Tuesday, April 11, 2017

Tâm linh - Tôn giáo

TÂM VÀ TỰ TÍNH CỦA TÂM
Sogyal Rinpoche

Cái thấy thực "cách mạng" trong Phật giáo là, sự sống và chết ở ngay trong tâm, không đâu khác. Tâm được xem như nền tảng phổ quát của kinh nghiệm – kẻ sáng tạo ra hạnh phúc và đau khổ, kẻ sáng tạo ra cái ta gọi là sự sống và cái ta gọi là sự chết.
Có nhiều phương diện của tâm nhưng có hai phương diện nổi bật hơn cả. Đầu tiên là cái tâm thông thường mà người Tây Tạng gọi là Sem. Một bậc thầy đã định nghĩa :
Đó là cái tâm có khả năng phân biệt, có ý thức về nhị nguyên – hoặc lấy hoặc bỏ một đối tượng bên ngoài – đó là Tâm. Đó là cái có thể giao thiệp với một cái "khác" hoặc bất cứ cái gì khác, được xem là sở tri (bị biết), khác với cái năng tri (người biết). Sem là cái tâm suy nghĩ, tâm nhị nguyên, tâm phân biệt, chỉ có thể vận hành tương quan với một điểm quy chiếu ở ngoài, bị nhận lầm và chỉ là một cái bóng được chiếu ra.

Vậy Sem là cái tâm suy nghĩ, đặt kế hoạch, ham muốn, vận động, cái tâm bừng lên trong cơn giận dữ, tạo ra và say mê trong những đợt sóng tư duy và cảm xúc tiêu cực, cái tâm cứ luôn phải quả quyết, đánh giá, và xác định lại hiện hữu của nó bằng cách cắt xén, đặt tên, củng cố kinh nghiệm. Tâm thông thường (sem) là miếng mồi thụ động di chuyển không ngừng theo ảnh hưởng bên ngoài, theo những khuynh hướng tập quán và điều kiện: Những bậc thầy ví nó với ngọn đèn cầy đặt trước gió, phải bị lay động bởi tất cả những ngọn gió của hoàn cảnh.

Nhìn từ một góc cạnh thì Sem là lay động, không dừng trụ, chấp thủ, luôn luôn xía vô việc của người khác; năng lực nó bị tiêu hao do chiếu ra ngoài quá nhiều. Đôi khi tôi ví nó như một hột đậu nhảy của xứ Mexico, hay một con khỉ không ngừng nhảy chuyển cành. Tuy vậy nhìn một cách khác thì ‘tâm thông thường’ có một tính cố định, cùn nhụt, giả tạm, một tính trơ lì tự vệ và tự mãn. Một sự bình thản lạnh lùng của một thói quen ăn sâu. Sem láu cá như một chính trị gia quỷ quyệt, hoài nghi, nhiều mưu mô lừa dối, và "tinh vi với những trò lừa gạt," Jamyang Khientse đã viết. Chính trong kinh nghiệm của Sem, cái tâm hỗn mang vô trật tự này mà chúng ta chịu những đổi thay và chết chóc.
Nhưng còn có bản tính tự nhiên của tâm, tính chất sâu xa của nó, cái tuyệt đối không dính tới đổi thay và chết chóc. Hiện giờ nó đang ẩn trong tâm Sem thông thường của ta, bị bao phủ và che mờ bởi những huyên náo rộn ràng trong tâm, những ý nghĩ và cảm xúc. Cũng như mây có thể bị luồng gió mạnh thổi tan, để lộ mặt trời sáng chói và bầu trời rộng mở, cũng thế, trong vài trường hợp đặc biệt, một cảm hứng nào đó có thể vén mở cho ta hé thấy bản tính tự nhiên ấy của tâm. Những sự hé thấy này có nhiều mức độ cạn, sâu, song đều đem lại cho ta một ít tuệ giác, ý nghĩa và giải thoát, tự do. Bởi vì bản tính này của tâm chính là gốc rễ của trí tuệ. Tạng ngữ gọi nó là Rigpa, một sự tỉnh giác trong sáng nguyên thủy có tính chất thông minh, biết nhận thức, sáng chói và luôn luôn tỉnh thức. Có thể nói nó là cái biết của chính cái biết.
Đừng tưởng lầm bản chất tư nhiên của tâm chỉ có trong tâm ta mà thôi. Kì thật nó là bản chất của mọi sự vật. Điều cần nói là, trực nhận bản tính tự nhiên của tâm cũng chính là trực nhận bản tính tự nhiên của vạn vật.
Những bậc thánh và hành giả huyền học trong lịch sử thường nói về sự chứng ngộ của họ bằng những tên khác nhau, khoát cho nó nhiều bộ mặt khác nhau, lối giải thích khác nhau nhưng tất cả đều kinh nghiệm một điều căn bản là tính thuần túy của tâm. Người Ki tô và Do thái giáo gọi nó là Thượng đế; Ấn độ giáo gọi là Đại ngã, Shilva, Brahman và Vishnu; những nhà thần bí Sufi gọi nó là "tính chất ẩn nấp" còn Phật tử thì gọi là "Phật tính". Trọng tâm của mọi tôn giáo là niềm xác tín rằng có một chân lý căn để, và đời sống là một cơ hội thiêng liêng để tiến hóa và thực chứng chân lý ấy.
Khi ta nói đến Phật, ta tự nhiên nghĩ đến vị hoàng tử xứ Ấn Gotama Shiddharta đạt giác ngộ vào thế kỷ thứ sáu trước tây lịch, người đã giảng dạy con đường tâm linh mà hàng triệu người khắp Á châu noi theo, ngày nay gọi là Phật giáo. Tuy nhiên danh từ Buddha có một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Nó có nghĩa là một con người, bất cứ người nào đã hoàn toàn thức dậy từ giấc ngủ vô minh và mở mang tiềm năng trí tuệ bao la của mình. Một đức Phật là một người đã chấm dứt đau khổ và bất mãn, đã tìm ra một niềm bình an, hạnh phúc dài lâu bất tận.
Nhưng đối với nhiều người trong thời đại hoài nghi này, thì trạng thái ấy có vẻ như một điều huyễn hoặc, mộng mị hay một sự thành tựu hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Điều quan trọng nên nhớ là, đức Phật đã từng là một người như bạn và tôi. Ngài chưa từng tuyên bố là thần thánh gì cả, ngài chỉ biết ngài có Phật tính, hạt giống của giác ngộ, và mọi người cũng đều có. Phật tính là quyền sống của mọi chúng sinh và tôi thường nói rằng Phật tính nơi chúng ta cũng tốt như Phật tính của bất cứ đức Phật nào. Đấy là tin lành mà đức Phật đã mang đến cho chúng ta kể từ khi ngài giác ngộ tại Bồ đề tràng, nơi mà nhiều người sau này đã tìm thấy nguồn cảm hứng thiêng liêng. Thông điệp của ngài là sự giác ngộ ở trong tầm tay của tất cả mọi người, đem lại cho chúng ta một niềm hy vọng tràn trề khi còn ngụp lặn trong bến mê, bể khổ này. Nhờ luyện tập, chúng ta cũng có thể đạt đến sự tỉnh thức. Nếu điều này không đúng thì vô số người từ xưa cho đến nay đã không giác ngộ.
Tương truyền khi Phật mới đạt giác ngộ, điều duy nhất ngài muốn làm là chỉ cho tất cả mọi người ‘tự tính của tâm’, san sẻ cho ta những gì ngài đã trực ngộ. Nhưng ngài cũng thấy với nỗi đau buồn và lòng bi mẫn bao la – thật khó mà làm cho chúng ta hiểu được.
Vì mặc dù trong ta cũng có tự tánh của tâm chư Phật nhưng chúng ta không thể nhận ra nó được vì nó bị gói kín, bao trùm trong những cái tâm thông thường phàm tục của ta. Hảy tưởng tượng một cái bình trống. Khoảng không trong bình cũng giống hệt như khoảng không bên ngoài. Chỉ có những bức thành mong manh của cái bình đã ngăn cách không gian bên trong với bên ngoài. Tâm Phật trong ta bị vây kín, che phủ bởi những bức thành của tâm thông tục. Nhưng khi ta giác ngộ thì cũng giống như cái bình sẽ vỡ tan thành mảnh vụn và khoảng không gian « bên trong » liền tan hòa ngay vào không gian « bên ngoài ». Cả hai trở thành một : Ngay lúc đó và tại chổ đó, ta trực nhận được rằng chúng chưa từng bao giờ có sự ngăn cách hay sai khác ; chúng vẫn luôn luôn là Một.
Ngọc thanh Tư (sưu tầm)

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ