỹ có thể bắt tay hợp tác trong tinh thần cởi mở, thẳng thắn hơn với Nga. Không còn thành kiến bảo thủ giống châu Âu luôn xem Nga như một mối đe dọa tiềm ẩn. Nhưng trong thực tế chiều hướng đang diễn ra không phải như vậy, mà đáng tiếc là còn ngược lại.
Cho dù hôm nay chính sách đối ngoại của ông Trump đã trở vào khuôn mẫu của chính sách Mỹ trong quá khứ, có nghĩa là đi lại vào ‘vết lăn mòn’. Tuy nhiên nếu Mỹ và châu Âu không nhận ra sự quan trọng và vai trò thiết yếu của Nga tại Syria cũng như tại khối Trung Đông và trên toàn cầu - thì có nghĩa là động lực chiến tranh sẽ vẫn không hề giảm, mà còn có cơ hội gia tăng - lý do vì nước Nga dưới sự lãnh đạo của tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định vị trí và lập trường trong tình hình chính trị tại Syria và Trung Đông, cũng như một trật tự thế giới mà trong đó mọi quốc gia cần có sự hợp tác tôn trọng và bình đẳng - lý do thứ hai vì chính quyền của tổng thống Trump không hợp nhất, có những mâu thuẩn nội bộ. Bị những thế lực chống đối luôn rình rập. Những cố vấn còn trẻ, cho dù khôn ngoan, có học nhưng dễ hiếu thắng khi nắm binh hùng, tướng mạnh trong tay - và hai trong số họ lại là con ruột và con rể của vị tổng thống nhiều sáng kiến nhưng dễ thay đổi và dễ bị lung lạc bởi tình cảm riêng.
Không ai muốn bị cuốn vào cuộc chiến thế giới thứ ba - mọi người cũng thừa hiểu những sự tàn phá và mất mát sẽ lớn đến không tưởng - nhưng trong tình hình bất ổn và phức tạp của thế giới đang càng lúc càng tăng. Lò lửa Syria đã không giảm nhiệt mà càng ngày càng khó kiểm soát hơn. Sự căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên cũng đang tăng tốc. Chỉ cần một trong hai nơi này kích hoạt chiến tranh thì tất cả những nước liên hệ sẽ đương nhiên bị lôi cuốn vào một hệ thống dây chuyền của cơn lốc xoáy khủng khiếp - phải chăng sẽ là trận chiến cuối cùng từng được đề cập đến trong huyền khải, và được mệnh danh là ‘Armageddon !’
Lạc Việt

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ