Tuesday, May 16, 2017

Tâm linh - Tôn Giáo

ĐƯA TÂM VỀ NHÀ
Sogyal Rinpoche
"Đây là tôn giáo đơn giản của tôi.
Không cần đền thờ, không cần giáo lý phức tạp.
Chính trí tuệ và tấm lòng của chúng ta là đền thờ - giáo lý là lòng tốt."
Đức Đạt Lai Lạt Ma 14
Trên hai ngàn năm trăm năm trước, một người đã đi tìm chân lý trong nhiều đời kiếp, đi đến một chổ thanh vắng miền Bắc Ấn và ngồi dưới một bóng cây. Người ấy tiếp tục ngồi dưới cây với một tâm quả quyết vô biên, và thề sẽ không đứng dậy nếu không tìm ra chân lý. Tương truyền vào lúc hoàng hôn người ấy đã chiến thắng tất cả những năng lực hắc ám của mê vọng; và bình minh hôm sau lúc ngôi sao mai xuất hiện trên bầu trời người ấy đã được đền bù cho lòng kiên nhẫn trường kỳ, cho kỷ luật và sự tập trung toàn hảo của mình bằng cách chứng đắc tuệ giác, cái mục đích tối thượng của đời người. Vào giờ phút thiêng liêng ấy, trái đất cũng phải rùng mình như thể « say sưa trong niềm phúc lạc, » và kinh điển đã ghi rằng « không ai trong giờ phút ấy, ở bất cứ đâu, nổi giận hay ốm đau, buồn khổ, không ai làm ác, không ai kiêu căng, ngã mạn; thế giới trở nên hoàn toàn thanh tịnh, dường như vừa đạt tới sự toàn thiện. » Con người ấy được biết đến dưới danh hiệu là Đức Phật.
Vào cái đêm lớn lao ấy, khi Đức Phật đạt giác ngộ tương truyền rằng ngài đã kinh qua nhiều giai đoạn của sự tĩnh thức. Đầu tiên, « với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không lỗi lầm không cấu nhiễm, được làm cho mềm mại, dễ xử dụng, an trú bất động, » ngài xoay chú ý về sự nhớ lại những đời quá khứ. Ngài kể lại cho ta kinh nghiệm ấy như sau :
_Ta nhớ lại nhiều đời trước : một đời, hai, ba, bốn, năm đời,…năm mươi, một trăm đời,...trăm ngàn đời, trong các thời kiếp khác nhau. Ta biết mọi sự về những thời ấy : chổ ở, tên họ, gia đình, và ta đã làm gì. Ta kinh qua trở lại những may mắn, bất hạnh của mỗi đời, cái chết của ta trong mỗi đời, rồi lại tái sinh trở lại nhiều lần. Như thế ta nhớ lại vô số đời trước với những nét đặc biệt chính xác, và những hoàn cảnh. Minh này ta đã chứng vào canh đầu của đêm.
Thầy Nhất Hạnh đã mô tả sự giác ngộ của Phật bằng những lời lẽ đẹp đẽ như sau :
_Gautama cảm thấy như thể là cái ngục tù giam giữ mình cả ngàn đời, vừa mới mở tung. Vô minh chính là người giữ ngục. Vì vô minh tâm người đã bị che mờ, hệt như trăng sao bị mây che trong bầu trời trong ngày giông bảo. Bị vây bủa bởi nhiều làn sóng vọng tưởng bất tận, tâm ta đã cắt xén thực tại một cách sai lầm thành ra chủ thể và đối tượng, ta và người, hữu và phi hữu, sinh và tử và do phân biệt khởi lên tà kiến_đó là những ngục tù của thọ, ái, thủ và hữu. Nổi khổ của sinh già bệnh chết chỉ làm cho tường vách nhà tù dầy thêm. Điều duy nhất phải làm là tóm lấy kẻ giữ ngục mà nhìn vào mặt thật của y. Kẻ giữ ngục chính là vô mình…Khi kẻ giữ ngục đã bỏ đi, thì nhà tù sẽ tan biến và không bao giờ được xây trở lại.
Những gì Phật thấy là, sự không biết bản tâm chính là nguồn gốc của tất cả đau khổ trong sinh tử, và nguồn gốc của vô minh chính là khuynh hướng xao lãng của tâm ta, cái khuynh hướng đã thành thói quen khó gỡ. Chấm dứt cái tâm lơ đễnh ấy chính là chấm dứt sinh tử; và chìa khóa đưa đến sự chấm dứt là đưa tâm về nhà, trở về bản tính chân thực của nó, nhờ sự thực tập thiền định.
Đức Phật ngồi trên đất với cung cách khiêm hạ bình an, trên cao và quanh ngài là trời đất bao la, như thể chỉ cho ta rằng trong khi thiền định, bạn nên ngồi với một tâm thái rộng mở khoáng đạt như bầu trời, mà đồng thời vẫn hiện diện, có nền tảng vững vàng trên mặt đất. Bầu trời là bản tính tuyệt đối của chúng ta, vốn không có rào ngăn, không biên giới, còn mặt đất là thực tại của chúng ta, hoàn cảnh tương đối và thường nhật của chúng ta. Dáng ngồi khi ta thiền định có nghĩa rằng ta đang nối cái tuyệt đối với tương đối, trời và đất, như đôi cánh của một con chim, thể nhập cái bản tâm bất tử như bầu trời, với cái bản chất phù du khả hoại của ta như đất.
Năng khiếu tập thiền định là năng khiếu vĩ đại nhất mà bạn có thể tự đem lại cho mình trên cuộc đời này. Vì chỉ nhờ thiền định bạn mới có thể khởi hành cuộc hành trình đi tìm bản chất chân thực của bạn, và nhờ vậy tìm thấy niềm tin vững chải mà bạn cần, để sống tốt đẹp và chết tốt đẹp. Thiền định chính là con đường đưa đến tuệ giác.
Mẫn Như

No comments:

Post a Comment

Mời đóng góp ý kiến trong tinh thần xây dựng.
Đa tạ